Thời gian qua, câu chuyện siết, quản tín dụng vào bất động sản nhận được sự quan tâm của dư luận. Trước câu hỏi dòng vốn vào bất động sản đã "nóng" tới mức phải siết lại hay chưa?
Theo ông Vương Duy Dũng - Trưởng phòng Quản lý nhà thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, vấn đề kiểm soát tín dụng vào động sản thời gian qua được dư luận quan tâm. NHNN cũng đã lên tiếng khẳng định không có chủ trương siết tín dụng mà là kiểm soát dòng vốn để tránh rủi ro, hướng dòng vốn sử dụng đúng mục đích. Trước câu hỏi việc thị trường đã quá "nóng" đến mức cần có sự kiểm soát hay chưa?, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời gian vừa qua, giá bất động sản có xu hướng biến động rất mạnh. Nhưng không phải là tất cả, bất động sản có nhiều phân khúc, loại hình khác nhau chứ không chỉ có một, có phân khúc cao cấp, dành cho nhà đầu cơ, có phân khúc phục vụ chủ yếu để tiêu dùng.
“Những phân khúc dành cho người dân, người thu nhập thấp, trung bình, cho công nhân là những bất động sản chủ yếu phục vụ mục đích tiêu dùng… Thì việc đầu tư cho các loại hình này tương đối an toàn, đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội. Quan điểm của tôi là cần khuyến khích để hỗ trợ phát triển các loại hình này”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, những phân khúc có tính đầu cơ, giá rất cao, thì cần có sự kiểm soát, sự xem xét thận trọng. Không chỉ kiểm soát tín dụng, ngay cả về việc kiểm soát quản lý đầu tư kinh doanh những loại hình đó cũng cần được quan tâm, chặt chẽ. Nhìn chung, việc kiểm soát vốn tín dụng cũng phải tùy theo các phân khúc, tùy dự án, chứ không áp chung với mọi dự án.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản.
Theo đại diện Hiệp hội ngân hàng, không đặt vấn đề là siết tín dụng bất động sản mà phải đặt vấn đề là chỉ đạo của Chính phủ, NHNN rằng lĩnh vực bất động sản là một lĩnh vực rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giá bất động sản biến động rất lớn, quá cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản hết sức rủi ro.
“Dòng tiền tín dụng vẫn đầu tư cho bất động sản thời gian vừa qua, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung chưa cao bằng, điển hình 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 14%, còn của bất động sản là 12%. Đây là một trong những định hướng của Chính phủ và NHNN", đại diện Hiệp hội Ngân hàng nói. Theo ông Hùng, nói đến tín dụng bất động sản, phải đặt vấn đề đây là ngành nghề hết sức quan trọng, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực phụ trợ, vì vậy việc đầu tư cho lĩnh vực bất động sản luôn được quan tâm. NHNN đã thực hiện chức năng chính sách tiền tệ và việc “bơm” vốn cho lĩnh vực bất động sản.
Quan điểm của NHNN, dòng tiền ngắn hạn đầu tư trung dài hạn tới đây cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. Các ngân hàng xem xét, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cần chọn dự án đầu tư có hiệu quả, dự án đầy đủ tính pháp lý thì mới cho vay.
Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho biết, 6 tháng đầu năm nay là giai đoạn bản lề cho sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường BĐS sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID -19. Tuy nhiên, do nguồn cung ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM gần như đã đạt ngưỡng, trong khi các địa phương khác lại khan hiếm, nên dẫn đến tình trạng "sốt ảo" và “ thổi giá ” nhà, đất.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, thì thị BĐS đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021, và đã đạt đến đỉnh của sự tăng trưởng nóng. Bởi lẽ, thông thường thị trường chỉ tăng trưởng khi kinh tế phát triển mạnh hoặc có dòng tiền tốt. Tuy nhiên, thời gian qua lại xuất hiện việc không ít doanh nghiệp không làm ăn được vẫn “đua nhau” đổ tiền vào BĐS, nhiều người dân chán làm ăn cũng quay sang đầu tư nhà, đất.
Những dấu hiệu này chứng tỏ sự không hợp lý về kinh tế, vì khi kinh tế đang gặp khó khăn, dù doanh nghiệp, người dân có tiền hay không, cũng không ai đi lo bỏ tiền vào kênh đầu tư dài hạn là BĐS.
Tổng Hợp