Cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng - Kỳ 1: Không khoan nhượng với hành vi tiếp tay và quảng cáo sai sự thật

Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, sự chủ động của doanh nghiệp và ý thức ngày càng cao của người dân, cuộc chiến chống hàng giả đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Hàng giả, hàng nhái không còn là câu chuyện mới, nhưng mức độ tinh vi và phổ biến của nó vẫn khiến nhiều người tiêu dùng phải dè chừng. Gần đây, dư luận cả nước không khỏi xôn xao trước loạt vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng bị phanh phui trên nhiều lĩnh vực như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, vật tư nông nghiệp, thời trang, điện tử... Những vụ việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, làm suy giảm uy tín của các thương hiệu chân chính mà còn đe doạ nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt ở các mặt hàng như thuốc, sữa và thực phẩm chức năng.

Công an tỉnh Phú Thọ khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, tạm giữ hàng trăm tấn dầu ăn, hạt nêm, mì chính giả, ngày 24/4/2025 Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an
Công an tỉnh Phú Thọ khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, tạm giữ hàng trăm tấn dầu ăn, hạt nêm, mì chính giả, ngày 24/4/2025 Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Trong tháng 5 và tháng 6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các Công điện số 65/CĐ-TTg, Công điện 82/CĐ-TTg và Chỉ thị 13/CT-TTg, mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ. 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/5 đến ngày 15/6/2025, Cơ quan chức năng cả nước đã thành lập những tổ công tác đặc biệt, mở đợt cao điểm truy quét ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Kết quả, trong một tháng cao điểm, cả nước đã xử lý gần 10.500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng khoảng 80% so với tháng trước; khởi tố 204 vụ với 378 đối tượng.

Mới đây, tại cuộc họp thường kỳ quý II/2025 của Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) diễn ra vào ngày 11/7, theo báo cáo được trình bày, trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 11.568 vụ, xử lý 9.919 vụ vi phạm, thu về 266 tỷ đồng từ xử lý vi phạm hành chính; trong đó, phạt tiền 121 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 145 tỷ đồng, nộp ngân sách 141 tỷ đồng. Đồng thời, đã chuyển 76 vụ có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng, đã cho thấy tín hiệu rất tích cực, thể hiện rõ chủ trương và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong cuộc chiến chống lại vấn nạn này.

Quyết tâm này không chỉ dừng lại ở việc xử lý đối tượng trực tiếp mà còn mở rộng đến các cá nhân, tổ chức có hành vi quảng bá, tiếp tay cho hàng giả, hàng gian, hàng độc hại. Tại cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương vào ngày 14/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý nghiêm các cá nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín để quảng cáo sai sự thật, đặc biệt là trên mạng xã hội, nơi các thông tin có thể lan truyền nhanh chóng và gây tác động lớn đến người tiêu dùng.

Những lời quảng cáo thiếu kiểm chứng từ các TikToker, KOL, nghệ sĩ… đã vô tình (hoặc cố ý) tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt với sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs trong buổi livestream bán kẹo Kera.
Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs trong buổi livestream bán kẹo Kera.

Từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều trường hợp đã bị xử phạt, điển hình như biên tập viên Q.M, MC V.H.G. Đặc biệt, vụ việc khởi tố và bắt tạm giam các nhân vật nổi tiếng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên được xem là hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời là bước đi cứng rắn của cơ quan chức năng trong nỗ lực siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, một số nền tảng mạng xã hội cũng đã siết chặt kiểm duyệt nội dung quảng cáo, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc gỡ bỏ tài khoản vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường truyền thông số.

Các đợt phát hiện, xử lý liên tiếp gần đây đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thể hiện rõ quyết tâm triệt phá tận gốc vấn nạn hàng giả, bảo vệ quyền lợi người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần ổn định thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế.

(Còn tiếp)

Ngọc Trúc

Xác định Siro Hải Bé là hàng giả: Cục Thương mại điện tử yêu cầu “xóa sổ” khỏi sàn

Xác định Siro Hải Bé là hàng giả: Cục Thương mại điện tử yêu cầu “xóa sổ” khỏi sàn

“Siro ăn ngon Hải Bé” bị xác định là hàng giả, Cục Thương mại điện tử yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ khỏi các sàn TMĐT, cảnh báo người tiêu dùng ngừng sử dụng ngay.