Ngày 17/5, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, phòng y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm cùng các cơ sở kinh doanh dược phẩm, yêu cầu rà soát, kiểm tra và báo cáo toàn bộ danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang lưu hành.
Theo chỉ đạo, các cơ sở y tế phải khẩn trương rà soát các sản phẩm đang sử dụng, kinh doanh. Trường hợp phát hiện thuốc hoặc thiết bị không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu nghi vấn hoặc chưa được cấp phép lưu hành, phải lập tức niêm phong, ngừng sử dụng và báo cáo ngay với cơ quan chức năng. Đồng thời, các đơn vị cũng cần rà soát lại toàn bộ quy trình mua sắm để bảo đảm hàng hóa được cung ứng từ các nguồn hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ.
Chị Nguyễn Thị Hồng, 36 tuổi, ngụ quận 12, là mẹ của hai con nhỏ cho biết :“Tôi thường mua thực phẩm chức năng và thuốc bổ cho cả nhà, nhất là cho hai bé đang tuổi lớn. Nhưng thật sự rất lo lắng vì không biết sản phẩm mình mua có đảm bảo chất lượng hay không. Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gia đình. Tôi rất ủng hộ việc TP.HCM siết chặt kiểm tra, rà soát toàn diện ngành y tế để người dân như tôi yên tâm hơn khi chăm sóc sức khỏe cho người thân.”
![]() |
TP.HCM rà soát toàn diện thuốc, thiết bị y tế sau vụ phát hiện 100 tấn hàng giả. (Ảnh minh họa) |
Sở Y tế yêu cầu tất cả cơ sở, kể cả khi không phát hiện hàng giả, vẫn phải gửi báo cáo rà soát về sở trước 17 giờ ngày 19/5. Đặc biệt, các cơ sở bán lẻ và kinh doanh dược phẩm chỉ được phép phân phối sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cấp phép và có dữ liệu cập nhật đầy đủ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia.
Trường hợp chị N.T.M.T, sinh viên Đại học Công Thương TP.HCM chia sẻ: “Tôi hay mua thực phẩm chức năng như collagen, vitamin C hay kẽm để bổ sung sức khỏe, nhất là khi học và làm thêm nhiều. Nhưng đôi lúc cũng hoang mang không biết sản phẩm mình dùng có thật sự tốt hay không, vì có quá nhiều loại trôi nổi trên thị trường. Nghe tin thành phố sẽ kiểm tra toàn diện ngành y tế, tôi thấy rất mừng vì điều đó giúp người tiêu dùng như tôi an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm bảo vệ sức khỏe.”
Bên cạnh đó, Phòng Y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức phải tăng cường truyền thông, thông báo đến người dân và các cơ sở kinh doanh, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo, bán buôn các sản phẩm y tế. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm TP.HCM được giao tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng các sản phẩm đang lưu hành. Nếu phát hiện sai phạm, cần kịp thời báo cáo Sở Y tế và chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để xử lý theo thẩm quyền.
Ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Công điện 65/CĐ-TTg phát động đợt cao điểm toàn quốc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (15/5–15/6/2025), Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt gồm lãnh đạo nhiều bộ, ngành. Bộ Công an chủ trì điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, làm rõ trách nhiệm quản lý, ngăn chặn bao che, tiếp tay, tham nhũng. Đợt cao điểm kỳ vọng tạo chuyển biến trong bảo vệ sức khỏe và minh bạch thị trường.
Cảnh báo thuốc giả tràn lan: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cả gia đình?
Sau khi đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả bị triệt phá, các chuyên gia cảnh báo phụ huynh cần đặc biệt thận trọng khi mua thuốc điều trị, nhất là qua mạng hoặc các kênh không chính thống.