"Bóng ma" lạm phát đã đến rất gần nếu giá xăng vượt 30.000 đồng/lít.
Với 6 lần tăng giá từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng đã ở rất gần mức 30.000 đồng/lít. Theo đó, Tổng cục Thống kê tính toán, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Không phủ nhận những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, dự báo CPI bình quân năm 2022 so năm 2021 tăng khoảng 3,42%. Tuy nhiên, ngay trong tháng 2/2022, CPI so với tháng 12/2021 đã tăng khoảng 4,9%. "Một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như tổng cầu hồi phục từ sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế cũng làm tăng áp lực lên mặt bằng giá; chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ", Thứ trưởng Chi cho hay.
Trong phiên giao dịch sáng nay (10/3, giờ Việt Nam), dầu WTI tăng 2,22 USD/thùng tương ứng 2,04% lên mức 110,92 USD/thùng; dầu Brent giảm 16,84 USD/thùng tương ứng 13,16% xuống mức 111,14 USD/thùng. Trước diễn biến trên, giới chuyên môn nhận định, vào kỳ điều chỉnh giá ngày mai (11/3), giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.800 đến 4.800 đồng/lít, tùy loại. Tuy nhiên, do từ ngày 8/3, giá bán ra trong nước đang âm rất lớn nên các chuyên gia, doanh nghiệp chưa xác định được khả năng cơ quan quản lý sẽ tăng giá như thế nào?
Nếu theo kịch bản giá dầu thế giới lên mức 150 USD/thùng, trong khi đó, không hạ nhiệt được giá xăng dầu thị trường nội địa. Ngoài ra, nếu không tổ chức tốt hệ thống phân phối, không điều hành tốt nội bộ, giảm phí thuế, siết chặt chống buôn lậu, cắt giảm khâu trung gian, làm hạ tầng thương mại… thì lạm phát lên mức 4,5-5% là chắc chắn.
Nhằm "hạ nhiệt" thị trường, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng và 500 đồng với dầu thuế xăng dầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, giới chuyên môn cho rằng, động thái này là quá chậm trễ, ngoài ra, mức giảm như đề xuất vẫn còn quá ít. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, nếu cơ quan điều hành giá không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá, hoặc giảm thuế phí, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể vượt 30.000 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh ngày 11/3.
Ông Long đánh giá, nếu như để giá xăng leo cao như vậy, mức giảm thuế môi trường xăng dầu ở mức 1.000 đồng với mỗi lít xăng và 500 đồng với mỗi lít dầu theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ không có nhiều ý nghĩa.
"Nhà điều hành nên cân nhắc trình thêm phương án với mức giảm mạnh hơn để hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp vốn đã khó khăn do dịch bệnh kéo dài", ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng đề xuất giảm 500 - 1.000 đồng trên mỗi lít xăng dầu là tín hiệu tốt nhưng chưa mang lại hiệu quả nhiều trong giảm bớt căng thẳng về giá, giảm bớt áp lực lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Theo ông Lâm, giảm thuế môi trường sẽ khiến hụt thu ngân sách nhưng trong bối cảnh hiện nay cần tính toán kịch bản dài hơi hơn. Việc giảm thuế phí sẽ thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển. Khi doanh nghiệp hoạt động ổn định, kinh tế phục hồi, thu ngân sách sẽ tốt hơn.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại Dự thảo Nghị quyết do Bộ Tài chính xây dựng. Cụ thể, giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu.
Tổng Hợp