Các siêu ứng dụng của châu Á vẫn mắc kẹt trong lối mòn

Các siêu ứng dụng mới tại châu Á như Grab, Sea, Kakao, Paytm,... đều có những khó khăn riêng, và chưa thể đạt được thành công như những gì mà WeChat và Alipay đã làm được tại Trung Quốc.

Các ông trùm công nghệ Mỹ thỉnh thoảng phàn nàn về việc phương Tây thiếu "siêu ứng dụng", các nền tảng trực tuyến đa diện cung cấp nhiều loại dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, sự quan tâm toàn cầu đối với mô hình kinh doanh này đã che lấp đi những khó khăn mà các siêu ứng dụng hiện có ở châu Á đang phải đối mặt.

Giá trị vốn hóa thị trường của Sea và Grab của Singapore, Coupang và Kakao của Hàn Quốc, Rakuten của Nhật Bản và công ty mẹ Paytm của Ấn Độ đã giảm khoảng 60% kể từ cuối năm 2021. 

Không có công ty nào giống nhau, điểm chung của các công ty là kết hợp nhiều dịch vụ khác nhau trên một ứng dụng, từ kết hợp mua sắm trên các sàn thương mại điện tử, đến chia sẻ chuyến đi và thanh toán tài chính. Các công ty đã hy vọng có thể cạnh tranh với WeChat của Tencent và Alipay của Alibaba, những công ty đi tiên phong trong mô hình kinh doanh này.

Các siêu ứng dụng của châu Á vẫn mắc kẹt trong lối mòn - Ảnh 1.

Các siêu ứng dụng như Sea và Grab đều chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường giảm. Ảnh: economist

Các siêu ứng dụng mới phát triển gần đây nhất đã phải chịu áp lực rất lớn bởi môi trường thay đổi nhanh chóng. Nguồn vốn từng rẻ và dồi dào nay đã cạn kiệt, khiến các kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng trở nên khó tìm kiếm tài trợ hơn. 

Chuyên gia tài chính James Lloyd tại Citigroup đã nói rằng các siêu ứng dụng của Trung Quốc gây tiếng vang khi nó trở thành "cơ hội béo bở" với các nhà đầu tư và có thể tạo ra lợi nhuận. Tuy vậy, bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, rất ít siêu ứng dụng có thể cân bằng giữa quy mô và tiềm năng tạo ra lợi nhuận. Rất nhiều siêu ứng dụng đã "đốt tiền để mở rộng quy mô", song vẫn đang báo lỗ.

Kakao Hàn Quốc hiện là công ty mang lại lợi nhuận đáng tin cậy nhất trong ma trận các siêu ứng dụng ở châu Á. Theo ước tính, mảng xe công nghệ của Kakao chiếm 90% thị phần ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của công ty đã giảm 8% trong năm nay. 

Công ty muốn tăng tỷ trọng doanh thu từ thị trường quốc tế trong tổng doanh thu từ 10% thời điểm hiện tại lên 30% vào năm 2025, nhưng Kakao sẽ phải đánh đổi nhiều thứ nếu muốn mở rộng ra toàn cầu.

Một số công ty khác đang hướng đến mục tiêu có lãi khi việc gọi vốn ngày càng trở nên khó khăn. Tất nhiên, họ sẽ phải gác lại những kế hoạch mở rộng nhanh chóng của mình để phục vụ cho mục tiêu trên.

Các siêu ứng dụng của châu Á vẫn mắc kẹt trong lối mòn - Ảnh 2.

Alipay là ứng dụng thanh toán phi ngân hàng của Trung Quốc. Ảnh: panamalogistics

Tuy vậy, một công ty công nghệ tiêu dùng châu Á đã đi ngược xu hướng của năm nay. Giá cổ phiếu của Paytm, một siêu ứng dụng tương lai của Ấn Độ dựa trên thanh toán kỹ thuật số, đã tăng khoảng 60%, tuy công ty chưa có lãi. 

Giá cổ phiếu tăng có thể phản ánh điều mà các công ty khác ở châu Á thiếu về một thị trường nội địa duy nhất, rộng lớn và đang phát triển để hoạt động. Liệu tiềm năng về quy mô đó có đủ chứng minh cho một tương lai bền vững hơn hay không vẫn đang là câu hỏi bỏ ngõ.

Các siêu ứng dụng của châu Á vẫn mắc kẹt trong lối mòn - Ảnh 3.

Giá cổ phiếu Paytm tăng cao từ đầu năm. Ảnh: The Economist

Ý tưởng về một công ty có thể sử dụng một nền tảng duy nhất để cung cấp nhiều loại dịch vụ cho người tiêu dùng có sức hấp dẫn lớn. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ thảo luận về sự thống trị của các siêu ứng dụng, nhiều công ty châu Á vẫn đang vật lộn để tìm sự cân bằng giữa quy mô và lợi nhuận.

Với việc chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy giá trị các khoản đầu tư sẽ sớm tăng lên, rất khó để đoán trước tương lai của các siêu ứng dụng tại châu Á, những "con cưng" một thời của các nhà đầu tư.

(Nguồn: Economist)

THANH TRÚC