Cách ly toàn xã hội trong nửa tháng để phòng chống COVID-19
Có hiệu lực từ 1/4, chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nêu yêu cầu cách ly toàn xã hội; thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.
Mọi người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Nhiều tuyến phố ở thủ đô Hà Nội nhiều ngày qua đã vắng người đi lại. Ảnh: Vnexpress. |
Tung tin đồn thất thiệt bị phạt đến 20 triệu đồng
Theo nghị định 15 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4.
Theo Nghị định này, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác sẽ bị phạt tiền 10 đến 20 triệu đồng.
Đồng thời, mức phạt này cũng được áp dụng đối với các hành vi như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Taxi công nghệ được lựa chọn gắn mào hoặc phù hiệu
Nghị định 10/2020 quy định điều kiện kinh doanh vận tải có hiệu lực từ ngày 1/4 đưa ra nhiều điểm mới trong quản lý xe taxi.
Theo đó, ngoài taxi truyền thống còn có taxi công nghệ, sử dụng phần mềm đặt xe, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử.
Nghị định nêu rõ, chủ taxi có quyền lựa chọn gắn mào với chữ "taxi" trên nóc, hoặc dán phù hiệu "xe taxi" bằng vật liệu phản quang lên kính phía trước và kính phía sau xe. Các xe đã gắn mào không phải dán phù hiệu. Như vậy, Nghị định này không yêu cầu taxi, trong đó có cả taxi công nghệ gắn hộp đèn trên nóc xe như quy định tại Nghị định 86 trước đây.
Taxi công nghệ phải gắn phù hiệu trên xe. |
Ngoài ra, chủ xe đang ứng dụng hình thức gọi xe như Grab Car, Goviet... có thể lựa chọn mô hình xe hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ tùy theo nhu cầu, song phải đáp ứng quy định của mỗi loại hình vận tải.
Chủ nhà không đóng bảo hiểm cho người giúp việc bị phạt đến 15 triệu đồng
Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội... lần đầu tiên quy định bắt buộc chủ nhà phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế cho người giúp việc.
Ngoài ra, gia chủ cũng phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc. Trong trường hợp không thực hiện những quy định trên, chủ nhà có thể bị phạt đến 15 triệu đồng.
Nghị định này cũng tăng mức xử phạt hành chính từ 5-7 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc; không trả tiền tàu xe, đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú.
Doanh nghiệp chậm thanh toán lương sẽ bị phạt 100 triệu đồng
Từ 15/4, nghị định 28 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực.
Điểm mới đáng chú ý là quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu vi phạm từ 1 đến 10 người lao động; phạt 10-20 triệu nếu vi phạm từ 11 đến 50 người; phạt 20-30 triệu nếu vi phạm từ 51 đến 100 người; phạt 30-40 triệu nếu vi phạm từ 101 đến 300 người.
Doanh nghiệp vi phạm việc trả lương cho từ 301 lao động trở lên sẽ bị phạt 40-50 triệu.
Các mức phạt này được áp dụng với trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân. Trong trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì phạt gấp 2 lần các mức trên. Như vậy, doanh nghiệp có thể bị phạt tối đa 100 triệu nếu chậm trả lương cho người lao động.
Phạt 10 triệu đồng nếu gửi tin nhắn quảng cáo rác
Cũng có hiệu lực từ 15/4, nghị định 15/2020 quy định xử phạt liên quan đến vi phạm về thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ.
Theo đó, các hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận; gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định... bị phạt từ 5-10 triệu đồng đối.
Nghị định cũng nêu mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo theo quy định; không lưu lại thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận yêu cầu từ chối thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.
Bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt hành chính lĩnh vực xây dựng
Theo Nghị định 21 có hiệu lực từ ngày 1/4, Chính phủ bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, bỏ quy định xử phạt với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện tham gia hoạt động lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng (trước đây bị phạt 30-40 triệu đồng); Bỏ quy định xử phạt nhà thầu nước ngoài không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử theo quy định khi tham gia các hoạt động xây dựng (trước đây bị phạt 30 đến 40 triệu đồng)...