Căng thẳng Nga- Ukraina: Quá trình 'Nga hóa' ở Donetsk và Luhansk diễn ra như thế nào?

Trước Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập, hai vùng Donetsk và Luhansk đã có một quá trình Nga “hóa” trong nhiều năm.

Hai nước 'Cộng hòa Nhân dân' tự xưng Donetsk và Luhansk được thành lập vào mùa xuân năm 2014, sau các cuộc biểu tình của phe đối lập thân phương Tây của Ukraina và sự thay đổi lãnh đạo ở Kiev.

Donetsk và Luhansk chiếm khoảng một phần ba diện tích vùng Donbas và khu vực này có khoảng 6-7 triệu người sinh sống.

Mặc dù cả hai vùng lãnh thổ này được định hình bởi ngành công nghiệp than và thép, tuy nhiên nó vẫn có một số khác biệt nhất định. Trong khi Luhansk thường được coi là khu vực nghèo nhất của Ukraina thì Donetsk lại tương đối giàu có. Năm 2012, Luhansk là một trong những nơi đăng cai tổ chức giải vô địch bóng đá Euro.

60874086_303.jpg
Donetsk và Luhansk là 2 vùng có ngành công nghiệp khai thác than và luyện kim khá phát triển của Ukraina.

Tuy nhiên, kể từ khi xung đột nổ ra, hàng triệu người đã rời khỏi các khu vực ly khai và phần lớn chuyển đến các khu vực nằm sâu trong lãnh thổ Ukraina trong khi hàng trăm nghìn người đến Nga.

Điều gì đã dẫn đến sự chia rẽ?

Hầu như không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những nỗ lực ly khai sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 cho đến năm 2004, khi mà cuộc Cách mạng Cam xảy ra dẫn đến việc Tổng thống Viktor Yanukovych, một chính trị gia thân Nga và là cựu thống đốc vùng Donetsk, bị lật đổ do bị cáo buộc gian lận bầu cử.

Đảng Các khu vực của ông Viktor Yanukovych vốn kiểm soát miền đông Ukraina, vào thời điểm đó đã đe dọa ly khai nhưng không thể thực hiện được.

Năm 2010, ông Yanukovych quay trở lại chính trường và được bầu làm tổng thống và điều này đã làm đảo lộn các mối quan hệ chính trị giữa Ukraina và Nga; giữa Ukraina và EU. Với đường lối thân Moscow, sự cầm quyền của ông Yanukovych đã tạo ra các cuộc biểu tình vào mùa Đông năm 2013/2014 và cuối cùng vị tổng thống này phải sang Nga tị nạn.

Cũng trong thời điểm này, Điện Kremlin đã lợi dụng khoảng trống quyền lực ở Kiev để sáp nhập bán đảo Crimea. Ở miền Đông Ukraina, tình cảm thân Nga không mạnh mẽ như ở Crimea. Tuy nhiên, sự hoài nghi về các nhà lãnh đạo mới ở Kiev lại mạnh nhất ở Donetsk và Luhansk.

Một số người ở vùng Donbas cũng coi chuyến bay của ông  Yanukovych đến Moscow là một thất bại.

Tuy nhiên, tại vùng Donbas, phe thân Nga và thân Ukraina dường như gần như ngang nhau. Theo một cuộc khảo sát mới đây, khoảng 20% ​​cư dân của Donetsk cho biết họ đã sẵn sàng chào đón quân đội Nga với tư cách là những người "giải phóng" trong khi một con số tương tự muốn chiến đấu cho Kiev.

Vào mùa xuân năm 2014, chính quyền tại một số trung tâm đô thị, đồn cảnh sát ở Donetsk và Luhansk đã bị quân nổi dậy thân Nga chiếm đóng và các mật vụ Nga được cho là những người đứng phía sau các cuộc nổi dậy này.

60868039_401.jpg
Người dân Donetsk ăn mừng sau khi được Nga công nhận độc lập.

Sau đó, những người ly khai được Moscow hậu thuẫn đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý nhằm tìm cách hợp pháp hóa "quyền tự trị" của mình.

Kiev đã cố gắng kiềm chế cuộc nổi dậy và trên thực tế quân đội Ukraina đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các khu vực ở vùng Donbas vào mùa hè năm 2014.

Nhưng vào tháng 8/2014, quân đội Ukraina đã phải chịu thất bại sau khi bị bao vây trong trận chiến Ilovaisk, phía Đông Nam thành phố Donetsk.

Moscow vẫn phủ nhận rằng các lực lượng chính quy của Nga đã tham chiến.

Vào tháng 2 năm 2015, thỏa thuận Minks được ký, quân đội Ukraina và lực lượng ly khai tạm ngừng bắn.

Chiến sự leo thang

Ngay sai khi tuyên bố ly khai, Donetsk và Luhansk đã đẩy nhanh tiến trình Nga “hóa”. Hai khu vực này bắt đầu tiến trình này bằng việc giới thiệu sách giáo khoa tiếng Nga trong trường học và bắt đầu dùng đồng rúp Nga.

Các cố vấn Nga bị cáo buộc đã giúp xây dựng lực lượng quân sự của phe ly khai, điều mà Moscow phủ nhận. Ngành công nghiệp trong khu vực đã bị ảnh hưởng đáng kể do sự chia rẽ với Kiev. Một số công ty đã được chuyển đến Nga và Ukraine đã cắt đứt mọi quan hệ kinh tế với các khu vực ly khai.

60789828_7.png
Bản đồ Donetsk và Luhansk.

Năm 2019, Nga bắt đầu phát hộ chiếu Nga cho người dân trong khu vực. Theo các báo cáo mới nhất, khoảng 800.000 người miền đông Ukraina được cho là có quốc tịch Nga - ước tính từ 15 đến 25% dân số, mặc dù khó có được số liệu chính xác. Đây là lập luận chủ yếu đứng đằng sau việc Điện Kremlin công nhận nền độc lập của các khu vực ly khai.

2022-02-17t232053z_814151481_rc2.jpg
Chiến sự leo thang tại Donetsk và Luhansk trong những tháng gần đây.

Ukraina đã phải vật lộn để xác định tình trạng pháp lý của các khu vực này. Ban đầu, Kiev mô tả các nhà nước tự xưng này là "các tổ chức khủng bố". Sau đó, quốc hội Ukraina tuyên bố rằng Donetsk and Luhansk là những vùng bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Nga không được coi là quốc gia chiếm đóng 2 vùng đất này cho đến năm 2018. Theo luật quốc tế, cả hai vùng này vẫn là một phần của Ukraina.

Vấn đề ngôn ngữ

Trong nhiều thập kỷ, Moscow và Kiev đã tranh cãi với nhau về ngôn ngữ tại 2 khu vực này. Nga từ lâu đã chỉ trích chính phủ Ukraina và nói rằng họ phân biệt đối xử với những người nói tiếng Nga.

Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng tiếng Ukraina, là ngôn ngữ chính thức duy nhất của đất nước, đã tăng lên trên các phương tiện truyền thông và các văn bản hành chính trong khi tiếng Nga chủ yếu được nói ở các thành phố phía Đông và Nam Ukraina.

Hai phần ba cư dân của các khu vực ly khai nói rằng tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của họ, theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Đông Âu (ZOiS) của Berlin thực hiện vào năm 2019. Khoảng 1/3 người cho biết họ nói cả hai thứ tiếng; chỉ có 3,5% cho biết tiếng Ukraina là tiếng mẹ đẻ của họ.

Theo nghiên cứu của ZOiS, khoảng một phần ba cư dân của Luhansk và Donetsk muốn giành quyền tự trị ở Ukraina hoặc Nga. Gần 20% muốn trở lại tình trạng ban đầu, trong khi một số người khác ủng hộ việc trở thành một phần của Nga mà không có quy chế tự trị. Tuy nhiên, không thể kiểm tra độ chính xác của những số liệu này.

NGUYỄN MINH