Với e ngại hàng triệu người sẽ phải bỏ mạng vì dịch Covid-19, Ấn Độ đã ban bố lệnh phong tỏa, buộc 1,3 tỷ dân phải ở trong nhà.
Hôm thứ Tư vừa qua, Ấn Độ đã phải trải qua lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới khi 1,3 tỉ dân nước này buộc phải ở nhà trong nỗ lực ngăn chặn các ca nhiễm virus corona trở nên quá tải đối với hệ thống y tế còn nhiều hạn chế ở nước này.
Cảnh sát đã phải dùng tới gậy mây để buộc người dân phải tuân thủ quy định tại các con đường thường rất nhộn nhịp ở thủ đô New Delhi nhằm cố gắng làm chậm sự lan truyền của dịch bệnh.
So với các quốc gia châu Âu, con số nhiễm bệnh tại Ấn Độ tương đối ít với khoảng 500 người. Thế nhưng, với điều kiện sống chen chúc, nạn nghèo đói, tình trạng vệ sinh tồi tàn và một hệ thống y tế ọp ẹp, tình trạng dịch bệnh có thể trở nên khó kiểm soát đang trở thành nỗi sợ của nhiều chuyên gia.
Theo cảnh báo từ chuyên gia, 500 triệu người dân Ấn Độ có thể tiếp xúc với virus corona trong năm tới, đồng nghĩa với việc có thể có hơn 1 triệu người chết trong vòng 12 tháng tới.
“Chúng tôi cho rằng sẽ có khoảng 55% người dân Ấn Độ sẽ nhiễm Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh hiện tại bị coi thường, số người chết tại Ấn Độ có thể lên tới 1 đến 2 triệu người”, bác sĩ SP Kalantri tại một bệnh viện lớn ở Ấn Độ cho biết.
Trong thông cáo phong tỏa hôm thứ Ba, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố chỉ có những dịch vụ thiết yếu như nước, điện, y tế, cứu hỏa, tạp hóa và đô thị được phép hoạt động. Tất cả các cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà máy, văn phòng, khu chợ đông người và các địa điểm tôn giáo sẽ phải đóng cửa, trong khi các dịch vụ bus và metro công cộng thì tạm dừng. Các hoạt động xây dựng cũng phải tạm ngừng.
Thủ tướng Modi cho biết: “Theo chuyên gia y tế, 21 ngày tối thiểu là thời gian hết sức quan trọng để có thể phá vỡ vòng tuần hoàn của sự lây nhiễm. Nếu không thể quản lý được đại dịch trong 21 ngày tới, quốc gia và gia đình các bạn sẽ bị thụt lùi 21 năm. Nếu không quản lý được đại dịch trong 21 ngày tới, nhiều gia đình sẽ bị phá hủy mãi mãi”.
Trong lúc cảnh sát buộc phải áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để phong tỏa tại các đô thị, thì lại dấy lên nỗi lo sợ dịch bệnh có thể lan tới các khu vực nông thôn khi dân lao động nhập cư chen chúc nhau lên các xe khách để về nhà với gia đình.
Trong khi đó, dịch vụ xe lửa, được xem như huyết mạch của Ấn Độ khi vận chuyển 23 triệu người dân tới khắp vùng của Ấn Độ mỗi ngày, cũng buộc phải tạm dừng như một giải pháp khẩn cấp để hạn chế sự lan truyền của dịch bệnh.
Hệ thống đường sắt lớn thứ 4 thế giới này thường vận hành 12.100 chuyến tàu chở khách lẫn hàng hóa trên quãng đường 67.415 km và cũng là nơi làm việc của 1,2 triệu người. Với huyết mạch bị cắt, hàng trăm người bơ vơ ở các trạm, hy vọng có thể tiếp tục hành trình bằng các dịch vụ dường như khó có thể đến như taxi hay bus.
Theo cơ quan y tế nước này, Ấn Độ hiện có 512 ca nhiễm Covid-19, trong đó có ít nhất 9 ca tử vong. Giờ đây, các biện pháp phong tỏa cơ bản đã được thực hiện như đóng cửa biên giới, hạn chế hoạt động của người dân.
Cảnh sát Ấn Độ phạt người vi phạm lệnh phong toả như thế nào?
Ấn Độ là quốc gia đông dân đứng thứ hai thế giới nên lệnh phong tỏa đặt ra rất nhiều thách thức