Cập nhật COVID 19 ngày 29/4: Hơn 1.500 người chết ở Đông Nam Á

Cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh COVID 19 ngày 29/4 trên thế giới và Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi đẩy lùi virus corona.
20h28

Hơn 1.500 người chết vì COVID-19 ở Đông Nam Á

Đông Nam Á ghi nhận thêm 40 người chết vì nCoV, nâng số ca tử vong toàn khu vực lên 1.517, Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất.

Số ca nhiễm COVID-19 tại Đông Nam Á tăng thêm 1.370, nâng tổng số ca lên 43.239.

Quốc gia Ca nhiễm mới Tổng ca nhiễm Ca tử vong mới Tổng ca tử vong
Singapore 690 15.641 0 14
Indonesia 260 9.771 11 784
Philippines 254 8.212 28 558
Malaysia 94 5.945 0 100
Thái Lan 9 2.947 0 54
Việt Nam 0 270 0 0
Brunei 0 138 0 1
Myanmar 0 150 1 6
Campuchia 0 122 0 0
Đông Timor 0 24 0 0
Lào 0 19 0 0
Tổng 1.370 43.239 40 1.517
18h35

13 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng, thêm 2 ca dương tính trở lại

Theo Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, đến chiều ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận 13 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong ngày có thêm 2 ca dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh. Tính đến 6h ngày 29/4, Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Nguồn: Bộ Y tế.
Nguồn: Bộ Y tế.



16h43

Thị trưởng Tanjungpinang tử vong do COVID-19

Thị trưởng thành phố Tanjungpinang thuộc tỉnh Quần đảo Riau, Indonesia, ông Syahrul đã qua đời hôm 28/4 sau nhiều tuần điều trị tích cực tại bệnh viện do nhiễm COVID-19.

Người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của tỉnh Quần đảo Riau, ông Tjetjep Yudiana xác nhận rằng ông Syahrul, 59 tuổi, đã qua đời lúc 16h45 (giờ địa phương) ngày 28/4. 

Theo ông Yudiana, Thị trưởng Syahrul được nhập viện lần đầu hôm 11/4 với triệu chứng khó thở. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy ông này dương tính với SARS-CoV-2. Vợ, cháu và bác sĩ riêng của ông Syahrul cũng xét nghiệm dương tính với virus này và đang được điều trị tích cực.  

Ông Syahrul là lãnh đạo địa phương thứ hai ở Indonesia tử vong do nhiễm SARS-CoV-2. Hôm 2/4, ông Aptripel Tumimomor, huyện trưởng huyện Bắc Morowali thuộc tỉnh Trung Sulawesi cũng qua đời sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện.

15h21

Singapore ghi nhận thêm 690 ca nhiễm mới

Theo Reuters, Bộ Y tế Singapore công bố, nước này ngày 29/4 đã ghi nhận thêm 690 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca ở đây lên thành 15.641 người. Phần lớn các ca nhiễm mới là các công nhân di cư sống trong các nhà tập thể ở đảo quốc này.

Hiện, Singapore là một trong những nước có nhiều người nhiễm COVID-19 nhất ở châu Á.

14h17

Hơn 6.000 ca tử vong do COVID-19 tại Đức

Ngày 29/4, Đức ghi nhận có thêm 1.304 trường hợp mắc mới COVID-19 và tăng số ca tử vong tăng 202 so với ngày hôm trước, dữ liệu từ Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm cho thấy.

Theo thống kê, quốc gia đông dân nhất châu Âu này hiện có tổng cộng 157.641 trường hợp được xác nhận dương tính và 6.115 trường hợp đã tử vong.

Tỷ lệ mắc COVID-19 của Đức được báo cáo đã tăng lên, khiến người đứng đầu viện bệnh truyền nhiễm của nước này kêu gọi mọi người ở nhà càng nhiều càng tốt trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa.

11h19

Số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ vượt mức 31.000 người   

Số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ tính đến ngày 29/4 đã vượt mức 31.000 người khi Bộ Y tế nước này công bố số liệu cho thấy tổng số ca nhiễm virus tại quốc gia này đã tăng lên thành 31.332 người.

Theo bộ trên, Ấn Độ cũng đã ghi nhận tổng cộng 1.007 ca tử vong do mắc COVID-19 trên cả nước. Đến nay, Ấn Độ có tổng cộng 7.747 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện.

07h06

Mỹ vượt mốc 1 triệu ca nhiễm

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 29/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 3.133.100, trong đó có 217.389 người tử vong.

Đại dịch đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các nước cũng ghi nhận 950.863 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 56.542 người trong tình trạng nguy kịch và 1.960.098 đang phải điều trị tích cực.

Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong và mắc bệnh nhất thế giới. Cụ thể, Mỹ trong 24 giờ qua đã ghi nhận 22.660 ca mắc bệnh và 2.108 người tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này lên lần lượt 1.033.016 và 58.905 trường hợp.

Như vậy, tới nay, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới có số người mắc COVID-19 vượt quá 1 triệu ca, bỏ xa quốc gia đứng thứ hai là Tây Ban Nha (232.128 ca bệnh).

New York vẫn là tâm dịch. Tuy nhiên, ngày 28/4 số người nhập viện trong một ngày tại bang New York đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng qua, cho thấy cuộc khủng hoảng COVID-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm tại tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nước Mỹ.

Số người nhập viện vì mắc COVID-19 trong 3 ngày liên tiếp vừa qua tại New York đã xuống thấp dưới 1.000 người, mức thấp nhất kể từ ngày 24/3.

Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo ngày 28/4 cho biết sẽ cho phép mở lại hoạt động ở những khu vực mà tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn so với thành phố New York. Ông cũng cho rằng những vùng muốn được mở cửa hoạt động trở lại phụ thuộc vào một số chỉ số như: số giường bệnh sử dụng cho dịch bệnh chiếm dưới 70% và tỷ lệ lây nhiễm dưới mức 1,1 - tức là trung bình cứ 1 người nhiễm thì lây cho 1,1 người khác.

  Một người lướt sóng lớn tuổi đeo khẩu trang đi ngang qua những người lướt sóng trẻ hơn không đeo khẩu trang ở bãi biển Encinitas, California. Ảnh: Reuters.

Một người lướt sóng lớn tuổi đeo khẩu trang đi ngang qua những người lướt sóng trẻ hơn không đeo khẩu trang ở bãi biển Encinitas, California. Ảnh: Reuters.

Theo dự báo của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Y Washington - thường được các quan chức Nhà Trắng và các cơ quan chăm sóc sức khỏe cộng đồng viện dẫn, số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể lên tới hơn 74.000 người vào tháng 8 tới. 

Người đứng đầu IHME Christopher Murray cảnh báo số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Mỹ sẽ tăng nếu các bang mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm. Hiện một số bang của Mỹ đã nới lỏng các hạn chế kinh doanh.

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết cơ quan này đã mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ USD, cho phép các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giải thiểu các thiệt hại kinh tế.

00h05

Italy vượt ngưỡng 200.000 ca nhiễm

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 28/4 thông báo, Italy ghi nhận thêm 2.100 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 201.505 trường hợp. Cùng ngày, số ca tử vong tăng lên 27.359 trường hợp (tăng 382 ca) và số ca hồi phục là 68.941 người (tăng 2.317 người).

Cơ quan Bảo vệ dân sự cũng cho biết Italy hiện có 19.723 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 1.863 ca, giảm 93 trường hợp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, phát biểu với báo giới trong chuyến thăm vùng Lombardy, tâm dịch phía Bắc, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm trở lại hay bùng phát các ổ dịch là rất rõ ràng, do đó, Italy sẽ áp dụng các biện pháp nới lỏng nhưng thận trọng.

Theo kế hoạch, nước này sẽ triển khai khai giai đoạn 2 từ ngày 4/5, Thủ tướng Conte cho rằng hơn 4,5 triệu người dân sẽ quay trở lại làm việc và sẽ tạo ra nhiều nguy cơ lây nhiễm, đó là lý do các trường học vẫn phải đóng cửa.

00h03

Hong Kong kéo dài quy định hạn chế nhập cảnh đối với du khách 

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, chiều 28/4, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã tổ chức họp báo công bố việc điều chỉnh biện pháp phòng dịch mới.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế và vệ sinh thực phẩm Hong Kong, bà Trần Khởi Thủy (Sophia Chan Siu-chee) cho biết kể từ ngày 11/4, số ca nhiễm tại Hong Kong luôn được hạn chế ở mức một con số, trong đó có 3 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới và 2 tuần liên tiếp không có ca nhiễm mới do lây nhiễm trong cộng đồng với tổng số ca vẫn ở mức 1.037 ca.

Cập nhật COVID 19 ngày 29/4: Hơn 1.500 người chết ở Đông Nam Á

Trước tình hình phòng chống dịch COVID-19 hiện nay, chính quyền Hong Kong quyết định sẽ tạm thời kéo dài quy định hạn chế nhập cảnh đối với tất cả hành khách thêm một tháng từ ngày 7/5 đến ngày 7/6.

Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong đã sửa đổi các quy định kiểm dịch để miễn cho những hành khách trên khỏi các biện pháp cách ly bắt buộc, trong đó có những học sinh đến Hong Kong để học tại các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học, học sinh Trung Quốc Đại lục qua biên giới đi học hàng ngày, các nhà cung cấp dịch vụ liên quan và những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất góp phần phát triển kinh tế của Hong Kong.   

Trước đó, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cũng tuyên bố kể từ ngày 4/5, tất cả công chức sẽ đi làm trở lại và các dịch vụ công cộng của chính quyền sẽ quay trở lại hoạt động bình thường. Các địa điểm thể thao ngoài trời, thư viện, bảo tàng... bắt đầu mở cửa bình thường, nhưng không được vi phạm quy định về giãn cách xã hội.    

Trong khi đó, Cục giáo dục Hong Kong cho biết tuần tới sẽ công bố thời gian cụ thể học sinh đi học trở lại, dự kiến sẽ chia theo giai đoạn. Giai đoạn đầu là các học sinh lớp 11, 12, thời gian dự kiến sớm nhất có thể là ngày 26-27/5 và chỉ học nửa ngày.

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương