Cập nhật dịch COVID-19 ngày 21/3: Đức có thêm 2.705 ca nhiễm mới trong 1 ngày

Cập nhật dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới ngày 21/3/2020. Các nước trên thế giới đang rất căng thẳng khi dịch ngày càng lan rộng.

* Đức có thêm 2.705 ca nhiễm COVID-19 trong 1 ngày

Viện Robert Koch chuyên về các bệnh truyền nhiễm ngày 21/3 cho biết, số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Đức đã tăng 2.705 người trong vòng 1 ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên tới 16.662.

Theo viện trên, tổng cộng có 47 ca tử vong do COVID-19, tăng 16 ca so với con số ngày 20/3. Trong thông điệp gần đây gửi Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, các cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng làm dấy lên thách thức chung đối với nhân loại, sự đoàn kết và hợp tác là vũ khí mạnh nhất để chống lại chúng.

* Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 92

Chiều 21/3, Bộ Y tế thông báo về ca nhiễm COVID-19 thứ 92. Theo đó, bệnh nhân thứ 92 là du học sinh tại Pháp.

Ngày 16/3, bệnh nhân đi từ Paris (Pháp) đến Doha (Qatar) trên chuyến bay của Hãng hàng không Qatar Airways số hiệu QR40 - hàng ghế 29 và tiếp đó trên chuyến bay cũng của Hãng hàng Qatar Airways số hiệu QR970- số ghế 18D tới sân bay Tân Sơn Nhất ngày 17/3. Khi nhập cảnh, bệnh nhân chưa có triệu chứng bệnh, chuyển cách ly tập trung tại quận 12, TP.HCM.

Ngày 17/3, bệnh nhân có sốt, đau họng, ho khan và được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi ngày 18/3. Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Ca nhiễm COVID-19 thứ 92 là du học sinh từ Pháp về.
Ca nhiễm COVID-19 thứ 92 là du học sinh từ Pháp về.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm dương tính vào khuya ngày 19/3, lấy mẫu bệnh phẩm chuyển Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 21/3.

Trước đó, ngày 20/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đã ban hành Công văn số 1440/CV-BCĐ về việc tổ chức cách ly người nhập cảnh phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 1338/CV-BCĐ ngày 17/3/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.

Tổ chức cách ly tập trung với tất cả người nhập cảnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ vào Việt Nam từ 0 giờ 00 ngày 21/3/2020.

Trường hợp người nhập cảnh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở được đưa ngay về cơ sở y tế để cách ly, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Trường hợp người nhập cảnh mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, nếu có sức khỏe bình thường, không có các dấu hiệu bệnh và được cơ quan đại diện cam kết đảm bảo tuyệt đối về các điều kiện cách ly thì có thể được cách ly tại cơ quan đại diện hoặc nơi cư trú cho đến khi đủ 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.

Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các Bộ liên quan (khi cần thiết).

* Đại sứ quán Việt Nam tại Lào khuyến cáo công dân không nên vội vã về nước

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào vừa ra thông báo khuyến nghị cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Lào không nên hoang mang, vội vã về nước, do chính phủ nước này vẫn đang khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tương đối tốt và Lào đến nay vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nhiễm bệnh.

Khuyến cáo cho biết mặc dù tình hình dịch COVID – 19 trong khu vực và trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên, đến ngày 20/3, Chính phủ Lào khẳng định vẫn chưa phát hiện ca bệnh nào.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa nguy cơ virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID – 19 thâm nhập vào Lào, chính phủ nước này đã nâng mức độ phòng ngừa trong nước lên cấp cao nhất, trong đó có các biện pháp như tạm đóng cửa toàn bộ trường học ở mọi cấp học, hủy bỏ mọi sự kiện tập trung đông người, tạm đóng cửa hầu hết các cửa khẩu dọc biên giới với Việt Nam và Thái Lan, hủy phần lớn các chuyến bay đi quốc tế…

Có thể thấy Chính phủ Lào đang kiểm soát và phòng ngừa khá tốt tình hình dịch COVID – 19. Do vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào khuyến nghị cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Lào nên giữa bình tĩnh, không hoang mang, hoảng loạn, không hành động theo tâm lý đám đông, không nên ồ ạt trở về nước để tránh dịch trong thời điểm hiện tại.

Đồng thời theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch; không tuyên truyền, tung tin sai lệch về dịch COVID – 19 gây hoang mang trong cộng đồng. Khuyến cáo cũng đề nghị bà con kịp thời thông tin, trao đổi với Đại sứ quán và các Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào để cập nhật thông tin về dịch bệnh và được hướng dẫn và hỗ trợ khi cần thiết. 

Trong trường hợp cần liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, để nhận được sự trợ giúp, công dân Việt Nam có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán là +85620 96106775 hoặc +85620 92546868.

Nếu cần liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang (Luông Pra-băng), đề nghị bà con liên hệ +85620 91112345. Trong trường hợp cần liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse (Pạc-xê), bà con hãy liên hệ với số điện thoại +8562098362929. Trong trường hợp cần liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet (Xạ-vẳn-nạ-khệt), đề nghị bà con liên hệ theo số +85620 98208666.

Thông báo của Đại sứ quán Việt Nam cũng cho biết kể từ 0h ngày 21/3/2020, Việt Nam sẽ tổ chức cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh từ các quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Trường hợp người nhập cảnh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở sẽ được đưa ngay về cơ sở y tế để cách ly, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

* Singapore ghi nhận ca tử vong đầu tiên

Bệnh nhân thứ nhất là cụ bà 75 tuổi, người Singapore. Ngày 23/2, bà này được đưa vào Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NCID) vì bệnh viêm phổi và đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà đã được điều trị tại Khoa Điều trị tích cực (ICU) kể từ khi được đưa vào NCID.

Sau đó, bệnh nhân này đã có những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sau 26 ngày điều trị tại ICU. Bà có tiền sử bệnh tim và huyết áp cao.  

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh nhân thứ hai là nam giới 64 tuổi người Indonesia. Ông này được đưa vào điều trị tích cực tại ICU thuộc NCID ngày 13/3 sau khi từ Indonesia đến Singapore trong cùng ngày và được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 14/3. Bệnh nhân cũng đã có những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sau 9 ngày điều trị tại đây.

Trước khi đến Singapore, ông này đã nằm viện tại Indonesia để điều trị bệnh viêm phổi và có tiền sử bệnh tim.  Bộ Y tế Singapore và NCID đã liên hệ với gia đình các bệnh nhân này và có những sự giúp đỡ cần thiết. Bộ trưởng Gan Kim Yong cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch mà chính phủ đã đưa ra.

* Brazil tuyên bố tình trạng lây lan cộng đồng trên phạm vi toàn quốc

Ngày 20/3, Bộ Y tế Brazil đã tuyên bố tình trạng lây lan cộng đồng ở phạm vi toàn quốc của COVID-19 sau khi ghi nhận thêm 283 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 4 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này lên 904 người. 

Tuyên bố chính thức cho biết, mặc dù mới chỉ có 5 trong tổng số 27 bang xuất hiện các trường hợp lây lan cộng đồng, song Bộ Y tế quyết định tuyên bố tình trạng lây lan cộng đồng trên phạm vi cả nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đối phó với dịch COVID-19, cho phép cơ quan chức năng trên cả nước ra lệnh cách ly ít nhất 14 ngày đối với tất cả những người có triệu chứng mắc bệnh, cách ly đối với những người trên 60 tuổi, nhóm tuổi có nguy cơ nhất khi mắc bệnh. 

Một lý do khác khiến giới chức y tế phải đưa ra tuyên bố trên là vì trong số 283 trường hợp dương tính mới, nhiều ca không xác định được nguồn gốc lây bệnh. Tới nay đã có 25 trên 27 bang của Brazil ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là Sao Paulo với 396 ca, tiếp đến là Rio de Janeiro (109), Brasilia (87), Ceara (55), Rio Grande Do Sul (37) và Minas Gerais (35). 

Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta cảnh báo số ca nhiễm bệnh mới sẽ còn tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 và có thể giảm đi từ sau tháng 8 nếu không có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ông Mandetta cũng thừa nhận hệ thống y tế công của Brazil có thể “sụp đổ” vào cuối tháng 4 do bị quá tải và không đủ giường cho các bệnh nhân mới. Chính vì vậy, ông Mandetta kêu gọi người dân tuân thủ những khuyến cáo của cơ quan chức năng, không tập trung đông người, tự giác cách ly tại nhà.

* Mỹ: Bang New York chỉ thị tất cả người dân phải ở trong nhà

Ngày 20/3, Thống đốc bang New York của Mỹ, ông Andrew Cuomo tuyên bố, theo một sắc lệnh dự kiến được ban hành muộn hơn cùng ngày, tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu cần phải đóng cửa và tất cả lực lượng lao động không thiết yếu phải ở nhà.

Thống đốc Cuomo cho biết: "Đây là hành động quyết liệt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra. Hãy ở trong nhà".

Trong khi đó, số ca tử vong do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Anh đã tăng lên thành 177 ca, sau khi vùng England ghi nhận thêm 39 ca tử vong - mức tăng lớn nhất trong vòng một ngày. 

Theo giới chức địa phương sáng 20/3, con số trên được đưa ra sau khi một bệnh nhân 71 tuổi với bệnh lý nền đã tử vong do COVID-19 tại Wales. Bắc Ireland cũng đã ghi nhận thêm 9 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại Bắc Ireland lên thành 86 người. 

Tính tới tối 19/3 (theo giờ địa phương), Anh đã ghi nhận 3.269 ca nhiễm SARS-CoV-2, con số này sẽ sớm được cập nhật trong ngày 20/3. Ngoài ra, truyền thông Anh cũng đưa tin, bệnh viện Northwick Park tại thủ đô London tuyên bố thiếu giường cho bệnh nhân cần được điều trị đặc biệt do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.

* Hà Nội dỡ bỏ lệnh cách ly phố Trúc Bạch sau 14 ngày

Hơn 21h tối 20/3/2020, các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội tiến hành công tác giải toả toàn bộ khu vực cách ly tại phố Trúc Bạch (quận Ba Đình), sau 14 ngày không xuất hiện thêm trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh viện Hồng Ngọc hiện cũng an toàn sau khi toàn bộ 500 cán bộ nhân viên tại đây hoàn thành cách ly 14 ngày và đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 21/3: Đức có thêm 2.705 ca nhiễm mới trong 1 ngày

* Sẵn sàng các phương án phòng chống dịch

Ngày 20/3, các tỉnh Lai Châu, Bến Tre, Quảng Bình đã thành lập các chốt kiểm soát liên ngành; thực hiện việc đón tiếp, kiểm tra sức khỏe, cách ly tập trung đối với các công dân Việt Nam trở về nước.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lai Châu vừa ký quyết định thành lập 3 chốt kiểm soát liên ngành tạm thời để phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, chốt kiểm soát số 1 được thành lập tại ngã ba liên ngành, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường nhằm kiểm soát người, phương tiện giao thông lưu thông trên Quốc lộ 4D từ Lào Cai vào. Chốt kiểm soát số 2 được đặt tại điểm kiểm dịch ngã ba, xã Mường Kim, huyện Than Uyên có nhiệm vụ kiểm soát các người, phương tiện lưu thông từ hướng tỉnh Yên Bái theo Quốc lộ 32 vào.

Chốt kiểm soát số 3 được đặt tại điểm kiểm dịch ngã ba Lai Hà, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn có nhiệm vụ kiểm soát các người, phương tiện lưu thông từ hướng tỉnh Điện Biên theo Quốc lộ 12 vào địa bàn tỉnh. 

Các chốt được thành lập trên cơ sở huy động các lực lượng gồm y tế, Công an, Thanh tra giao thông... Thời gian hoạt động của chốt kiểm soát là 24/24 giờ, tất cả các ngày trong tuần, từ ngày 15/3/2020 cho đến khi có chỉ đạo dừng hoạt động của UBND tỉnh.

Hàng ngày, các chốt kiểm soát thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh; kiểm tra sự chấp hành phòng, chống dịch bệnh, xử lý y tế như: kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử trùng phương tiện khi cần thiết; theo dõi, giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh; các trường hợp có yếu tố dịch tễ về COVID-19 để triển khai thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định...

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết: Tất cả các phương tiện vào địa bàn đều được kiểm tra, kể cả ô tô cá nhân, xe máy. Các phương tiện chuyên chở hành khách đã được Sở yêu cầu kiểm soát chặt tại hai đầu bến.

Trước khi lên xe nhà xe phải yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt. Đặc biệt, các hành khách bắt buộc phải kê khai theo mẫu, gồm họ tên, năm sinh, số chứng minh thư, điện thoại, địa chỉ, điểm lên, điểm xuống và lịch sử hành trình, cũng như tiếp xúc với người có nguy cơ trong vòng 14 ngày qua.

Nếu phát hiện hành khách nào có biểu hiện nghi nhiễm, tiếp xúc với người nhiễm, người nghi nhiễm bệnh hoặc đến từ vùng dịch, nhà xe phải có trách nhiệm thông báo với cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp cách ly, phòng bệnh.

Bác sĩ Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở y tế tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đã tiếp nhận 205 công dân Việt Nam từ Thái Lan và thực hiện cách ly tập trung tại cơ sở cách ly y tế tập trung của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre (Trường quân sự tỉnh Bến Tre, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre).

Các công dân trên là đoàn người Việt Nam đầu tiên trở về từ Thái Lan được cách ly tại tỉnh Bến Tre. Tại nơi tiếp nhận, các xe chở khách được phun thuốc khử khuẩn; các trường hợp cách ly đều được cán bộ, nhân viên y tế thuộc cơ sở cách ly y tế tập trung của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre thăm khám sức khỏe, đo nhiệt độ, huyết áp theo quy định, đảm bảo các yêu cầu theo nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.

Theo Bác sĩ Ngô Văn Tán, đây là các trường hợp cách ly bình thường theo yêu cầu của Bộ Y tế. Do đó, mỗi người dân hãy tin tưởng vào các hoạt động của tỉnh trong công tác ứng phó với dịch COVID-19. Không phải người cách ly là trường hợp đã nhiễm bệnh, việc cách ly là nhằm kiểm soát, hạn chế lây lan trong trường hợp các công dân bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị công an, quân sự tỉnh Bến Tre đã tăng cường lực lượng triển khai tuần tra, canh gác 24/24 giờ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công dân về cách ly, cũng như an toàn cho đơn vị.

Để bảo đảm công tác tiếp đón được chu đáo, an toàn, trước đó, tỉnh Bến Tre đã chủ động chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, theo dõi trong vòng 14 ngày theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đồn, đơn vị có cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam trong thời gian 30 ngày để tập trung phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, từ ngày 18 - 20/3, tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã có 660 công dân là người Việt Nam (chủ yếu là những người làm việc, sinh sống từ Lào, Thái Lan) về nước, được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình phối hợp với cơ quan chức năng trong tỉnh đón tiếp, kiểm tra sức khỏe, đưa về các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh, tiến hành các biện pháp phòng dịch và theo dõi trong vòng 14 ngày đúng theo quy định.

Để triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh về Việt Nam, tại tỉnh Quảng Bình, việc tạm dừng cấp thị thực qua khu vực cửa khẩu có hiệu lực 30 ngày kể ngày 18/3 và không áp dụng với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ.

Các trường hợp người nước ngoài là chuyên gia, quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao khi nhập cảnh sẽ qua kiểm tra y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại doanh nghiệp, cơ sở lưu trú theo đúng quy định. 

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng trong tỉnh có cửa khẩu, cảng biển tiếp tục tăng cường nắm tình hình dịch bệnh, nhận định, đánh giá sát đúng tình hình, vụ việc xảy ra trên biên giới, cửa khẩu, cảng biển để kịp thời xử lý theo đúng thẩm quyền; phối hợp với các lực lượng chức năng sẵn sàng mọi phương án phòng chống đại dịch COVID-19.

Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ hàng nghìn khẩu trang y tế, máy đo thân nhiệt, nước khử trùng, quần áo bảo hộ và nhiều vật dụng khác cho Đồn Công an Cửa khẩu Na Phàu, Sở An ninh tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Chiều 20/3, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, trên địa bàn tỉnh có thêm 5 trường hợp đã được cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteaur Nha Trang để xét nghiệm vì có triệu chứng nghi ngờ liên quan đến COVID-19 hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Các trường hợp còn lại là hai du khách quốc tịch Anh, là hành khách đi cùng chuyến bay VN54 có người nhiễm virus SARS-CoV-2 từ sân bay London Heathrow - Hà Nội ngày 13/3. Ngày 17/3, hai du khách này đến Quảng Bình du lịch và lưu trú tại một khách sạn tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Hiện, sức khỏe của các du khách này đều bình thường, không ghi nhận các dấu hiệu sốt, ho, khó thở và đã được hướng dẫn, cách ly y tế tại nơi lưu trú theo quy định. Những người liên quan hoặc có tiếp xúc với hai du khách này cũng đã được hướng dẫn cách ly y tế và các biện pháp khử khuẩn, xử lý môi trường, phương tiện vận chuyển, biện pháp phòng dịch cũng đã được triển khai kịp thời.

P.V (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương