Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cùng với các dữ liệu khác cho thấy sự sụt giảm bất ngờ về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào tuần trước, càng làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm nay.
Tuy nhiên, tốc độ tăng chi tiêu tiêu dùng hiện nay khó có thể bền vững. Các hộ gia đình đang rút bớt số tiền tiết kiệm dư thừa tích lũy được trong đại dịch COVID-19. Các khoản nợ sinh viên sẽ tiếp tục vào tháng 10 đối với hàng triệu người Mỹ và chi phí vay cao hơn có thể khiến người tiêu dùng khó tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng.
Jennifer Lee, nhà kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets ở Toronto, cho biết người Mỹ tiếp tục chi tiêu, quan điểm 'hạ cánh mềm' vẫn được giữ nguyên, nhưng có một số dấu hiệu cảnh báo đến từ người tiêu dùng khi tỷ lệ tiết kiệm tiếp tục giảm.
Chi tiêu tiêu dùng, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã tăng 0,8% trong tháng trước so với dự báo 0,7% của các nhà kinh tế. Dữ liệu cho tháng 6 đã được điều chỉnh cao hơn, tăng 0,6% thay vì 0,5% như báo cáo trước đó.
Chi tiêu cho hàng hóa tăng chủ yếu nhiều từ các sản phẩm có vòng đời ngắn như dược phẩm, đồ giải trí, cửa hàng tạp hóa và quần áo. Chi tiêu cho hàng hóa và phương tiện giải trí cũng như đồ nội thất, thiết bị gia đình và các hàng hóa lâu dài khác cũng tăng lên theo.
Chi tiêu dịch vụ tăng 0,8% được thúc đẩy bởi các dịch vụ tư vấn đầu tư và quản lý danh mục đầu tư, nhà ở và tiện ích, nhà hàng và chăm sóc sức khỏe. Sự cường điệu về việc phát hành phim như Barbie và Oppenheimer cũng như các buổi hòa nhạc của Taylor Swift, đã dẫn đến thúc đẩy chi tiêu tăng nhẹ cho dịch vụ và phương tiện giải trí vào mùa hè.
Veronica Clark, nhà kinh tế tại Citigroup ở New York, cho biết điều này có thể gợi ý những rủi ro tăng giá đối với việc tiêu thụ dịch vụ trong tháng 8. Mức tăng vững chắc trong tháng trước đã khiến các nhà kinh tế phải nâng ước tính tổng sản phẩm quốc nội lên cao hơn vào quý 3. JPMorgan đã tăng ước tính GDP trong quý 3/2023 từ mức 2,5% lên 3,5% hàng năm.
Cổ phiếu trên Phố Wall được giao dịch cao hơn. Đồng đô la tăng so với rổ tiền tệ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Lạm phát được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) sau khi loại trừ các yếu tố năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 0,2% trong tháng trước. Giá thực phẩm tăng 0,2% và năng lượng tăng 0,1%. Trong 12 tháng tính đến tháng 7, chỉ số giá PCE đã tăng thêm 0,3% lên mức 3,3%.
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY-Parthenon ở New York, cho biết đà tăng tuần tự hàng tháng khoảng 0,2% chính xác là điều mà các nhà hoạch định chính sách của Fed đang tìm kiếm để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Các nhà kinh tế ước tính rằng chi phí cho dịch vụ cốt lõi ngoại trừ nhà ở đã tăng 0,5% sau khi tăng 0,3% trong tháng Sáu. Điều đó khiến một số người tin rằng Fed có thể tăng lãi suất vào tháng 11.
Mặc dù thị trường lao động đang hạ nhiệt, với số lượng việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm rưỡi vào tháng 7, các điều kiện vẫn còn thắt chặt. Các nhà tuyển dụng chủ yếu giữ chân người lao động sau những khó khăn trong việc tuyển dụng trong đại dịch COVID-19.
Bộ Lao động cho biết trong một báo cáo riêng hôm thứ Năm rằng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cấp tiểu banglần đầu tiên đã giảm 4.000 đơn, xuống mức điều chỉnh theo mùa là 228.000 trong tuần kết thúc vào ngày 26/8.
Số người nhận trợ cấp thất nghiệp đã tăng từ 28.000 lên 1,725 triệu người trong tuần kết thúc vào ngày 19/8.
Theo khảo sát của các nhà kinh tế của Reuters, các việc làm phi nông nghiệp có thể tăng thêm 170.000 việc trong tháng 8. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo không thay đổi, vẫn ở mức 3,5%, mức thấp nhất trong hơn 50 năm.
Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics ở New York, cho biết: "Trong khi các dấu hiệu về thị trường lao động lỏng lẻo hơn đang xuất hiện, dữ liệu về số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp là một lời nhắc nhở rằng việc điều kiện thị trường lao động hạ nhiệt đang đi kèm với rất ít đợt sa thải".
(Nguồn: Reuters)