Chia sẻ gây "bão" của cô giáo có kinh tế tốt, không áp lực phải dạy thêm: "Bản chất gốc rễ là chương trình đang thật sự nhiều vấn đề

Cô giáo này cho rằng, quan điểm "dạy thêm nên các cô giấu bài trên lớp"… là không công bằng.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025 thời gian gần đây thu hút nhiều tranh luận. Theo đó, thông tư 29 có những nội dung mới được chú ý và quan tâm rất lớn trong đó như: Tiếp tục cấm dạy thêm ở tiểu học (trừ bồi dưỡng về nghệ thuật; Thể dục thể thao; Rèn luyện kĩ năng sống); Dạy thêm trong nhà trường không thu phí; không được dạy thu tiền học sinh chính khóa,…

Mới đây, một giáo viên tiểu học đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này và nhận nhiều sự đồng tình. Cô cho biết, bản thân khá may mắn khi chồng là người kiếm tiền, nền tảng kinh tế tốt, do đó cô không phải dạy thêm. Vì thế, cô cũng sẽ có cái nhìn khách quan hơn với mọi vấn đề. 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

"Tôi thấy bản thân mình là 1 giáo viên có tâm huyết, luôn cập nhật kiến thức, giảng dạy 15 năm nhưng chưa một lần bị điều tiếng. Khi Thông tư 29 ban hành, tôi thấy những bình luận theo kiểu: "Dạy thêm nên các cô giấu bài trên lớp"; "Không dạy thêm nữa thì các cô sẽ phải dạy đầy đủ trên lớp",… Các bạn nhầm rồi, giáo viên vẫn dạy đủ nhưng với khối lượng kiến thức như hiện này, tôi khẳng định có chạy đua theo thời gian trên lớp cũng không thể đủ. Bản chất gốc rễ ở đây là chương trình học đang thật sự có nhiều vấn đề", cô giáo này nói.

- Bài đọc: Các bài đọc quá dài. Nhiều khi các con đọc hụt hơi chưa xong bài. Bố mẹ có thể mở ngay sách giáo khoa ra sẽ có những bài thơ mà cả cô và các con đọc xong không rõ vần điệu đang ở đâu. Nếu chương trình cũ có những bài thơ hay, giàu nhân văn, xúc động và ta có thể dễ dàng thuộc được ngay sau một lần đọc thì bây giờ thử hỏi các con có thể thuộc được hay ấn tượng sâu sắc được bao nhiêu bài trong số đó?

Lại nhớ tới ngày cư dận mạng phẫn nộ vì bài thơ "Bắt nạt" được đăng lên, có người bênh rằng nội dung bài thơ hay là được. Làm ơn hãy nhớ, đã là thơ thì còn phải có vần điệu, còn nếu không thì làm hẳn văn xuôi. Xin hãy trả lại những bài thơ, bài văn về cánh cò, về người thân, về tình yêu quê hương, đất nước, con người cho chúng tôi.

- Chính tả: Bỏ chính tả ở lớp 4, lớp 5. Chưa bao giờ chúng tôi dạy học sinh mà sai chính tả nhiều như bây giờ. Các con sai từ những từ cơ bản đến từ khó. Nếu các năm về trước, học sinh sai chính tả thường lác đác 1, 2 bạn thì bây giờ phải đến nửa lớp có HS sai chính tả. Cái không cần thì bỏ, cái cần thiết lại bỏ đi.

- Luyện từ và câu: Tôi nhớ mãi cái ngày dạy theo chương trình mới về từ đa nghĩa. Sách giáo viên cho rằng Biển là nghĩa gốc và Biển Đông là nghĩa chuyển. Tôi ước giá mà các vị viết sách xuống giảng dạy tận nơi sẽ thấy gương mặt các con khi ấy thế nào. 

gây "bão" của cô giáo có kinh tế tốt, không áp lực phải dạy thêm: "Bản chất gốc rễ là chương trình đang thật sự có vấn đề"

Với độ tuổi các con, các bạn chỉ có thể hiểu đơn thuần biển thật, nước mặn sẽ là nghĩa gốc nhưng SGK lại chọn ngữ liệu như vậy đưa vào bài. Và mặc dù đã trích nguyên văn cách giải thích của chủ biên SGK, mặt các con vẫn nhăn nhó không hiểu. Đấy chỉ là 1 ví dụ nhỏ trong số rất nhiều kiến thức trong SGK mà các con gặp khó khăn. Các bài tập về luyện từ và câu đưa ra cũng rời rạc, bài tập về câu đơn, câu ghép đưa ra cũng gây khó khăn, mông lung cho học sinh.

- Cảm thụ: Ngày ấy, khi nghe tin sẽ bỏ từ láy, từ ghép trong chương trình, GV chúng tôi mừng thầm, cứ ngỡ là được giảm tải. Nhưng không, bù lại các con được học cảm thụ thơ (Phần kiến thức mà trước đây cấp 2 học các con vẫn còn chật vật). Mà bạn chất của việc cảm thụ thơ thì sẽ phải cảm nhận từ ngữ hay. Một trong những cách nhận diện từ ngữ hay đó là sử dụng từ láy. 

Thế là chúng tôi lại phải dạy lại về từ láy với ánh mắt ngơ ngác của học sinh. Láy lại chia làm nhiều loại, chưa kể các trường hợp đặc biệt. Nếu không dạy bài bản, HS khó có thể phát hiện ra. Vậy thử hỏi với những phần kiến thức mở rộng đấy, chúng tôi sẽ dạy ở đâu, vào thời điểm nào? Chúng tôi vẫn thường trêu nhau: "Chính tả còn sai, văn miêu tả còn chưa tốt, nội dung bài thơ chưa chắc đã nắm được mà giờ bắt các con cảm thụ thì đúng là có phần hài hước".

- Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm (HĐTN): Sẽ thật dễ để các PH thấy sẽ có những bài nội dung về đạo đức và HĐTN giống nhau. Nhưng lại chia làm 2 môn và họ giải thích đạo đức là tập trung về mặt lý thuyết, nhận thức còn HĐTN sẽ thiên về thực hành. Vậy tại sao không cho nó vào cùng 1 bài đạo đức như ngày xưa. Dạy đạo đức đâu có nghĩa là chúng tôi không cho thực hành. Sinh ra thêm 1 môn là sinh ra thêm giáo án, sinh ra thêm dự giờ. Và nói thật với lượng kiến thức như bây giờ, tôi tin GV nào cũng đã từng phải lấy Toán, Tiếng Việt ra bù cả vào dạy HĐTN mà vẫn không kịp.

- Toán: Kiến thức mới gối nhau liên tục, HS được luyện tập quá ít. Nếu luyện tập nhiều thì lại không đủ thời gian 40 phút/tiết.

Theo giáo viên này, nếu thông tư sinh ra để giảm áp lực cho học sinh thì hãy nhìn bản chất vấn đề đang thực sự ở đâu. Nếu để đóng thuế thì chỉ cần yêu cầu các thầy cô đóng thuế là được, đừng bắt không cho dạy HS của mình. 

"Con tôi lớp 12 chuẩn bị thi đại học, GVCN hết lòng vì con, lịch học đang ổn định. Đùng phát công văn ra, con tôi bơ vơ lang thang đi tìm chỗ học mà không rõ có hợp GV không, rồi lịch học sẽ sắp xếp lại thế nào. Còn nếu công văn đưa ra để giảm áp lực cho học sinh thì đề nghị giảm lượng kiến thức, đừng có thi lớp 6, lớp 9 làm gì. Công văn đưa ra nhưng các trường cấp 2 vẫn đua nhau cho HS thi ầm ầm đấy thôi. Cắt phần ngọn mà không cắt gốc thì chả có nghĩa lý gì.

Chúng tôi có năng lực, có chuyên môn, bỏ công bỏ sức miệt mài cùng các con cả ngày trời, vậy mà giờ phụ huynh nói chúng tôi là không dạy gì? Vậy mời các PH chỉ cho các con học trung tâm và nghỉ trên lớp xem con có giỏi được hay không là sẽ hiểu", cô giáo cho hay.

Bạn nghĩ sao về chia sẻ của cô giáo này?

Hiểu Đan

Kiến thức là hành trang giúp cha mẹ vững bước trên hành trình nuôi dạy con

Kiến thức là hành trang giúp cha mẹ vững bước trên hành trình nuôi dạy con

Kiến thức là hành trang giúp cha mẹ vững bước trên hành trình nuôi dạy con. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi, trau dồi kiến thức.