Hình thức giao tiếp xã hội phổ biến nhất là giao tiếp bằng ngôn ngữ, cộng đồng ngôn ngữ nào cũng vậy, người nói – người nghe lần lượt đổi vai cho nhau để cho ra đối thoại, hội thoại. Người tham gia giao tiếp dùng từ nào để gọi mình (xưng) và để gọi người đối thoại (hô) ở mỗi ngôn ngữ mỗi khác. Sự khác biệt này, ngoài những chế định bởi đặc trưng của hệ thống ngôn ngữ họ dùng thì còn có những ràng buộc, chế định khác mà thoạt nhìn có vẻ như chúng nằm ngoài ngôn ngữ.
Người Việt với văn hóa Việt, khi giao tiếp, ắt phải định ngôi thứ, chia vai vế rõ ràng. Ngôi thứ, vai vế trong giao tiếp là để biểu thị tôn ty trên dưới, quan hệ thân sơ… Tính nghiêm nhặt về ngôi thứ, tôn ty trên dưới, biểu hiện giới tính, mức độ thân sơ trong giao tiếp được thể hiện qua hệ thống từ xưng hô hết sức phong phú trong từ vựng tiếng Việt.
Dưới con mắt của các nhà khoa học ngôn ngữ, từ xưng hô trong tiếng Việt có thể là từ xưng hô thực sự mà cũng có thể là các từ xưng hô vốn là các danh từ chỉ quan hệ thân tộc được dùng với chức năng xưng gọi.
Thực tế giao tiếp tiếng Việt cho thấy các từ xưng gọi có nguồn gốc là các từ chỉ quan hệ thân tộc được sử dụng có phần vượt trội. Chẳng hạn các cặp xưng hô: ông/bà – cháu; bố/mẹ - con; bác/chú/cô/dì/ cậu/mợ - cháu; anh/chị - em… Sự đa dạng trong quan hệ thân tộc (được thể hiện qua các từ chỉ mối quan hệ này) được người Việt mang ra áp dụng vào quan hệ xã hội và lâu dần, các từ xưng hô này mặc nhiên được dùng trong giao tiếp xã hội và tạo thành nét văn hóa trong giao tiếp của cả cộng đồng.
Trong giao tiếp của người Việt, cặp xưng hô mày – tao là cặp từ khá đặc biệt. Tao là từ để xưng (ngôi thứ nhất) còn mày là từ để gọi (ngôi thứ hai). Cặp xưng hô này được dùng khá phổ biến trong giao tiếp hàng ngày. Như mọi cặp từ xưng hô tiếng Việt khác, cặp mày – tao trong sử dụng cũng phải tuân thủ theo 2 nguyên tắc: vai giao tiếp (trên – dưới – ngang vai) và quan hệ giao tiếp thân – sơ. Điểm đặc biệt của cặp này là ở chỗ:
Về quan hệ vai giao tiếp, cặp tao – mày chỉ được sử dụng cho quan hệ trên – dưới và quan hệ ngang vai mà không được sử dụng cho quan hệ dưới – trên. Việc sử dụng trái với nguyên tắc trên – dưới là vi phạm quy chuẩn đạo đức và chỉ có thể dùng trong giao tiếp giữa những nhân vật đối địch. Quan hệ ngang vai cặp tao – mày được sử dụng nhằm hoặc tăng độ thân tình giữa hai người giao tiếp hoặc thể hiện một quan hệ phi thân tình
Về quan hệ thân sơ: Cặp tao – mày được sử dụng để thể hiện quan hệ trên – dưới hoặc ngang vai ở hai thái cực, hoặc là thân tình hoặc là đối địch
Tôi nhấn mạnh, cặp xưng hô tao – mày thường không được sử dụng trong quan hệ dưới – trên trong giao tiếp. Văn hóa Việt không chấp nhận con xưng là tao và gọi bố/mẹ là mày, cũng như việc cháu xưng tao gọi ông/bà/ chú/ bác là mày sẽ bị coi là phản luân thường đạo lý.
Nhân chuyện xưng hô tao – mày, vừa rồi, dư luận lao xao về hiện tượng một nghệ sỹ chớm trung niên cho phép con được xưng hô tao – mày với bố. Xã hội phản ứng như một sự tất nhiên mà không phải ngẫu nhiên. Nghệ sỹ ấy là người Việt nhưng thực tế tiếc rằng anh chưa trau dồi tiếng mẹ đẻ đến nới đến chốn.
Tiếng Việt có bản sắc riêng của mình. Hiểu và sử dụng chính xác tiếng Việt, trong đó có hệ thống từ xưng hô sẽ giúp cho người Việt làm chủ hệ thống ngôn ngữ của mình. Cặp từ xưng hô tao – mày là hai từ phổ dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp buộc phải dùng chúng. Sử dụng chúng sao cho chuẩn, cho hay chỉ có thể là người Việt (người bản ngữ).
Những thử nghiệm ngôn ngữ là điều cần khuyến khích để tạo ra những nét độc đáo trong sử dụng ngôn từ nhưng nếu thử nghiệm vượt giới hạn sẽ mang lại thảm họa không chỉ cho ngôn ngữ mà còn mang đến những thảm họa văn hóa, đạo đức…
12 “quy tắc phi ngôn ngữ” trong giao tiếp của người phụ nữ thành công là gì?
Trong thế giới kỹ thuật số, việc hành xử giao tiếp theo bản năng sẽ khiến bạn mất đi nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, đặc biệt là trong kinh doanh.