Chiến lược dạy con

Nguyễn Anh Khuê hiện là Giám đốc một phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV, ngoài ra chị còn là một doanh nhân, một nhà đầu tư trong một số lĩnh vực khác. Trò chuyện với Phụ Nữ Mới chị đề nghị không nói về chuyện kinh doanh, làm ăn, mà chia sẻ về chuyện dạy con, mối quan tâm hàng đầu của chị. Theo người phụ nữ này, dạy con có nhiều điểm tương đồng nhưng khó gấp nhiều lần chuyện đầu tư kinh doanh.

Phóng viên (PV): Ngành ngân hàng vốn dĩ bận rộn, áp lực, việc những người làm trong ngành này có khi phải làm việc thêm đến 2-3 tiếng đồng hồ sau giờ tan sở là bình thường. Vậy chị dành thời gian cho con cái như thế nào?

Chị Nguyễn Anh Khuê - Giám đốc phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV
Chị Nguyễn Anh Khuê - Giám đốc phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV

- Chị Nguyễn Anh Khuê (NAK): Điều mà tôi tự hào nhất đó là mỗi sáng vẫn tự lái xe đưa hai con trai đi học, đến chiều thì đón hai cháu về và ba mẹ con trò chuyện đủ thứ chuyện vui buồn trên đường. Cá nhân tôi quan niệm rằng, sự yêu thương dành cho con cái quý giá hơn bất cứ tài sản hay một phương pháp giáo dục nào. Nhiều người hỏi rằng vì sao có đủ quỹ thời gian để đưa đón con cái đi học như vậy tôi cũng chỉ biết trả lời một ý đơn giản đó là: biết đủ là đủ. Gần hai thập kỷ làm việc trong ngành tài chính, và các hoạt động kinh doanh khác, tôi có nhiều cơ hội để có thể trải nghiệm ở các vị trí quản lý cao cấp. Nhưng tôi suy nghĩ rằng, ông xã tôi vốn là một doanh nhân, đã thường xuyên đi công tác, điều hành nhà máy, bây giờ nếu tôi cũng suốt ngày vùi đầu vào công việc thì rất khó để kiểm soát, dạy dỗ được con cái. Vì vậy, tôi cũng phải biết điều tiết công việc, quản lý thời gian sao cho thật hiệu quả, điều đó cũng giúp cho bản thân mình tìm được sự an nhiên, tự tại. Mỗi buổi tối, trực tiếp dạy cho con học, cũng có tức giận, cũng la mắng nhưng ngày qua ngày nhìn các con khôn lớn, cứng cáp dần tôi cũng như ông xã đều cho rằng đó là thành quả lớn nhất của cuộc đời.

Theo chị thì một người doanh nhân dạy cho con có điều gì vất vả, có điều gì khác với khi xưa các cụ dạy cho chị không?

- Tôi hay chia sẻ với anh em đồng nghiệp rằng, dạy con cũng giống như lập một chiến lược kinh doanh, cũng có mạo hiểm, cũng có rủi ro, cũng cần từ ý tưởng tổng quát đến chi tiết, nhưng theo tôi khó hơn kinh doanh nhiều. Hai con trai của tôi, mỗi cháu mỗi tính cách khác nhau, không thể gượng ép mà áp dụng một phương pháp giáo dục. Tôi vẫn thích lối dạy con của các cụ ngày xưa, đề cao sự nghiêm khắc, kỷ luật nhưng tôi cũng tạo điều kiện cho các cháu phát huy sự sáng tạo cũng như chính kiến của mình. Đơn cử như việc học âm nhạc, một cháu thích, còn một cháu chưa siêng năng lắm, nhưng tôi vẫn yêu cầu hai cháu đi học chung với nhau vì học âm nhạc không chỉ là học cách chơi một loại nhạc cụ mà theo thời gian sẽ giúp cho tâm hồn con người đẹp hơn. Trong việc dạy con, tôi cũng khuyến khích các cháu nói ra các chính kiến của mình kể cả chưa đúng để tạo ra sự mạnh dạn, rồi sau đó tôi mới chỉnh sửa.

Khuyến khích con nói ra chính kiến sau đó mới sửa nếu cần thiết (Ảnh minh họa)
Khuyến khích con nói ra chính kiến sau đó mới sửa nếu cần thiết (Ảnh minh họa)

Nhưng vì sao tôi lại nói dạy con có cả rủi ro lẫn mạo hiểm bởi lẽ chúng ta dạy con, nhưng bên ngoài lại có rất nhiều sự chi phối, ảnh hưởng và nếu con cái không có đủ sự cứng cáp thì việc phải chịu những ảnh hưởng xấu là rất dễ dàng. Điều mà tôi luôn dạy các con dù trong bất kỳ hoàn cảnh, môi trường nào cũng phải giữ được đó là sự trung thực và chân thành. Không trung thực thì không thể giữ vững được bản thân, còn nếu chân thành thì đôi khi có những thiệt thòi đó, nhưng sẽ luôn được nhiều người yêu mến. Tôi nghĩ đây là điều mà ngay cả trong kinh doanh, các doanh nghiệp hàng đầu đều muốn hướng đến để tạo nên sự phát triển bền vững. Một điều khác cũng rất quan trọng đó chính là cha mẹ phải làm gương cho con cái, nghĩa là khi chúng ta dạy con, yêu cầu con tuân thủ một quy định nào đó, chẳng hạn như tập thể dục, đi ngủ sớm… thì chính cha mẹ phải luôn thể hiện một cách chỉn chu nhất để con cái thấy được. Chỉ cần một chút lơ là, có thể do mệt mỏi vì công việc, con cái nếu thấy được cha mẹ làm khác với những gì dạy mình sẽ không còn muốn tuân thủ hay nghe lời nữa.

Gia đình chị có ý định hướng cho các cháu theo nghiệp kinh doanh để nối nghiệp cha mẹ không?

- Theo quan sát của tôi, có nhiều gia đình từ ông bà đến cha mẹ làm kinh doanh, nhưng đến con rồi cháu thì lại theo con đường nghệ thuật. Nguyên nhân đến từ việc một cuộc sống no đủ cũng giúp cho các thế hệ sau tự do hơn trong việc theo đuổi ước mơ của mình. Con người được làm điều mình thích và làm việc mình giỏi là hạnh phúc nhất, vậy nên tôi cũng hướng các con mình theo tiêu chí này. Đầu tiên, tôi dạy các con phải có được ý chí để theo đuổi ước mơ của mình, và cũng phải xem xét xem điều đó có phù hợp hay không. Con trẻ thì tuỳ theo độ tuổi có những ước mơ khác nhau, tôi cũng phải tìm hiểu kỹ từng ngành nghề để trao đổi xem khả năng của cháu có phù hợp không, điều quan trọng ở đây là cháu học được cách phân tích điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, biết lượng sức mình và ra quyết định. Có những ngành cháu thích, nhưng tôi cảm giác không phù hợp thì cũng phải tìm cách thuyết phục, thậm chí là chứng minh để các cháu thấy được hạn chế của mình.

Tôi nghĩ rằng, nếu có ý chí, bản lĩnh, biết người biết ta và quan trọng nhất là có một nhân cách tốt thì các cháu có thể làm bất cứ điều gì chứ không riêng gì việc kinh doanh. Cũng phải nói thêm rằng, chúng tôi không có ý định “ép” các cháu phải kinh doanh cũng là vì kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì cũng cần phải đam mê, gượng ép thì không hiệu quả. Trong thời đại mà công nghệ liên tục phát triển và ứng dụng trực tiếp vào kinh doanh, muốn thành công phải có sự sáng tạo, mà nếu đã không thích thì không thể sáng tạo, thậm chí thụt lùi. Vợ chồng tôi cũng rất vui nếu con cái theo nghiệp kinh doanh nhưng nếu không thì cũng vẫn sẽ tổ chức bộ máy hoạt động sao cho hiệu quả nhất thay vì có ý định cha truyền con nối.

Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này! 

Thái Ca

'Tôi thậm chí từng bị gọi là bà mẹ xấu xa, nhưng tôi biết rốt cuộc con sẽ hưởng lợi từ đó'

'Tôi thậm chí từng bị gọi là bà mẹ xấu xa, nhưng tôi biết rốt cuộc con sẽ hưởng lợi từ đó'

'Tôi muốn đáp ứng nhu cầu của con trai tôi nhưng tôi cũng muốn quan tâm tới chính những nhu cầu của tôi nữa' - Tác giả Amanda Elder chia sẻ.