Dạy trẻ không cần bạo lực

Khi mà hầu hết các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia về giáo dục con cái đều không khuyến khích việc đánh đòn thì phần lớn các bậc phụ huynh trên khắp thế giới đều thừa nhận đã từng đánh con mình, bởi đối với họ, đánh đòn có lẽ là cách nhanh và hiệu quả nhất để thay đổi cách hành xử của con em mình. Hành động này có thể hiệu quả trong thời gian ngắn, nhưng những nghiên cứu cho thấy nó để lại những hệ quả lâu dài đối với bọn trẻ. Sau đây là những phương pháp dạy trẻ khá hiệu quả mà không dùng tới những hành động bạo lực:

Phạt trẻ “time-out”

Đánh trẻ khi bọn trẻ có thái độ không tốt (đặc biệt thái độ hung hăng) sẽ khiến cho bọn trẻ thắc mắc rằng tại sao bạn đánh chúng thì được mà khi chúng đánh em gái mình thì lại không được. Bởi vậy, cách phạt “time-out” hay phạt trẻ đứng góc là một cách tốt hơn nhiều. Nếu làm đúng, “time-out” sẽ dạy bọn trẻ cách làm sao để trở nên bình tĩnh hơn. Để cách này hiệu quả, bọn trẻ cần phải có nhiều thời gian chất lượng bên gia đình để khi chúng bị phạt, việc thiếu sự chú ý của cha mẹ sẽ làm bọn trẻ không thoải mái và sẽ khiến bọn trẻ hành xử tốt hơn về sau.

Time out có thể giúp bọn trẻ trở nên bình tĩnh hơn
Time out có thể giúp bọn trẻ trở nên bình tĩnh hơn

Lấy đi những đặc quyền của trẻ

Nếu đánh đòn có thể làm bọn trẻ đau lúc đầu thì việc lấy đi những đặc quyền của chúng sẽ khiến chúng nhớ lâu hơn. Không cho xem TV, chơi điện tử, lấy đi đồ chơi yêu thích của con trong vòng một ngày sẽ khiến cho con bạn nhớ không lặp lại hành động đó một lần nữa. Bạn cũng nên nhớ nhắc bọn trẻ rằng khi nào thì chúng có lại những đặc quyền ấy. Bạn có thể nói rằng: “Hôm nay con sẽ không được xem TV nữa, nhưng con sẽ được xem nếu ngày mai con nhặt đồ chơi lên khi mẹ yêu cầu”.

Lờ đi thái độ gây sự chú ý của trẻ

Việc lờ đi những hành động của con đôi khi hiệu quả hơn nhiều so với việc đánh chúng. Điều này không có nghĩa rằng bạn nên quay đi khi con bạn làm những thứ nguy hiểm hay có những hành động không phù hợp, nhưng bạn có thể lờ đi những hành vi tạo sự chú ý như mè nheo, cáu gắt. Khi con có những thái độ như vậy, hãy giả vờ như không nghe thấy và cũng không nên phản ứng cho đến khi con cư xử ngoan trở lại. Bằng cách này, con bạn sẽ học được rằng để có điều con muốn, cách duy nhất là phải có thái độ lịch sự.

Dạy trẻ những kỹ năng mới

Một trong những vấn đề của việc đánh đòn là nó không hề dạy con cách để cư xử tốt hơn. Đánh con chỉ bởi con quậy phá mà không hề dạy con cách để trở nên bình tĩnh hơn khi con thấy buồn bực. Cha mẹ nên dạy con cách giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc và cách thức hòa giải để làm giảm những vấn đề trong cách hành xử của con mình. Hãy sử dụng những phương thức nhằm giáo dục con, không trừng phạt con.

Chỉ ra những hệ quả hợp lý

Những hệ quả hợp lý là một cách tuyệt vời giúp những trẻ đang chật vật với những vấn đề cụ thể về cách cư xử. Chẳng hạn, nếu con bạn không chịu ăn tối, bạn sẽ không cho phép con được ăn vặt buổi đêm. Hay nếu con không chịu nhặt đồ chơi dưới sàn, con sẽ không được phép chơi với chúng. Cách liên kết những hệ quả một cách trực tiếp với những cư xử của con sẽ giúp con thấy được rằng sự lựa chọn của con có hệ quả trực tiếp.

Cho phép những hệ quả tự nhiên

Những hệ quả tự nhiên giúp bọn trẻ học được từ chính sai lầm của chúng. Chẳng hạn, nếu con không chịu mặc áo khoác, hãy để con ra ngoài và chịu lạnh (nếu an toàn để làm vậy). Hãy sử dụng những hệ quả tự nhiên khi bạn thấy con sẽ học được từ chính sai lầm của chúng, nhưng nên quan sát tình hình để đảm bảo con bạn sẽ không gặp nguy hiểm thực sự.

Thưởng cho những hành động tốt

Thay vì đánh con bởi những thái độ không tốt, hãy thưởng cho con vì những cách cư xử tốt. Chẳng hạn, nếu các con thường gây gổ với nhau, hãy thiết lập hệ thống phần thưởng để động viên các con hòa hợp hơn. Sự khích lệ sẽ khiến các con cư xử tốt hơn. Phần thưởng sẽ giúp bọn trẻ biết cách làm gì để có thể nhận được những đặc quyền, thay vì tập trung vào những thái độ xấu mà chúng cần phải tránh.

Động viên con, khen con mỗi khi con làm tốt
Động viên con, khen con mỗi khi con làm tốt

Khen ngợi những hành động tốt

Để ngăn chặn những vấn đề về cách cư xử, hãy khen con mỗi khi con làm tốt. Chẳng hạn, khi con đang chơi ngoan với các bạn, bạn hãy nêu điều đó ra như “Hôm nay con của mẹ thật là ngoan khi biết chia sẻ và biết xếp hàng”. Khi trong phòng có một vài trẻ, hãy dành nhiều sự quan tâm và lời khen cho những trẻ biết nghe lời và có cách hành xử tốt, để rồi khi những đứa trẻ khác bắt đầu thay đổi cách cư xử của mình, hãy dành cho chúng những lời khen và sự quan tâm của bạn.

Tuấn Minh (Theo Verywellfamily)

Ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh sinh con thứ 2 sau 10 năm làm mẹ đơn thân

Ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh sinh con thứ 2 sau 10 năm làm mẹ đơn thân

Nguyễn Ngọc Anh sinh con thứ 2 vào sáng 13/9 bằng biện pháp đẻ thường. Cô xúc động khi đón con ở tuổi 38.