Cho vay đối với bất động sản, chứng khoán sẽ bị siết chặt hơn

Riêng tín dụng bất động sản, chứng khoán sẽ siết chặt hơn so với năm 2021. Ngành ngân hàng sẽ có buổi hội nghị chuyên đề về kiểm soát tín dụng vào bất động sản, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại buổi họp báo “Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022” diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, trả lời câu hỏi về cho vay đối với những công ty tham gia đấu giá 04 lô đất tại Thủ Thiêm, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, cho biết cơ quan này đã gửi văn bản tới các ngân hàng yêu cầu báo cáo về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp để tham gia đấu giá/trúng đấu giá lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã có báo cáo, chỉ còn một vài ngân hàng do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chưa báo cáo đầy đủ. Nhưng qua rà soát trên hệ thống (Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - CIC), chưa có tổ chức tín dụng nào cho vay để doanh nghiệp đặt cọc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm. Đối với lĩnh vực bất động sản, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tỷ trọng cho vay lĩnh vực này đang có xu hướng giảm, từ mức 26% của năm 2018 xuống còn 12% vào cuối năm 2020.

Những kết quả tại Cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 12-2021, do Ngân hàng Nhà nước vừa công bố. Theo kết quả điều tra, trong 6 tháng cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cũng "thắt chặt hơn" yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.

Xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các tổ chức tín dụng tiếp tục thu hẹp chênh lệch lãi suất biên, gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.

Tính đến tháng 11/2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng 12% so với cuối năm 2020. Trong đó, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2022 sẽ không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như: kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Riêng tín dụng bất động sản, chứng khoán sẽ siết chặt hơn so với năm 2021. Ngành ngân hàng sẽ có buổi hội nghị chuyên đề về kiểm soát tín dụng vào bất động sản, hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nói thế không có nghĩa dòng tiền không vào bất động sản nữa, mà Ngân hàng Nhà nước chỉ hạn chế dòng tiền vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. Còn bất động sản phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội thì ngân hàng vẫn cho vay", ông Tú giải thích.

Không chỉ siết vay vốn, lãnh đạo một tập đoàn BĐS tại TP.HCM còn cho biết các nhà băng cũng siết việc phát hành trái phiếu để lấy tiền đầu tư, phát triển dự án. Hiện nay, các DN phát hành trái phiếu để đầu tư, sau khi hết đợt phát hành trái phiếu, muốn đáo hạn để phát hành thêm cũng không được. Trong khi mỗi đợt phát hành thường từ 1 - 2 năm, nhưng dự án kéo dài 4 - 5 năm, thậm chí 5 - 7 năm mới xong. DN muốn phát hành lại để lấy vốn đầu tư vào dự án thì rất khó. Không những vậy, trước đây việc phát hành trái phiếu có khi không cần tài sản đảm bảo, dựa trên niềm tin, nhưng hiện nay muốn phát hành phải đủ năng lực và tài sản đảm bảo NH mới cho vay.

Tính đến 31/12/2021, toàn ngành ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng 13,5% so với cuối năm 2020, dự kiến năm 2022 sẽ tăng trưởng 14%. Tăng trưởng tín dụng sẽ linh hoạt hơn để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký công văn số 48 gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các địa phương phối hợp với các Cục thuế để điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế nhằm răn đe, ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương chỉ đạo các Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các Cục thuế tại địa phương để yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Động thái này của NHNN là lời cảnh báo đầu tiên trong việc siết vốn vào các lĩnh vực không ưu tiên, nắn vốn vào sản xuất kinh doanh đúng với mục tiêu được tuyên bố trong hội nghị tổng kết ngành NH trước đó.

Trao đổi với chúng tôi, đa số các DN đều “than trời” khi tiếp cận vốn vay NH khá khó khăn. Khi đi vay phải có tài sản đảm bảo là đương nhiên, nhưng điều kiện vay vốn, việc rà soát lại mục đích sử dụng vốn rất kỹ. Nếu trước đây, khách hàng quen, VIP có thể báo cáo qua loa thì giờ đây, các nhà băng “soi” kỹ từng chi tiết. Trước đây chỉ cần đất nông nghiệp sạch là có thể cho vay, nhưng nay phải có giấy phép xây dựng mới cho vay.

Tổng Hợp