Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương xin lỗi cổ đông vì kinh doanh giảm sút, bê bối mâu thuẫn nhà đầu tư ngoại

Chủ tịch Coteccons trần tình quan điểm của cổ đông lớn và HĐQT khác nhau. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa dẫn đến không hiểu nhau, và những chuyện đã xảy ra.

Chiều 30/6, Công ty CP Xây dựng Coteccons tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 . 427 cổ đông, sở hữu gần 65,47 triệu cổ phiếu, chiếm 85,81% cổ phần có quyền biểu quyết, tham dự để thông qua nhiều vấn đề mang tính quyết định tương lai của nhà thầu số 1 Việt Nam. Ông Nguyễn Bá Dương xin lỗi cổ đông về kết quả kinh doanh sụt giảm trong năm 2019 và bê bối mâu thuẫn với cổ đông ngoại thời gian qua.

30 công trình phải tạm ngưng trong năm 2019

Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Bá Dương , Chủ tịch Coteccons, đã trần tình về tình hình công ty sau nhiều năm phát triển. Coteccons đã thành lập được 16 năm và theo ông, đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Có thời kỳ Coteccons thăng hoa với hàng loạt dự án tầm cỡ, sau đó cũng có giai đoạn chững lại. Nhưng theo ông Dương, chững lại ở đây là để “chuẩn bị cho một giai đoạn mới".

Chủ tịch Coteccons thừa nhận, từ khi tình hình kinh doanh đi xuống sau “dấu son” năm 2017, công ty đã phải chứng kiến những bất đồng, cụ thể là nhóm cổ đông lớn. “Quan điểm của cổ đông lớn và HĐQT khác nhau. Mà khác nhau lớn nhất là quan điểm quản trị công ty. Bất đồng ngôn ngữ, văn hóa dẫn đến không hiểu nhau và những chuyện vừa qua đã xảy ra”, ông giải thích.

Ông Nguyễn Bá Dương phát biểu trước toàn thể cổ đông có mặt chiều nay: “Dù bất kỳ lý do nào thì lỗi là do HĐQT, và bản thân tôi nhận phần lỗi về mình, tôi xin lỗi tất cả cổ đông!”.

Ông Nguyễn Bá Dương nhận lỗi trước cổ đông về tình hình kinh doanh sụt giảm và mâu thuẫn với cổ đông ngoại. Ảnh: Quỳnh Trần
Ông Nguyễn Bá Dương nhận lỗi trước cổ đông về tình hình kinh doanh sụt giảm và mâu thuẫn với cổ đông ngoại. Ảnh: Quỳnh Trần

Quay ngược thời gian vào giai đoạn hoàng kim của nhà thầu này, cổ phiếu Coteccons có khi lên tới gần 250.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, vài quý trở lại đây, công ty đầu ngành này lại như một cỗ xe già nua, ì ạch. Doanh thu doanh nghiệp giảm 17% xuống 23.733 tỉ đồng, lần đầu tiên suy giảm kể từ 2012. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức thấp nhất từ 2016 và giảm 53% so năm 2018 đạt 711 tỉ đồng.

Sang đến quý đầu năm tình hình kinh doanh của công ty tiếp tục giảm sút với doanh thu 3.554 tỉ đồng và lãi ròng 123 tỉ đồng; lần lượt giảm 15,4% và giảm 34,6%. Tương ứng với kết quả kinh doanh tệ bạc, giá cổ phiếu của Coteccons hồi đầu năm đã tụt dốc không phanh, còn chưa tới 1/3 so với đỉnh giá năm cũ.

Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công cũng thừa nhận: ”Năm vừa rồi có gần 30 công trình đang thi công phải tạm ngưng, nhưng nhờ chia sẻ chi phí với đối tác theo tỉ lệ 50:50 nên giảm được áp lực, lợi nhuận chung vẫn tăng”.

Còn ông Dương cho rằng, dù Coteccons đạt kết quả kinh doanh thấp so với kế hoạch nhưng không có đơn vị nào đạt được con số này, có chăng chỉ bằng khoảng nửa. Do đó, ông gửi lời cảm ơn tới đội ngũ cán bộ nhân viên đã làm việc ngày đêm để có được con số 23.000 tỷ đồng của năm qua.

Ông Nguyễn Bá Dương rút khỏi Ricons, hứa Coteccons sẽ thành công hơn

Trước thềm diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương cũng đưa ra đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons. Trong đơn, ông Dương cho biết do “bận một số công việc cá nhân” nên bản thân không thể hoàn thành tốt vị trí thành viên Hội đồng quản trị tại Ricons.

Việc “chân đạp hai thuyền” của ông Nguyễn Bá Dương và ông Nguyễn Sỹ Công là một trong những điểm mấu chốt của mâu thuẫn suốt gần cả tháng qua với nhóm cổ đông ngoại.

Phát biểu trước cổ đông, ông Dương cũng nói thêm: "Nhiều người cho rằng, ông Dương lấy việc đưa cho ai cũng được. Nhưng thực tế không hề đơn giản”.

Theo ông, Coteccons là một công ty thi công các công trình có khối lượng lớn, nếu toàn bộ nguồn lực công ty dồn vào một dự án lớn, chẳng hạn như dự án nhà máy Vinfast rộng hàng nghìn hecta, thì các công trình khác khó thể đảm nhiệm. Do đó, nếu Coteccons không giao thầu, không chọn được đối tác cùng tham gia vào dự án thì theo ông Dương, khó lòng để nhà thầu này đảm bảo tiến độ cho khách hàng.

“Sắp tới, tôi cho rằng chúng ta không nên ‘nói không' với các công ty liên quan. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp tục hợp tác. Bởi vì đó là các công ty có năng lực, có sự tương đồng với Coteccons về văn hoá về giá trị, có thể hỗ trợ Coteccons phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai”, ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Coteccons cũng thẳng thắn chia sẻ: “Sau những chyện vừa rồi chúng tôi đã ngồi lại, chia sẻ với nhau, HĐQT sắp tới có thêm hai thành viên, sẽ có cùng tiếng nói, các thành viên chọn thêm một số chuyên gia tham gia vào công ty, điều này tốt cho công ty. Sắp tới đây mọi việc sẽ sáng tỏ, công ty sẽ mạnh mẽ hơn nữa, phát triển hơn, thành công hơn”.

Nếu vượt qua được mâu thuẫn, HĐQT Coteccons lạc quan về kế hoạch kinh doanh năm 2020. Ông Nguyễn Sỹ Công cho biết: "Chúng tôi không thể cạnh tranh với các nhà thầu nhỏ với dự án dưới 500 ty đồng. Coteccons chỉ phù hợp với những dự án lớn. Trong hoàn cảnh hiện nay, để có những dự án lớn như vậy là một thách thức rất lớn".

Chủ tịch Nguyễn Bá Dương cũng đồng ý rằng, Coteccons chỉ phù hợp với những dự án lớn. Nếu không, nhà thầu này không thể nào phát triển tiếp được, càng không thể nào tăng trưởng 30-40% mỗi năm.

“Chúng ta có đội ngũ vững vàng, chịu thương chịu khó. Tôi hy vọng sắp tới, Coteccons sẽ vượt qua những mâu thuẫn nội bộ để có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, vị này gửi gắm trước hội đồng cổ đông.

Khi được chất vấn về khả năng sáp nhập giữa Ricons và Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương có phần không chắc chắn. “Cá nhân tôi rất muốn sáp nhập Coteccons và Ricons vào với nhau. Nhưng cái đấy phụ thuộc vào HĐQT và phải có ý kiến của các vị cổ đông. Sang năm có định hướng mới thì chúng tôi sẽ báo cáo với các quý vị cổ đông”, ông nói.

Cổ đông trong nước không muốn miễn nhiệm ông Nguyễn Sỹ Công

Trước ĐHCĐ hôm nay, Ban lãnh đạo Coteccons đã trình đại hội đồng tờ trình nhiễm nhiệm hai thành viên và bầu thay thế trong HĐQT. Theo đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công và Thành viên độc lập Trần Quyết Thắng bị đề nghị miễn nhiệm. Bổ nhiệm thay thế vào hai  chiếc ghế này sẽ là Herwig Van Hove, Giám đốc The8th và Bolat Duisenov, Giám đốc Kusto Việt Nam.

Nội dung này vấp phải nhiều ý kiến phản đối của cổ đông trong nước. Nhiều cán bộ, nhân viên không tán thành miễn nhiệm Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công khỏi HĐQT. Tuy nhiên “trời phụ lòng người”, kết quả bầu cử cho thấy có 58,82% cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT đối với ông Trần Quyết Thắng và ông Nguyễn Sỹ Công.

Như vậy, sau đợt tái cơ cấu HĐQT, chỉ còn ông Nguyễn Bá Dương là người cũ tiếp tục điều hành công ty. Có đến 4/7 thành viên HĐQT là người thuộc nhóm cổ đông Kusto - The8th. Về dự định tương lai, Chủ tịch khẳng định sẽ mua thêm cổ phiếu Coteccons.

Từng tuyên bố không muốn quản trị công ty nhưng nhóm Kusto và The8th đều cử người vào HĐQT. Về việc này, ông Bolat Duisenov, Giám đốc Kusto Việt Nam, lên tiếng: “Chúng tôi xin khẳng định là không có ý đồ gì khác ngoài mong muốn Coteccons phát triển hơn nữa thông qua xây dựng hệ thống quản trị, kiểm soát, các chính sách lương thưởng minh bạch, rõ ràng. Kusto không hề có ý định nhảy vào can thiệp sâu vào công việc quản trị tại Coteccons”.

Sau đợt tái cơ cấu HĐQT, chỉ còn ông Nguyễn Bá Dương là người cũ tiếp tục điều hành Coteccons. Đồ hoạ: Tất Đạt
Sau đợt tái cơ cấu HĐQT, chỉ còn ông Nguyễn Bá Dương là người cũ tiếp tục điều hành Coteccons. Đồ hoạ: Tất Đạt

Về công tác quản trị, HĐQT cũng trình cổ đông thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ tại tờ trình số 2 về chỉnh sửa một số điều lệ của công ty. Cụ thể, HĐQT muốn thay đổi Khoản 3, Điều 31 quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Giám đốc, theo chiều hướng làm giảm quyền lực của vị trí này.

Sau khi được thông qua, ghế này từ việc có thể quyết định tất cả các vấn đề không cần phải có nghị quyết của HĐQT, giờ chỉ được quyết định trong pham vi được ủy quyền từ người đại diện pháp luật.

Ngoài tờ trình miễn nhiệm và thay thế thành viên HĐQT, Coteccons còn trình hội đồng cổ đông về tờ trình nhiễm miện hai thành viên của Ban Kiểm soát (BKS) là ông Luis Fernando Garcia Agraz, Trưởng Ban Kiểm soát và ông Đặng Hoài Nam, Thành viên Ban Kiểm soát. Đây là hai cá nhân đã ký Biên bản họp BKS tố giác một số hành vi của HĐQT mà BKS cho là sai phạm.

Tuy nhiên tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương bất ngờ đề xuất tạm thời rút tờ trình này. Lý do ông đưa ra là để dành thời gian tìm kiếm những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn thay thế. Toàn thể cổ đông tham dự cũng tán đồng với đề xuất của ông Dương.

Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương xin lỗi cổ đông vì kinh doanh giảm sút, bê bối mâu thuẫn nhà đầu tư ngoại

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương