Chứng khoán Mỹ đi ngang, S&P 500 có ba tuần tăng liên tiếp

Thị trường chứng khoán thế giới ghi nhận chứng khoán Mỹ đi ngang, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 14/8.

Tại thị trường Mỹ, một lần nữa S&P 500 lại thất bại trong việc phá đỉnh lịch sử. Nhà đầu tư xem xét kĩ dữ liệu kinh tế pha trộn giữa tích cực lẫn tiêu cực và tiếp tục hướng về Washington, để tìm manh mối về gói kích thích mới.

Phiên cuối tuần 14/8, S&P 500 giảm nhẹ 0,1% xuống 3.373 điểm, Nasdaq Composite sụt 0,21%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 34 điểm, tức 0,12%, đóng cửa đạt 27.931 điểm.

Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn chịu áp lực nhẹ gần cuối phiên giao dịch, Amazon và Alaphabet lần lượt mất 0,41% và 0,79%.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo CNBC, tính chung trong cả tuần, các chỉ số lớn đều tăng điểm. S&P 500 thêm 0,64%, ghi nhận tuần thứ ba đi lên liên tiếp. Dow Jones tăng 1,8% trong tuần này. Nasdaq nhích chưa đến 0,1% kể từ khi đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước.

S&P 500 chỉ còn cách đỉnh cao nhất mọi thời đại 0,6%. Trong tuần, S&P 500 đã vài lần tiến rất sát tới cột mốc này nhưng không thể bứt phá.

Thị trường giằng co trong tuần này khi nhà đầu tư xoay chuyển giữa các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa nền kinh tế.

Các thị trường chứng khoán ở châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 14/8, khi giới đầu tư quan ngại hơn về thế bế tắc của các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ. 

Kết thúc phiên giao dịch 14/8, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,2% lên 23.289,36 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1,2% lên 3.360,10 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,2% xuống 25.183,01 điểm, còn chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) để mất 1,23% (tương đương 30,04 điểm) xuống còn 2.407,49 điểm.

(Nguồn: TTXVN/KT&TD)

TRÚC BÌNH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương