Cổ phiếu khuyến nghị phiên 18/2: STK, ACB, POW, GIL

STK, ACB, POW, GIL là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên giao dịch 18/2, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị STK: Tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC): BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK – sàn HOSE) tại mức giá mục tiêu là 64.100 đồng/CP theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, tương đương mức lợi nhuận 21%, chưa bao gồm suất cổ tức dự phóng là 3%.

Hiện tại, STK đang giao dịch tại mức PE trượt 13x, là tương đối hấp dẫn so với tiềm năng trưởng giai đoạn 2021-2026 với CAGR 21%, theo dự phóng của chúng tôi.

Điểm nhấn đầu tư đến từ triển vọng tăng trưởng trong các năm tới nhờ các lợi thế cạnh tranh ngắn và trung hạn cho ngành dệt may nói chung, và ngành sợi polyester nói riêng: (1) chi phí nhân công, năng lượng cạnh tranh; (2) ưu đãi từ các FTAs thế hệ mới; (3) giảm áp lực cạnh tranh nhờ thuế CBPG đối với nhóm sản phẩm sợi polyester nhập khẩu (bao gồm sợi từ Trung Quốc, chiếm khoảng 70% nguồn cung Toàn cầu) cũng như việc Trung Quốc vẫn theo đuổi “Zero COVID”.

Khuyến nghị ACB: Khả quan với giá mục tiêu 41.800 đồng/CP

CTCK VNDIRECT (VND): Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE - Mã: ACB) ghi nhận thu nhập lãi thuần (NII) tăng 29,9% svck dựa trên tăng trưởng cho vay 16,2% svck và biên lãi thuần (NIM) tăng 36 điểm cơ bản. Kết hợp với thu nhập ngoài lãi (non-II) tăng 20,3% svck, tổng thu nhập hoạt động (TOI) đã tăng 29,7% svck.

Tỷ lệ chi phí/doanh thu hoạt động (CIR) giảm mạnh từ 42% xuống 33% đã phần nào làm giảm áp lực từ mức tăng mạnh 254,5% của chi phí trích lập dự phòng. LN ròng 2021 chỉ tăng 25% svck, thấp hơn so với dự báo của VND.

ACB đã chủ động tăng trích lập dự phòng mạnh mẽ trong năm vừa qua để đề phòng với rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới. Dự phòng tổn thất cho vay tăng 99% svck và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng vọt lên mức 209,4% cuối 2021 (2020 đạt 160,3%). Tuy nợ xấu tăng 52% svck do hệ quả của dịch bệnh nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát tốt (0,77% so với 0,59% cuối 2020).

ACB được biết đến là một ngân hàng tiêu biểu trong mảng bán lẻ (cho vay cá nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ) và đây vẫn sẽ là mảng kinh doanh chiến lược của ngân hàng trong dài hạn.

Với việc tiên phong trong mảng bán lẻ, ACB đã xây dựng được 1 lợi thế cạnh tranh khác biệt so với đối thủ dựa trên nền tảng vững chắc và kinh nghiệm dày dặn. VND kỳ vọng ACB sẽ tiếp tục tăng trưởng cho vay 17% svck trong giai đoạn 2022-23, trong đó mảng bán lẻ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng là 18%.

Bên cạnh đó, dựa vào tệp khách hàng lớn sẵn có và việc đầu tư mạnh vào hệ thống ngân hàng số, chúng tôi tin rằng ACB sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt ở thu nhập từ phí và hiệu quả hơn trong việc giảm chi phí hoạt động. Ngoài ra, chiến lược ưu tiên xây dựng chất lượng tài sản vững chắc và luôn cẩn trọng trong việc giải ngân cho vay sẽ giúp ACB vượt qua được những rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.

Theo đó, VND duy trì khuyến nghị Khả Quan cho cổ phiếu ACB với giá mục tiêu không đổi là 41.800đ/cp. VND ước tính ACB sẽ ghi nhận tăng trưởng LN là 25%/18% trong 2022-23. ACB đang giao dịch ở mức P/BV 1,6 lần, thấp hơn trung bình ngành 1,9 lần và tương đương mức -1 độ lệch chuẩn P/BV trung bình 5 năm.

Dựa trên những lợi thế và khả năng tăng trưởng tốt, chúng tôi cho rằng ACB xứng đáng được định giá lại ở mức P/BV trung bình 5 năm (1,9x). Giá mục tiêu của chúng tôi dựa trên sự kết hợp P/BV 1,9x và phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 14%, LTG: 3%). Tiềm năng tăng giá bao gồm biên lãi thuần cao hơn dự kiến.

Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp hơn và (ii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến

Khuyến nghị POW: Hạ xuống trung lập với giá mục tiêu 19.200 đồng/CP

CTCK VNDIRECT (VND): Sản lượng điện Q4 của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HOSE - Mã: POW) giảm 38% svck xuống 2.522 triệu kWh ảnh hưởng bởi phụ tải thấp tại miền Nam, dẫn đến sản lượng huy động thấp. Giá bán điện bình quân giảm 16% do tỷ trọng sản lượng nhiệt điện giảm mạnh.

Doanh thu quý 4/2021 do đó giảm 55% svck xuống 3.598 tỷ đồng, và công ty ghi nhận lỗ gộp 326 tỷ đồng do giá khí tăng cao đã ăn mòn biên LN gộp. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 184% svck do công ty ghi nhận khoản thanh toán nợ phải thu 742 tỷ từ EVN, doanh thu tài chính tăng 28 lần do nhận cổ tức từ công ty con. POW ghi nhận lỗ ròng 62,7 tỷ đồng (-106% svck)

Tính cả năm 2021, doanh thu giảm 17% svck xuống 24.565 tỷ đồng do kết quả kém tại mảng nhiệt điện, dẫn đến mức giảm 25% svck lãi ròng xuống còn 1.778 tỷ đồng, hoàn thành 76% dự phóng của chúng tôi.

Ban lãnh đạo POW đặt ra mục tiêu LN ròng 900 tỷ cho năm 2022 (-49% svck) do những lo ngại về ngành điện tiếp tục gặp khó. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng LN ròng 2022 sẽ chỉ giảm 1% svck đạt 1.764 tỷ đồng với dự báo về một mức tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc cao hơn sẽ giúp sản lượng điện khí hồi phục 22% svck và biên LN gộp tăng 2 điểm %. VND dự báo sản lượng năm 2022 sẽ giảm 2,3% svck xuống 14,9 tỷ kWh do sự cố Vũng Áng 1 và sản lượng thủy điện sẽ giảm 18,5% svck do pha La Nina kết thúc.

Trong năm 2023/2024, sản lượng sẽ phục hồi mạnh 26,8%/31,2% svck do kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ điện Việt Nam sẽ tăng mạnh cùng với sự đóng góp từ Nhơn Trạch 3 trong năm 2024. Doanh thu nhờ đó tăng lần lượt 26,1%/37,4% svck, đạt 32.218 tỷ đồng và 44.280 tỷ đồng trong năm 2023/24. LN ròng được dự báo sẽ tăng lần lượt 44,0% svck và 44,5% svck trong năm 2023/24.

Theo đó, VND hạ khuyến nghị xuống Trung lập đối với cổ phiếu POW với giá mục tiêu cao hơn 19.200đ/cp. VND nâng giá mục tiêu cho POW lên 28% sv báo cáo trước do (1) VND chuyển định giá DCF sang năm 2022, (2) VND điều chỉnh dự phóng EPS năm 2022/23/24 lần lượt -37,1%/-12,3%/+29,6%. Động lực tăng giá là sản lượng được huy động nhiều hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá là tiến độ hoàn thành Nhơn Trạch 3&4 lâu hơn kỳ vọng.

Khuyến nghị GIL: Có thể tiếp tục nắm giữ ở mức giá hiện tại

CTCK Yuanta Việt Nam (FSC): Mức Stock Rating của GIL (CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh – sàn HOSE) ở mức 77 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TRUNG TÍNH mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của GIL đóng cửa phiên 16/2 tăng 5,3% và đạt mức cao nhất 52 tuần với KLGD tăng mạnh so với mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục xác lập các mức cao mới.

Ngoài ra, đồ thị tuần cũng có dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn tích lũy cho nên FSC kỳ vọng dòng tiền sẽ cải thiện hơn ở những tuần giao dịch tới.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã xuất hiện điểm mua ngắn hạn vào ngày 06/01/2022 với lợi nhuận tạm tính 10,81%. Do đó, các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ cổ phiếu GIL ở mức giá hiện tại.

Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Lưu ý!

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương