Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, trong quý I/2022, cơ quan này đã trả lại gần 10.900 hồ sơ trong tổng số hơn 48.300 hồ sơ liên quan tới đất đai phần lớn do khai giá chưa phù hợp, tương đương tỷ lệ 22%, tức là cứ 5 hồ sơ nộp lên thì có 1 hồ sơ bị trả về để điều chỉnh lại.
Trong đó, riêng Chi cục Thuế TP. Thủ Đức trả lại gần 2.000 hồ sơ trong tổng số hơn 10.700 hồ sơ tiếp nhận.
Một phó giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản tại TP.HCM cho biết, tình trạng kê khai “nhà 2 giá” đã giảm mạnh sau động thái siết lại việc tính thuế giao dịch nhà đất do cả người bán lẫn người mua đều e ngại bị trả hồ sơ yêu cầu kê khai lại giá kèm các thủ tục rườm rà.
Tuy vậy, theo vị này, việc so sánh khung giá thị trường và giá trị chuyển nhượng sẽ xảy ra những trường hợp chưa “khớp” với nhau, gây khó khăn cho người giao dịch bởi giá biến động rất nhanh do chịu tác động của nhiều yếu tố.
Đặc biệt, sau dịch, nhiều trường hợp kẹt tiền, nợ ngân hàng… nên cần bán gấp sẽ chấp nhận bán với giá thấp hơn so với mặt bằng chung hoặc thấp hơn nhiều so với những căn nhà trong cùng khu vực. Với những trường hợp này, nếu máy móc áp dụng giá thị trường sẽ khiến cả người bán lẫn người mua gặp khó, hoạt động chuyển nhượng sẽ bị kéo dài.
Ông Thân Thiết Sơn, Chi cục phó Chi cục Thuế TP. Thủ Đức cho biết, lâu nay, người dân thường chuyển nhượng nhà đất theo giá thị trường ở mức cao, nhưng khi khai với cơ quan thuế lại báo giá thấp nhằm giảm số thuế phải nộp. Sau khi ngành thuế siết lại việc tính thuế chuyển nhượng bất động sản, tình trạng kê khai 2 giá khi mua bán nhà đất đã giảm, ngân sách nhà nước tăng thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, song điều này cũng khiến khối lượng công việc của cơ quan thuế tăng lên rất nhiều, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ bị chậm trễ.
“Chi cục Thuế TP. Thủ Đức đã phân công 15 cán bộ chỉ chuyên giải quyết hồ sơ nhà đất mà còn mất nhiều thời gian để xử lý, nay lại thêm nhiều công đoạn như xác định giá phù hợp, thuyết phục người dân khai đúng giá bán… nên càng quá tải”, ông Sơn nói.
việc dùng từ xác định “giá thị trường” trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản như các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hiện nay chưa hẳn chính xác bởi rất khó để xác định đâu là giá thị trường, thay vào đó nên dùng từ “giá thỏa thuận” sẽ phù hợp hơn.
Được biết, để tính đúng giá trị kê khai trong hợp đồng mua bán bất động sản, cơ quan thuế dựa vào 3 nguồn dữ liệu chính gồm lịch sử giao dịch được kê khai trong thời gian gần nhất; số hồ sơ đã kê khai và nộp tại cơ quan thuế của các bất động sản có vị trí tương đồng; tra cứu giá phê duyệt của UBND thành phố đối với các dự án, hoặc giá đền bù thực tế của Nhà nước, giá trên các website giao dịch… Tuy nhiên, không phải chi cục thuế nào cũng làm giống nhau ở cách “xác định giá đúng” nên việc giải quyết hồ sơ bị kéo dài.
Theo Tổng cục Thuế, trong quý I/2022, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên cả nước đạt 8.209 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng 3.200 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, Cục thuế TP.HCM thu thêm được 147 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động này, bằng 83% cả năm 2021, riêng Chi cục thuế TP. Thủ Đức tăng thu được 92,5 tỷ đồng.
Tổng Hợp