Có vẻ như bất động sản vẫn là kênh đầu tư hiệu quả nhất ở thời điểm này?

Trong thời điểm hiện nay, lãi suất tiền gửi ở mức không hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Dòng tiền nhàn rỗi trong dân vẫn còn. Đầu tư bất động sản thì thường giá trị bảo toàn hoặc có thể gia tăng.

Từ năm 2020, có sự chững lại với bất động sản nghỉ dưỡng chẳng hạn. Hoặc trong năm 2020 chúng ta đối mặt với tình huống không đi lại được thì có thể thấy những bất động sản ven đô thị lớn đã có sự thu hút nhất định. Nhưng các nhà đầu tư cũng cần nhìn nhận khi tham gia bất kỳ thị trường nào cũng cần xem xét đầy đủ các yếu tố.

Ví dụ như muốn làm nghỉ dưỡng được thì cần phải hội tụ những vấn đề về hạ tầng, kết nối, có điểm đến thu hút khách không… thì mới có thể đảm bảo các dòng bất động sản đầu tư thành công. Nếu không dễ rơi vào tình trạng thanh khoản kém, tăng giá ảo. Khi đầu tư cần lưu ý tìm các chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm. Điều này giúp cho khách hàng tính toán được cả các yếu tố mà bản thân họ không lường hết trước được. Sản phẩm của các chủ đầu tư uy tín cũng thường sẽ đảm bảo giá trị, ngay cả khi mua sử dụng. Các chủ đầu tư uy tín sẽ đảm bảo các yếu tố vận hành. Khi vận hành có trục trặc, mâu thuẫn sẽ làm cho người sử dụng không thoải mái, không như kỳ vọng.

Năm 2021, nhiều dòng sản phẩm thiết lập mặt bằng giá mới, biên lợi nhuận đầu tư không còn lớn. Nếu muốn tham gia thị trường thì chúng tôi thường tư vấn nên tìm các dự án của chủ đầu tư uy tín, tham gia sản phẩm hình thành trong tương lai. Với việc tham gia từ giai đoạn đầu, số tiền bỏ ra sẽ vừa phải, qua thời gian thì giảm áp lực về dòng tiền thay vì phải thanh toán hết trong một thời gian ngắn. Còn nếu các nhà đầu tư chọn lựa đầu tư thời gian ngắn, lướt sóng thì sẽ rất nhiều bài học chúng ta đã thấy. Cần lưu ý những nơi có mặt bằng giá cao rồi, tăng nhiều rồi thì mua vào thì dễ, thanh khoản thì khó.

Trong 2021, chúng ta nhận thấy tình trạng ở một số nơi, một số địa phương - không phải tất cả - có lượng đầu tư đất đai lớn. Lý giải cho tình trạng sốt này, có thể thấy khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp khiến việc kinh doanh khó khăn, lượng tiền nhàn rỗi trong dân vẫn còn. Số lượng kênh đầu tư hấp dẫn không có nhiều. Trong khi đó, suất tiền gửi thấp khiến nhà đầu tư phải cân nhắc đầu tư vào đâu để có kỳ vọng lợi nhuận nhiều hơn.

Năm 2022, khó có thể xảy ra bong bóng bất động sản. Bởi chúng ta có những kinh nghiệm từ những năm trước đây rồi, chính quyền cũng đã có những biện pháp cảnh báo, Nhà nước cũng có những chính sách điều chỉnh từ Trung ương đến địa phương cùng với những công cụ điều chỉnh để hạn chế bong bóng. Tôi cho rằng năm nay có thể vẫn còn hiện tượng sốt, giá ảo nhưng cũng chỉ cục bộ chứ không diễn ra trên diện rộng. Bản thân các nhà đầu tư cũng thông thái hơn, kinh nghiệm hơn. Khi các dự án giá cao quá rồi thì các nhà đầu tư họ cũng không bất chấp để tham gia. Việc mua đi bán lại để đẩy giá lên khiến tính thanh khoản rất hạn chế. Nhà đầu tư họ cũng nhìn thấy được giá trị thực, tiềm năng phát triển khu vực đó ở ngưỡng nào.

Những ai mà làm giá, đẩy giá lên nhiều thì đều cho kết quả về thanh khoản không tốt. Đẩy lên nhưng không có giao dịch. Nếu đứng từ góc độ chủ đầu tư thì càng không nên chọn cách này. Làm như nào để dự án có thanh khoản tốt mới thành công, còn vượt xa giá trị thực thì bản thân họ cũng sẽ có rủi ro. Từ góc độ những bên tham gia vào thị trường cũng phải có những ứng xử phù hợp.

Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường bất động sản quý IV/2021, trong đó đề cập tới giá nhà ở và một số loại bất động sản khác. Theo báo cáo, mặc dù nền kinh tế có sự giảm phát do ảnh hưởng của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm cuối quý I, đầu quý II/2021 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại một số địa điểm ở một số địa phương vùng ven.

Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền "nóng" cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn như thông tin quy hoạch sân bay Téc-níc tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng...

Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt. Nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản là khó xảy ra. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lo ngại đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022. "Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009)", Bộ Xây dựng nhận định.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cũng đã đề cập tới giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực khi nhiều "cò đất", môi giới vẫn vin vào cái cớ về gói phục hồi với lượng tiền bơm ra để đồn thổi về nguy cơ lạm phát, rồi thị trường bất động sản sẽ tăng giá để kích thích người mua.

Tổng Hợp