Công ty bất động sản nào có doanh thu lớn nhất quý 3?

Trong quý 3/2022, 32 doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết ghi nhận lãi ròng tăng trưởng. Xét trong 9 tháng đầu năm, con số này là 27 doanh nghiệp.

Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán gần như đã hoàn thiện khi có gần 90 đơn vị công bố quý 3/2022.

Theo số liệu cập nhật tới ngày 4/11, khoảng 50% doanh nghiệp có tăng trưởng doanh thu và 86,5% doanh nghiệp tăng trưởng về lợi nhuận quý vừa qua.

10 công ty có doanh thu lớn nhất

Đứng đầu danh sách tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận là Tổng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (mã chứng khoán: SGR) khi doanh thu thuần gấp 178 lần so với cùng kỳ năm 2021. Quý vừa qua, công ty này ghi nhận 541,98 tỷ đồng lợi nhuận trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 3,05 tỷ đồng.

Theo thông tin giải trình gửi lên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), doanh thu thuần trong báo cáo tài chính hợp nhất tăng do tăng doanh thu dự án tại công ty mẹ. Công ty này hiện là chủ đầu tư của các dự án như Khu cư dân Phú Hội - Nhơn Trạch, chung cư An Phú River View, Chung cư Phú Định Riverside, Khu đô thị mới Nghĩa Hà - Quảng Ngãi...

Xếp thứ 2 trong danh sách là Công ty cổ phần DRH Holdings (mã chứng khoán: DRH) khi có mức doanh thu gấp 45 lần cùng kỳ. Doanh thu quý 3 vừa qua của DRH đạt mức 9,47 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt... 210 triệu đồng.

Tuy vậy, toàn bộ doanh thu của DRH Holdings đến từ cung cấp dịch vụ. Mảng bất động sản không đóng góp đồng doanh thu nào cho công ty mặc dù đây là mảng kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. DRH Holdings là chủ đầu tư của một số dự án như D-Vela Residences, Aurora Residences, Central Garden, Sybio Garden, theo Dân trí.

Những đơn vị bất động sản khác có doanh thu thuần tăng mạnh khác có thể kể đến như: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG) gấp 26 lần, Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã: NBB) gấp 22 lần, ANI (mã: SIC) gấp 15 lần, Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã: HAR) gấp 9 lần, Long Hậu (mã: LHG) gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong danh sách 10 doanh nghiệp tăng trưởng về doanh thu quý 3, Nam Long là đơn vị có vốn hóa lớn nhất, gần 9.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác đều có mức vốn hóa dưới 4.000 tỷ đồng. Thậm chí bé nhất là Công ty cổ phần Thế kỷ 21 (mã: C21) vốn hóa khoảng 234 tỷ đồng.

10 công ty có lợi nhuận lớn nhất

Đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận ròng là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã: HAR) với con số gấp 131 lần cùng kỳ năm ngoái. Quý vừa rồi doanh nghiệp này ghi nhận 3,92 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong khi năm ngoái chỉ thu về cỡ 30 triệu đồng. Một số dự án của công ty này có thể kể đến như Khu biệt thự phức hợp Thảo Điền Midpoint Villas, Hệ thống trường song ngữ Việt Mỹ Vass,...

Nhờ doanh thu tăng mạnh nên 5 doanh nghiệp với các mã chứng khoán gồm AGG, LHG, SIC, VRG, DRH tiếp tục nằm trong danh sách những công ty có tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất quý 3.

Tuy không nằm trong top tăng trưởng doanh thu nhưng 2 "ông lớn" bất động sản gồm Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (mã chứng khoán: BCM) lại nằm trong top về tăng trưởng lợi nhuận.

Cụ thể, trong quý 3 vừa qua, lãi ròng của Vincom Retail gấp 33 lần cùng kỳ năm 2021 khi đạt 793 tỷ đồng. Trong khi năm ngoái các trung tâm thương mại của Vincom Retail buộc phải đóng cửa do giãn cách xã hội nên quý 3/2021 chỉ đạt khoảng 24 tỷ đồng.

Với Becamex, nhờ hoạt động cốt lõi tăng trưởng nên lợi nhuận ròng cũng bứt phá trong quý 3 khi đạt mức 259 tỷ đồng, gấp 5 lần so với con số 50 tỷ đồng năm ngoái. Kết quả kinh doanh của Becamex tích cực do hưởng lợi chung từ xu hướng tích cực của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.

Ngoài ra, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) là doanh nghiệp bất động sản niêm yết duy nhất có lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong quý 3. Doanh nghiệp đã bàn giao 1.300 căn thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire vào cuối tháng 9, sau 5 tháng khởi công.

Bên cạnh đó, doanh thu từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản đóng góp 30.719 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ, được ghi nhận vào doanh thu tài chính của Vinhomes.

Kết quả doanh nghiệp ghi nhận 17.805 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 14.494 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3, giảm 14% về doanh thu nhưng tăng 30% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cho thấy, lãi ròng quý 3 của doanh nghiệp tăng 18% lên 711 tỷ đồng, được đóng góp chính từ nguồn thu gần 1.250 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 46% cổ phần tại CTCP Địa ốc Sài Gòn - KL (chủ đầu tư dự án Astral City, Bình Dương). Doanh thu thuần trong quý của doanh nghiệp giảm còn 11 tỷ đồng so với con số 1.267 tỷ đồng doanh thu ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Cuối tháng 9, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH) đã mở bán đợt 1 dự án The Classia với 100 căn biệt thự - nhà phố với kết quả bán hàng đạt 96%. Song, lợi nhuận tăng trưởng trong quý của doanh nghiệp được đóng góp chủ yếu từ tiền bồi thường chấm dứt hợp đồng 123 tỷ đồng. Lãi ròng của doanh nghiệp tăng 11% lên 352 tỷ đồng.

Hoạt động bán hàng của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) giảm nhẹ trong kỳ kế toán quý 3. Nhờ nguồn thu hơn 190 tỷ đồng từ thanh lý đầu tư nên lãi ròng trong quý của Đất Xanh gấp 3 lần cùng kỳ với hơn 153 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp khác như CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) ghi nhận doanh thu bất động sản ở mức thấp. Thay vào đó, mảng năng lượng (thủy điện, điện mặt trời và điện gió) đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quý, Hà Đô ghi nhận doanh thu thuần tăng 32% lên gần 838 tỷ đồng và lãi ròng tăng hơn 10% lên hơn 251 tỷ đồng.

Các số liệu công bố cũng cho thấy, trong nhiều kỳ kế toán gần đây, mặc dù kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng nhưng dòng tiền kinh doanh liên tục âm, chủ yếu tăng mạnh các khoản phải thu, phải trả và tồn kho. Một số doanh nghiệp đã phải tăng nợ vay để cân đối dòng tiền.

Nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục nỗ lực trong hoạt động bán hàng cho mùa cao điểm quý 4. Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, "sau diễn biến lãi suất tăng, tín dụng hẹp cửa và tâm lý tiêu dùng yếu thì thanh khoản thị trường cuối năm là điều rất khó phán đoán. Người mua nhà nếu không có sự hỗ trợ tài chính sẽ rất khó, thị trường khi đó sẽ mắc kẹt trong việc khơi thông thanh khoản".

(Tổng hợp)

AN LY