Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) khai mạc ngày 30/11 và kéo dài đến ngày 12/12 tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE).
Theo các cơ quan truyền thông, vấn đề hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khí thải carbon và quỹ bồi thường khí hậu sẽ chiếm phần lớn chương trình nghị sự của hội nghị lần này.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Sultan Al Jaber – Chủ tịch COP28 – cho biết UAE tự hào là quốc gia tổ chức COP28 vào thời điểm then chốt của các vấn đề khí hậu. Ông cũng kêu gọi các đại biểu tham dự hội nghị thảo luận tự do và cởi mở, làm việc với một tư duy khác và lối suy nghĩ khác.
Mặc dù vẫn chưa có dữ liệu hết năm 2023, nhưng WMO sớm ban hành dự thảo báo cáo Hiện trạng Khí hậu toàn cầu để thông báo cho hội nghị ở Dubai.
Tại hội nghị, giới chức ngoại giao và lãnh đạo các nước đang cố gắng đàm phán các kế hoạch nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu, tránh xa nhiên liệu hóa thạch đang làm Trái đất nóng lên một cách nguy hiểm.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho hay: "Sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải rùng mình. Báo cáo ngày hôm nay cho thấy chúng ta đang gặp rắc rối lớn. Các nhà lãnh đạo phải giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng đó, bắt đầu từ COP28".
Trước đó, trong nhiều tháng liền của năm 2023, các nhà khoa học đã dự đoán năm nay sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Mùa hè ở Bắc bán cầu hồi tháng 7 là tháng nóng nhất trong lịch sử. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng nhiệt độ khắc nghiệt ở Bắc Mỹ và châu Âu sẽ "không thể xảy ra" nếu không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Các dữ liệu phân tích của các nhà khoa học Australia và liên minh khí tượng quốc tế cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng nhiệt độ đáng kể trên khắp thế giới.
Ngay trong ngày đầu tiên của COP28, quỹ bồi thường khí hậu cho các nước dễ bị tổn thương cũng đã được khởi động. Nhiều quốc gia và tổ chức đã cam kết sẽ đóng góp vào quỹ.
Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ góp 246 triệu USD, UAE sẽ góp 100 triệu USD, Anh sẽ góp 40 triệu USD, Mỹ sẽ góp 17,5 triệu USD và Nhật sẽ góp 10 triệu USD.
Trong lễ khai mạc Hội nghị COP28, các đại biểu cũng dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas.
"Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ trong chương trình nghị sự về khí hậu, chúng ta phải áp dụng tầm nhìn tích cực. Chúng ta phải chuyển những kết quả đã đàm phán thành kết quả trong thế giới thực. Chúng ta phải sử dụng hai tuần tới một cách khôn ngoan. Hãy cùng khôi phục niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và mang tin tốt lành cho thế giới" – ông Jaber nói.
(Tổng hợp)