COVID-19 làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường ở trẻ em

Theo kết quả một nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, trẻ em phục hồi sau mắc COVID-19 dường như có nguy cơ bị bệnh đái tháo đường type 1 hoặc type 2 cao hơn.

Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường hậu COVID-19 tăng 30%

Các nhà nghiên cứu của CDC Mỹ đã tiến hành phân tích dữ liệu được thu thập qua các chương trình giám sát sức khỏe. Theo đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng 2,6 lần số ca mắc bệnh đái tháo đường mới ở trẻ em. Kết quả phân tích bộ dữ liệu thứ hai cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng 30%.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Sharon Saydah, chuyên gia của CDC Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng 30% là điều đáng lo ngại.

Kết quả phân tích theo tình trạng mắc COVID-19 cho thấy có sự gia tăng bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 ở cả nhóm trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng và nhóm trẻ không có biểu hiện triệu chứng nhưng xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa rõ bệnh đái tháo đường type 2 sau mắc COVID-19 có trở thành bệnh lý mạn tính hay không, hay chỉ là rối loạn tạm thời có thể giải quyết được vì nhóm trẻ em mới chỉ được theo dõi trong khoảng 4 tháng.

Theo các chuyên gia, các biểu hiện và triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường bao gồm tăng cảm giác khát, đi tiểu thường xuyên hơn, tăng cảm giác đói, sụt cân không mong muốn, đau dạ dày, buồn nôn, nôn và mệt mỏi.

20210920_rat-nhieu-tre-nho-mac-benh-dai-thao-duong.jpg

Giải pháp đối phó

Trong giai đoạn đại dịch, mắc COVID-19 đã được biết có liên quan tới khả năng gây trầm trọng hơn các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, và những người bị bệnh đái tháo đường cũng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn mắc COVID-19 trầm trọng.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã phát hiện ra sự gia tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường ở những người trưởng thành mắc COVID-19, và các nhà nghiên cứu ở châu Âu đã báo cáo sự gia tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em mắc COVID-19.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới này của CDC Mỹ là nghiên cứu đầu tiên cho thấy có sự gia tăng nguy cơ đối với cả bệnh đái tháo đường type 1 và type 2 ở trẻ em mắc COVID-19.

Các nhà nghiên cứu cho biết COVID-19 có thể gây tổn thương các hệ thống cơ quan trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Virus SARS-CoV-2 cũng có thể tấn công trực tiếp các tế bào tụy, và gây đường huyết tăng cao trong quá trình mắc bệnh, đồng thời làm thay đổi quá trình chuyển hóa glucose.

Tăng cân liên quan đến đại dịch và thói quen ít vận động trong đại dịch cũng có thể đóng vai trò nhất định trong việc thúc đẩy tình trạng tiền đái tháo đường chuyển thành bệnh đái tháo đường.

Theo các chuyên gia, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tầm quan trọng của nhiều yếu tố, bao gồm việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả trẻ em đủ điều kiện tiêm chủng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn để bảo vệ những trẻ nhỏ hơn chưa đủ điều kiện tiêm chủng, và theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trong thời gian dài sau khi bị mắc COVID-19.

Theo Sức khỏe và Đời sống, các nhà nghiên cứu khuyến cáo bác sĩ lâm sàng về lĩnh vực này cần nhận thức rõ những hậu quả lâu dài của COVID-19 và nên theo dõi những người dưới 18 tuổi trong nhiều tháng sau mắc COVID-19 nhằm kịp thời phát hiện nguy cơ bệnh đái tháo đường mới khởi phát. 

(Tổng hợp)

HẢI MY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương