COVID-19 sáng 11/10: Không có ca mắc mới, TP.HCM yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch

Cập nhật lúc 6h ngày 11/10, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới nhưng không nên lơ là phòng dịch vì một làn sóng COVID-19 mới đang có nguy cơ trở lại.

Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 39 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng. Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 54 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 71 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.

Hiện, Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.887 người. 

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị-  Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.024 bệnh nhân mắc COVID-19.

COVID-19 sáng 11/10: Không có ca mắc mới, TP.HCM yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 5 ca, số ca âm tính lần 3 là 10 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

TP.HCM yêu cầu người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch

UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành, quận huyện, phường, xã, thị trấn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng. Hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Theo đó, các cấp các ngành, đơn vị phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch trong phạm vi quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, chú trọng công tác phòng chống dịch tại địa bàn tập trung đông người như khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly.

Mọi người không nên lơ là trong công tác phòng dịch và phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ảnh: Nhật Sang
Mọi người không nên lơ là trong công tác phòng dịch và phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Ảnh: Nhật Sang

UBND TP đặc biệt giao trọng trách cho ngành y tế TP chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, không để xảy ra “làn sóng dịch bệnh thứ ba” trên địa bàn TP. 

Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, khai báo y tế, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác

Sở Y tế TP.HCM cũng vừa đề nghị Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang đón chuyên gia về địa phương cách ly theo quy định, không cách ly tại TP.HCM. Theo đó, nhằm tạo điều kiện, tránh phát sinh thủ tục không cần thiết trong tổ chức cách ly y tế cho chuyên gia người nước ngoài do đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh, thành mời vào làm việc khi nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất.

Tình hình COVID-19 trên thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 9/10, trên thế giới có tổng cộng 37.433.823 ca mắc bệnh COVID-19 và 1.077.086 ca tử vong. Số ca bình phục là 28.073.319 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 7.941.941 ca mắc và 219.244 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 7.051.543 ca mắc và 108.371 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với 5.082.637 ca mắc và 150.198 ca tử vong.

Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở châu Âu khi số ca mắc mới trong ngày tăng mạnh. Cụ thể, trong vòng 24 giờ, Nga ghi nhận số ca mắc mới là 12.846 ca, nâng tổng số ca bệnh lên thành 1.285.084 ca. Tương tự, số ca mắc mới trong ngày ở vương quốc Anh là 15.166 ca và ở Pháp lên đến 26.896 ca.

Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 cũng đang nóng lên tại nhiều nước Đông Nam Á với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Hôm nay, Philippines ghi nhận 2.249 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên thành 336.926 ca. 

Hiện, Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận số ca bệnh mới trong ngày tăng cao với 4.294 ca. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác với 11.765 ca tử vong. 

Các quốc gia đều đang “chạy đua” để đưa vắc xin COVID-19 ra thị trường. Mới đây, Chính phủ Mỹ đã ký một thỏa thuận trị giá 486 triệu USD với công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia AstraZeneca để mua thuốc điều trị COVID-19.

Theo Reuters, đây là thỏa thuận nhằm phát triển và đảm bảo nguồn cung cấp lên đến 100.000 liều thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bằng kháng thể. Trong khi đó, một nhóm thuốc tương tự đã được sử dụng để điều trị COVID-19 cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.

COVID-19 sáng 11/10: Không có ca mắc mới, TP.HCM yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch

Theo thỏa thuận, cơ quan Y tế Mỹ sẽ cung cấp tài chính cho AstraZeneca để thực hiện hai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo chương trình Operation Warp Speed nhằm tăng tốc sản xuất thuốc điều trị và vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao như những người trên 80 tuổi, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cho biết. 

Vừa qua, cơ quan Chống độc quyền của Nga đã thông báo giá bán một liều vắc xin Sputnik V dưới 1.000 rup (dưới 299.000 đồng/liều), sẽ tung ra thị trường vào cuối tháng 10.

Đây là loại vắc xin được Bộ Y tế Nga đăng ký vào ngày 11/8, và trở thành vắc xin ngừa COVID-19 được đăng ký đầu tiên trên thị trường. 

Nguồn tin từ đài truyền hình RT (Nga) cho biết, vắc xin Sputnik V của Nga sẽ có giá thấp hơn 1.000 rúp/liều (tương đương 299.000 đồng). Mức giá của vắc xin này được cho là khá cao, và được giải thích vì chúng được sản xuất với số lượng tương đối nhỏ, và doanh nghiệp cần vốn để mở rộng sản xuất.

Chi phí của mỗi liều vắc xin sẽ giảm khi quy mô sản xuất tăng lên và chúng sẵn có trên thị trường hơn. Nga cũng sẽ xem xét lại giá bán khi các nước khác sản xuất phiên bản vắc xin ngừa COVID-19 của riêng họ. 

NHẬT SANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương