'Cú đấm tổng hợp' có mang lại 'phép màu' cho kinh tế Trung Quốc?

Trung Quốc sẽ áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ trên cả ba thị trường tín dụng, tài chính và chứng khoán để thúc đẩy kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ chỉ mang lại thành công một nửa và Bắc Kinh sẽ vẫn phải cần nhiều hơn các chính sách tài chính để vực dậy lòng tin của người tiêu dùng.

Tờ Liên hợp Buổi sáng mới đây đã dẫn phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng cho biết, PBoC tới đây sẽ áp dụng một loạt chính sách như giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất thế chấp, hạ mức trả trước tối thiểu đối với các khoản vay mua căn nhà thứ hai trên toàn quốc từ 25% xuống còn 15% và nâng mức hỗ trợ của ngân hàng cho việc mua nhà ở xã hội từ 60% lên 100%. 

Với thị trường tài chính, PBoC cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, mức cắt giảm lớn nhất từ năm 2020 đến nay và động thái này sẽ bơm thêm khoảng 1.000 tỷ NDT (khoảng 141,7 tỷ USD) cho thanh khoản dài hạn. 

Đây là lần đầu tiên trong vòng 10 năm trở lại đây, PBoC đồng thời áp dụng các biện pháp hạ lãi suất và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngoài các chính sách kể trên, ông Phan Công Thắng cũng cho biết, PBoC đang cân nhắc giải ngân khoảng 800 tỷ NDT (khoảng 113 tỷ USD) để hỗ trợ thanh khoản và bình ổn thị trường chứng khoán.

'Cú đấm tổng hợp' có mang lại 'phép màu' cho kinh tế Trung Quốc?- Ảnh 1.

Trung Quốc cần nhiều chính sách hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Phân tích về các chính sách trên, chuyên gia kinh tế Trần Ba của Trường Đại học Liêu Ninh (Trung Quốc) cho rằng, đây là trường hợp khá hiếm gặp khi Trung Quốc đồng loạt tung ra các biện pháp kích thích và nới lỏng tiền tệ trên cả ba lĩnh vực tín dụng, tài chính và chứng khoán.

Ông Mã Hồng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Guangkai, cho biết các cơ quan quản lý đã đưa ra các điều chỉnh về lãi suất cho vay mua nhà ở và tỷ lệ trả trước đối với ngôi nhà thứ hai, đây là tín hiệu tích cực để ổn định thị trường bất động sản dưới hình thức chính sách "cú đấm tổng hợp". 

Ông Mã Hồng dự kiến các ngân hàng thương mại trên cả nước sẽ nhanh chóng theo dõi chính sách của PBoC và giảm lãi suất đối với các khoản vay mua nhà ở cá nhân. Chính sách mới sẽ hỗ trợ phân cấp nhà ở thương mại trên cả nước, được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hoạt động của thị trường nhà ở thương mại theo hướng cân bằng cung-cầu, thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản.

Ông Lưu Đào, một nhà nghiên cứu cấp cao khác tại Viện nghiên cứu Guangkai, cho rằng việc tung ra "cú đấm tổng hợp" chính sách tiền tệ nói trên cho thấy trong bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu hiện nay chuyển sang nới lỏng, "tông điệu" của chính sách tiền tệ của Trung Quốc về cơ bản là điều chỉnh theo hướng "nới lỏng vừa phải", giúp nền kinh tế ổn định tốt hơn.

Trên phương diện khác, chuyên gia nghiên cứu và chiến lược của ngân hàng OCBC (Singapore) Tommy Xie cũng kỳ vọng, các chính sách kích thích kinh tế lần này có thể giúp đảo ngược vòng xoáy đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí còn mang lại những kết quả ngoài mong đợi. 

Chuyên gia này nhấn mạnh, mặc dù những biện pháp cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ dùng để ngăn chặn kinh tế suy giảm quá mạnh, nhưng lần này đã được Trung Quốc đưa ra áp dụng đủ để cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh trong việc ngăn chặn vòng xoáy kinh tế đi xuống.

Tuy vậy, chuyên gia của OCBC Tommy Xie tỏ ra nghi ngại khi cho rằng căn nguyên của tình trạng suy yếu của kinh tế Trung Quốc hiện nay đang nằm ở chỗ lòng tin của người tiêu dùng sụt giảm, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp chậm chạp và tiềm lực tài chính của địa phương thiếu hụt… 

Do vậy, những giải pháp kể trên có thể chỉ đem lại thành công một nửa và để hoàn thiện nốt phần còn lại, Bắc Kinh sẽ tiếp tục phải áp dụng nhiều hơn các chính sách tài chính để vực dậy lòng tin của người tiêu dùng, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong việc tái đầu tư mở rộng sản xuất và kinh doanh.

Trung Quốc mới đây đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế tháng 8/2024, trong đó có nhiều chỉ số thấp hơn mức dự kiến, khiến cho dư luận không khỏi lo ngại về việc liệu nước này có thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% như đã đề ra hay không.

(Nguồn: TTXVN)

CHẤN HƯNG