Cựu Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam bị đề nghị truy tố

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Trần Văn Nam và nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương, do có nhiều sai phạm liên quan đến 43ha “đất vàng" của Tổng công ty 3/2, gây thiệt hại nghìn tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận vụ án, đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), ông Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch tỉnh này) và 19 bị can liên quan đến những sai phạm trong quản lý, chuyển nhượng đất gây thất thoát tài sản Nhà nước, xảy ra tại Tổng công ty 3/2.

Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Ngoài cựu bí thư và chủ tịch tỉnh Bình Dương, hơn 10 cựu lãnh đạo tỉnh này đã bị cách chức, khởi tố do liên quan vụ án.

Theo hồ sơ của Cơ quan điều tra, năm 2012, khi ông Nam làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký văn bản về tính tiền sử dụng đất đối với Tổng công ty 3-2. Khi đó, ông Lê Thanh Cung là chủ tịch UBND tỉnh.

z2697669088654_076ecb48b6ac10a89bfe03954fd0149a.jpg
Ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư tỉnh Bình Dương. Ảnh: Internet

Kết quả điều tra xác định, ông Nam chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Tổng công ty 3-2 đã chuyển nhượng khu đất 43ha sang cho liên doanh mới. Tuy nhiên, dù hợp đồng chuyển nhượng được ký vào năm 2016 nhưng hai bên vẫn lấy giá theo thỏa thuận góp vốn năm 2010, thấp hơn bảng giá đất nhà nước.

Cụ thể, từ năm 2010, giá đất của 43ha đã được xác định là 570.000 đồng/m2, nhưng 6 năm sau (2016) giá đất mà Tổng công ty 3-2 ký chuyển nhượng vẫn là 570.000 đồng/m2. Trong khi đó, hằng năm UBND tỉnh Bình Dương vẫn ban hành bảng giá đất trên địa bàn với mức năm sau cao hơn năm trước.

Tiếp theo, Tổng công ty 3-2 lại thoái vốn, chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.

Sau khi sở hữu 100% cổ phần của Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho doanh nghiệp khác. Tới lúc này, Tỉnh ủy Bình Dương mới có các văn bản thu hồi chủ trương cho chuyển nhượng 30% vốn góp, theo TPO.

Kết quả điều tra xác định, bị can Nguyễn Đại Dương đã có hành vi câu kết, thông đồng với cha vợ là ông Minh chuyển nhượng toàn bộ dự án khu dân cư - thương mại - dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43ha từ Nhà nước sang Công ty Âu Lạc (đơn vị có 100% vốn tư nhân).

Những người trong tổ thẩm định giá đã có nhiều sai phạm khi "giúp sức" cho nhóm chuyển nhượng dự án, dẫn đến 43ha đất vốn là tài sản nhà nước rơi vào tay tư nhân.

Hành vi của các bị can gây thiệt hại tài sản nhà nước nhiều tỷ đồng tại thời điểm vụ án bị khởi tố.

z2697662857358_e3867a3aa90f8b03f6cd0efe85d0d5a6.jpg
Đất đai tại Công ty 3/2. Ảnh: Internet

Cựu Bí thư Bình Dương cũng bị cho là đã buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm, gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách Nhà nước.

Ông Trần Thanh Liêm chịu trách nhiệm là người đứng đầu, đã ký nhiều văn bản phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho phép cơ cấu vốn cổ phần liên quan Tổng công ty 3/2. Ông Liêm cũng có trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản để hợp thức hóa sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án tại Tổng công ty 3/2.

Còn ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2) có sai phạm trong việc chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú với giá 250 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng được thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản gây thất thoát 126 tỷ đồng so với bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương, theo Zing.

Trong vụ án này, nhiều bị can bị đề nghị truy tố là các cựu lãnh đạo và cán bộ UBND, Tỉnh ủy Bình Dương, gồm: Phạm Văn Cành (cựu Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy), Trần Xuân Lâm (cựu chánh thanh tra tỉnh), Võ Văn Lượng (cựu Chánh văn phòng UBND tỉnh), Nguyễn Thanh Trúc (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh), Ngô Dũng Phương (Trưởng phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy).

(Tổng hợp)

AN LY