EU - nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Đài Loan sẽ nâng cấp đối thoại thương mại và đầu tư với Đài Bắc, dự kiến vào hôm nay (2/6).
Một nhà ngoại giao nước ngoài ở Đài Bắc có hiểu biết về vấn đề này đã xác nhận việc nâng cấp đối thoại, nói rằng hình thức đối thoại và các vấn đề cần giải quyết hầu như không thay đổi. Ông nói với Nikkei Asia: "Việc EU tập trung vào chất bán dẫn và để các cơ quan quản lý từ chính phủ Đài Loan và EU nói chuyện là hợp lý thay vì các quan chức cấp dưới".
Chen Chern-chyi, Thứ trưởng Kinh tế Đài Loan, ca ngợi cuộc đối thoại được nâng cấp là "một cột mốc quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác kinh tế Đài Loan-EU."
"Đại dịch và xung đột Nga-Ukraina đã khiến các quốc gia trên thế giới quan tâm nhiều hơn đến vấn đề khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, và Đài Loan đóng một vai trò quan trọng trong đó", ông Chen nói.
Đài Loan là quê hương của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới là TSMC và các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu khác như United Microelectronics Corp.
Báo cáo Chính sách Luật Chip châu Âu của Ủy ban châu Âu được công bố vào tháng Hai đã đề cập đến Đài Loan hai lần và Bộ trưởng cho biết, điều này chứng tỏ tầm quan trọng của Đài Loan trong chất bán dẫn, sản xuất tiên tiến và chuỗi công nghiệp toàn cầu.
Ông Chen nói: "Đài Loan là một đối tác tin cậy của EU, và EU cũng là một đối tác thương mại quan trọng của đất nước chúng tôi".
Trong những tháng gần đây, EU và các nước thành viên, bao gồm Pháp và các nước Đông Âu, đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính phủ Đài Loan thông qua các chuyến thăm của các nhà lập pháp tới Đài Bắc. Việc xung đột Nga-Ukraina đã làm dấy lên lo ngại ở châu Âu và cộng đồng quốc tế về khả năng Trung Quốc có thể xung đột với Đài Loan.
Một phái đoàn Quốc hội Thụy Điển hồi tháng trước cho biết, chuyến thăm của họ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc rằng châu Âu sẽ ủng hộ những nỗ lực của Đài Loan để bảo vệ tự do và dân chủ của mình. Trưởng phái đoàn Boriana Aberg nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Su Tseng-chang: "Chúng tôi ở đây để đưa ra một thông điệp và nói rõ rằng cộng đồng quốc tế quan tâm đến Đài Loan".
Marcin Jerzewski, nhà phân tích của Trung tâm Các Giá trị châu Âu về Chính sách An ninh cho biết, Nghị viện châu Âu dẫn đầu trong việc thuyết phục các thể chế khác của EU công nhận và hành động dựa trên sự hợp tác ngày càng tăng giữa EU và Đài Loan.
Jerzewski nói với Nikkei Asia: "Với vị thế quốc tế bấp bênh của mình, Đài Bắc đã khéo léo sử dụng ngoại giao nghị viện như một công cụ quan trọng để gắn kết con người giữa Đài Loan và thế giới".
Trong số các quốc gia thành viên EU, Lithuania là quốc gia nổi tiếng nhất trong việc thúc đẩy liên kết chặt chẽ với Đài Loan. Tháng 11 năm ngoái, họ đồng ý thành lập Văn phòng đại diện Đài Loan tại thủ đô Vilnius, điều này đã gây ra phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc đối với Lithuania có tác động làm ảnh hưởng đến thương mại nội khối EU và lợi ích kinh doanh của các công ty ở các quốc gia thành viên khác, chẳng hạn như các doanh nghiệp ô tô của Đức, khiến các chính phủ khác phải hành động, Jerzewski nói thêm.
Vương quốc Anh, hiện đã không thuộc EU, đang lên tiếng về những rủi ro an ninh của Đài Loan. Tờ Financial Times đưa tin, vào tháng 3, Anh và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên về cách hai quốc gia có thể hợp tác để giảm khả năng xảy ra xung đột Trung Quốc-Đài Loan.
Giống như các nước EU, Anh có quan hệ kinh tế và giao lưu chặt chẽ với Đài Loa, đồng thời ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế, theo Grey Sergeant, thành viên cộng sự tại Hội liên hiệp Địa lý Quốc tế, nhận xét với Nikkei Asia.