Thanh toán không tiền mặt đang ngày càng phổ biến. Từ ngõ ngách trong hẻm đến mặt đường quốc lộ, đâu đâu cũng tràn ngập QR Code và STK ngân hàng. Lối sống không tiền mặt đó cũng lan rộng trong chốn công sở. Để giờ đây, hội Gen Z văn phòng không có chuyển khoản, quẹt thẻ hay QR Code có khi là… toang ngay!
Bớt ghét đồng nghiệp vì vài nghìn lẻ, cứ QR Code mà chia!
Cuộc sống của một dân văn phòng Gen Z như Giang Lê (23 tuổi, Hà Nội, sale du lịch) quả thực gắn liền với chuyển khoản. Từ tất tần tật thanh toán của khách hàng đến mọi dịch vụ khi đi làm như ăn uống, xăng xe, mua sắm,... đều sử dụng chuyển khoản. Thậm chí Giang cũng đã quen với việc đi làm nhưng chẳng cầm ví, giấy tờ cứ bỏ cốp xe là được. Cô nàng chia sẻ thói quen này đến từ chính công việc yêu cầu giao dịch toàn bộ bằng thẻ nên thành ra “cứ rút tiền mặt là bất tiện”.
“Mình đi làm một ngày sẽ chi tiêu nhiều nhất cho việc ăn uống, mua sắm online. Ngay cả quán ăn trưa quen thuộc cũng chỉ thích chuyển khoản, vào đến quán đưa tiền mặt là cô chú bảo ‘chuyển khoản cho nhanh đi con, chú ngại thối tiền lắm’. Dần cũng quen, giờ đi đâu chỉ cần cầm điện thoại là không lo đói rồi đó!”.
Giang Lê (23 tuổi, Hà Nội, sale du lịch), hầu như tất cả mọi hóa đơn đều sử dụng thanh toán không tiền mặt. |
Cuộc sống ở văn phòng của Giang Lê cũng dễ chịu hơn hẳn nhờ QR Code. “Phòng ban mình có 5 nhân viên, tụi mình đều Gen Z. Cả đám hay rủ nhau đặt trà sữa chung đỡ tốn ship, thấy quán nào review hot đều kháo nhau đặt về ăn thử. Tất cả thì gom về 1 mối trả, sau đó thì gửi QR Code chia đều tiền, quét mã cho nhau. Mấy cái ví điện tử chia đều đến từng số lẻ nhỏ xíu, công bằng nên ai cũng thấy thoải mái. Chứ như công ty cũ, đặt đồ ăn xong mà lẻ lẻ vài ngàn đồng nghiệp hay xin, nhiều lần thành ra không ưa kiểu đồng nghiệp đó chút nào”.
Giang Lê cũng chia sẻ thêm, nếu mua sắm mà ship thẳng về văn phòng, tốt nhất là thanh toán trước hết. Nhỡ may có vắng mặt ở công ty mà nhờ đồng nghiệp nhận hộ cũng đỡ phiền người ta.
Còn với Bảo Lê (24 tuổi, TPHCM, nhân viên chạy quảng cáo) buộc phải chuyển dần sang thanh toán không tiền mặt chỉ vì: “Mình từng là người rất chuộng tiền mặt. Nhớ có những tháng rút liền 20 triệu để tiêu dần, mà không biết tiêu kiểu gì chưa hết tháng đã hết sạch.
Có lẽ phần vì do tâm lý lúc nào cũng có sẵn tiền trong người, thấy gì hay hay cũng rút tiền mua vô tội vạ. Khi đi ăn cùng bạn bè hay đồng nghiệp thì mọi người đa phần đều xài chuyển khoản, người luôn cầm tiền mặt như mình thường đứng ra trả hết bữa ăn rồi sau đó về chia. Nhưng cũng có đôi khi gặp xui nên là chẳng thấy tiền hoàn về. Bạn bè thì khó mở lời, đồng nghiệp lại càng không thể.
Tập làm quen với cuộc sống không tiền mặt để tiết kiệm và quản lý tài chính tốt hơn. (Ảnh minh họa Pinterest) |
Đôi ba lần như thế nên mình học cách tiêu bằng thẻ để né dần các trường hợp kia. Rồi cũng tiết kiệm và quản lý được những khoản đã tiêu, vì cứ trước khi mua món đồ gì, mình chỉ cần nghĩ đến rút điện thoại, mở khóa mật khẩu, thao tác các bước,... cũng đã có thêm thời gian suy nghĩ cần thiết mua món đồ đó không.
Giờ đi ăn chung cùng đồng nghiệp cũng không tự giác trả nữa, cứ QR Code mà chia đều, không lo sứt mẻ tình cảm!”, Bảo chia sẻ.
QR Code “cứu nguy” dân văn phòng những tình huống oái oăm
Bên cạnh sự tiện lợi của QR Code hay chuyển khoản, thì thanh toán không tiền mặt còn “cứu nguy” những trường hợp cấp bách. Dù là dân văn phòng hay không thì cũng đều có thể áp dụng.
Lê Hoàng Đức (1996, Hà Nội, IT) chia sẻ về sự tiện lợi của việc chuyển khoản, khi tiền mặt không thể là cứu tinh trong những trường hợp oái oăm này!
“Mình và người yêu làm 2 công ty khác nhau. Có lần bạn gái giận ngay trong giờ làm việc, mình cũng không thể xách xe chạy ngay sang công ty mà xin lỗi. Đồng nghiệp lúc đó mới bày cho cách: Đặt trà sữa nguyên phòng ban bạn gái, nhờ chủ quán gắn thêm lời nhắn riêng. Mình làm luôn”.
Đức không nói cho bạn gái biết mà âm thầm làm, thanh toán hết hóa đơn và nhắn lời xin lỗi qua ghi chú. “May mà có mấy kiểu thanh toán trước thế này, chứ không để bạn gái nhận đồ mà còn phải trả tiền ship, chắc giận càng giận hơn”.
Nhờ thanh toán không tiền mặt, cuộc sống của nhiều nhân viên văn phòng dễ thở hơn. (Ảnh minh họa Pinterest) |
Không chỉ cứu nguy những lần như thế, việc thanh toán không tiền mặt hoặc QR Code cũng tiện lợi khi Đức và người yêu gửi nhau một cốc cafe sáng, bữa ăn trưa hoặc mua trà sữa xế chiều. Yêu đương của những người làm công sở theo đó cũng dễ chịu hơn nhiều.
Trái ngược với số đông thích dùng chuyển khoản cho những hóa đơn to, còn xài tiền mặt cho khoản chi lặt vặt vài ngàn như tiền gửi xe, mua vé số, thanh toán 10-20k,Tuấn Nam (27 tuổi, Hải Phòng) lại có ý kiến khác.
“Mình khá ngược với số đông. Thanh toán càng ít, càng lẻ thì mình lại càng có nhu cầu thanh toán không tiền mặt. Lý do đơn giản thì vì ngại đếm tiền thối, cũng không thích kiểu cứ vài trăm đồng lại làm tròn lên”.
Tuy nhiên, để ra đường một cách an toàn nhất thì Tuấn Nam cho biết luôn mang theo vài trăm ngàn tiền mặt trong ví. “Giờ đây, gần như hiếu hỉ mình mới xài đến tiền mặt. Còn lại từ xăng xe, tiền quản lý chung cư, taxi, xe ôm, ăn uống đủ kiểu, siêu thị, điện nước,... thì đều dùng ví điện tử, app của dịch vụ hoặc chuyển khoản quét mã QR”.
Ai rồi cũng phải chuyển khoản thôi. Ưu tiên thanh toán nhanh gọn lẹ, xã hội hiện đại nên chạy theo xu thế là điều tất yếu!
Trong bối cảnh "tiền mặt là vua" như hiện tại, các doanh nghiệp đã có những động thái cơ cấu lại tài sản
Tại thời điểm ngày 30/9, 14 trong số 22 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán tăng tiền và các khoản tương đương tiền.