"Chi tiêu trả thù" (revenge shopping/buying) không phải là một thuật ngữ mới. Nó được dùng để chỉ tất cả mọi hoạt động mua sắm "điên cuồng" cho các sản phẩm và dịch vụ, điển hình là những sản phẩm mà họ cảm thấy bị tước đoạt trong một sự kiện kinh tế bất lợi. Như trong bối cảnh của đại dịch, mua sắm trả thù là mua sắm bù đắp cho thời gian đã mất vì giãn cách xã hội.
Sau hai năm chi tiêu mạnh tay cho các kỳ nghỉ và những trải nghiệm khác mà họ đã bị tước đoạt trong thời gian đóng cửa vì đại dịch, người Mỹ có thể đang trên đà rút lui, một biện pháp hạ nhiệt có thể giúp làm chậm lạm phát.
Quốc gia này đã chứng kiến làn sóng "chi tiêu trả thù" mạnh mẽ trong vòng 2 năm sau đại dịch. Đây là cái tên mà các nhà kinh tế học và CEO của các công ty đặt cho sự gia tăng đột biến trong chi tiêu giải trí và những kỳ nghỉ phong phú diễn ra sau đợt phong tỏa do COVID-19. Khi nhu cầu tăng, thì tất cả cá dịch vụ khác cũng tăng lên theo, bao gồm giá vé máy bay cũng như khách sạn và các dịch vụ khác đi kèm.
Nhưng giờ đây nhiều loại trong số đó hiện đang hạ nhiệt. Theo một báo cáo mới nhất, giá khách sạn gần đây đã tăng chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và giá vé máy bay đã giảm trong tháng 5. Nếu xu hướng đó tiếp tục vào mùa hè này, nó có thể góp phần làm cho lạm phát dịch vụ tiếp tục chậm lại, đó là điều mà Fed đã theo dõi và chờ đợi.
Omair Sharif, người sáng lập công ty Inflation Insights, cho biết trong báo cáo rằng ông dự đoán giá vé máy bay và chi phí khách sạn sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong tháng 6 và tháng 7 năm nay. Ông cũng không mong đợi các khách sạn và du lịch hàng không nội địa sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến vào mùa hè này như họ đã trải qua vào năm ngoái.
Người tiêu dùng không chỉ quay trở lại với lối sống bình thường hơn mà còn có thể ngày càng thận trọng hơn khi phải đối mặt với chi phí cao sau vài năm lạm phát nhanh chóng. Người dân lo lắng rằng việc Fed tăng lãi suất có thể sớm đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Chi tiêu trả thù thật ra chỉ có thể cải thiện sự hài lòng của người tiêu dùng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính cá nhân khi nhiều người chi sạch toàn bộ số tiền mình có để ''trả thù''. Bên cạnh đó, chi tiêu trả thù thường mang đến cảm giác vui vẻ và hài lòng cho người tiêu dùng khiến họ khó có thể nhìn nhận thực tế một cách rõ ràng.
Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng trước khi xem xét chi tiêu trả thù đặc biệt là mua đồ xa xỉ, điều quan trọng trước tiên là suy nghĩ về việc trả hết mọi khoản nợ tồn đọng và thành lập một quỹ tiết kiệm khẩn cấp đầy đủ.
(Nguồn: The NewYork Times)