Danh sách “9 thứ không mua” này đã giúp tôi tiết kiệm được nhiều tiền hơn

Bên cạnh tiền bạc, danh sách này còn giúp tôi tiết kiệm cả thời gian, đồng thời cải thiện sức khỏe.

*Dưới đây là những chia sẻ của Bai Su - Một cô gái người Đài Loan (Trung Quốc) trên Toutiao. Sau 2 tháng thử sống như một người nghèo đích thực, Văn Quân đã đúc kết được danh sách 9 món đồ không nên mua. Tập trung vào danh sách này khiến Văn Quân cải thiện chất lượng sức khỏe, cuộc sống và tiết kiệm được nhiều tiền hơn.

Bằng cách không mua những thứ tưởng chừng rất cần thiết nhưng thực ra lại không bắt buộc trong suốt 2 tháng qua, tôi thấy cuộc sống của mình trở nên đơn giản và tinh tế hơn. Giờ đây, danh sách 9 thứ không mua này chính là kim chỉ nam của tôi trong cuộc sống. Chỉ cần tập trung vào nó, tôi có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời cải thiện cả sức khỏe.

1 - Không mua thêm quần áo

Tôi đã dùng cả thanh xuân để lùng sục các cửa hàng “đồ si”, đồng thời mua không biết bao nhiêu quần áo mới. Nhưng sau khi nhìn lại những bức ảnh trong điện thoại, tôi nhận ra việc này thật quá tốn kém, vì tôi gần như chỉ mặc đi mặc lại 10 bộ đồ yêu thích trong tổng số hơn 100 chiếc áo, chiếc quần và váy vóc có trong nhà.

Việc không mua thêm quần áo và bán bớt những món đồ không thường xuyên mặc giúp chiếc tủ quần áo của tôi gọn gàng, ngăn nắp hơn. Tôi cũng chẳng cần tốn cả tiếng đồng hồ để chọn đồ mặc đi làm hay đi hẹn hò. 

2 - Không mua đồ trang trí nhà

Đồ trang trí chỉ thực sự có tác dụng trang trí khi nó vừa đủ cả về số lượng lẫn chất lượng. Tôi đã không làm được việc đó. Bản tính phù phiếm khiến tôi mua hàng tá thứ trông có vẻ dễ thương, đẹp đẽ trên mạng nhưng đặt chúng trong phòng, không gian sống lại trở nên… hổ lốn. Đơn giản vì tôi mua quá nhiều.

Tranh treo tường, những con thú bằng sứ bé xíu để đặt cạnh máy tính, trên đầu giường,... không chỉ móc tiền trong túi tôi, mà còn khiến tôi tốn thời gian lau chùi, vì chúng luôn bám bụi. 

Sau khi đem cho hết những món đồ trang trí trong nhà, tôi nhận ra một khoảng tường, một mặt phẳng trống, cũng chẳng sao cả. Tôi thường chỉ ở nhà vào buổi tối và việc mua quá nhiều đồ trang trí thực sự vô nghĩa.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

3 -  Không mua quá nhiều mỹ phẩm

Ở tuổi 30, tôi nhận ra đơn giản hóa các bước dưỡng da và trang điểm giúp mình trông trẻ và đẹp hơn. Tôi cũng không thử những sản phẩm mới mà chỉ trung thành với những món đồ đã và đang hợp với làn da mình.  

4 - Không mua đồ ăn vặt

Đồ ăn vặt có thể giúp tâm trạng tôi khá lên trong giây lát, nhưng đổi lại, nó khiến tôi tăng cân và nổi mụn trên mặt. Khi bước sang tuổi 30, tôi dễ tăng cân nhưng lại khó giảm cân vô cùng. Vật vã sống 2 tuần mà không có bánh ngọt, trà sữa hay khoai tây chiên, gà rán,... tôi nhận ra ngoài khoản tiền mua đồ ăn vặt, tôi còn tiết kiệm được cả tiền mua thực phẩm chức năng thải độc cơ thể và tiền đi trị mụn.

5 - Không mua thêm sách

Lang thang trong hiệu sách từng là thú vui của tôi. Ban đầu, tôi tin đây là sở thích hoàn toàn tích cực, cho đến khi ngồi sắp xếp lại giá sách và nhận ra có quá nhiều cuốn còn chưa được đọc dù đã nằm ở đó hàng năm trời, tôi mới nhận ra thêm một khoản tiền mất đi… vô nghĩa. Số sách hiện tại tôi đang có đủ để tôi đọc trong 3 năm tới.

Đó là lý do tôi không mua thêm sách nữa. Đừng đánh đồng việc mua sách với đọc sách, chúng hoàn toàn khách nhau đấy!

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

6 - Không mua giày

Một đôi giày chạy, một đôi giày cao gót, một đôi boot cao cổ, một đôi sandal là những gì mà một người phụ nữ theo đuổi lối sống tối giản thực sự cần. Với giày dép, tôi nhận ra cần tập trung vào chất lượng hơn số lượng và lau chùi thường xuyên để chúng đỡ bẩn, vậy là đủ.

Chẳng ai zoom một bức ảnh để soi xem đôi giày bạn mang ở bức ảnh này có khác đôi giày bạn đi trong bức ảnh trước hay không đâu. Và nếu có, thì cũng chẳng sao cả. Nhận ra điều ấy khiến tôi từ bỏ được thói quen mua giày gần như hàng tháng.

7 - Không mua cà phê đắt tiền

Tôi có thói quen uống cà phê vào mỗi buổi sáng và thường thì 1 cốc cà phê của tôi sẽ có giá bằng 1 bữa ăn. Tôi từng chỉ chọn những cửa hiệu cà phê có tiếng, gọi là đắt xắt ra miếng cũng không sai, đơn thuần chỉ vì sự phù phiếm, vì cảm giác mình sang chảnh.

Nhưng ở tuổi 30, tôi không còn đam mê cảm giác ấy nữa. Cà phê thực ra không đắt, cái đắt chính là thương hiệu làm ra nó. Chẳng có lý do gì để tôi phải tốn một bữa trưa cho một thức uống giúp trí não tỉnh táo vào buổi sáng.

8 - Không mua bông tai, phụ kiện rẻ tiền

Phụ kiện mỹ ký có giá rẻ, không đắt và đó chính là lý do khiến tôi có tới 2 hộc tủ chỉ để đựng bông tay, vòng cổ, nhẫn, lắc tay. Tôi mua nhiều vì chúng rẻ và đẹp mà không hề nghĩ tới việc chúng có thể trông tôi… kém sang hẳn đi. Dùng đồ mỹ ký mà muốn “sang” thì hẳn là đòi hỏi tham lam quá rồi.

Chưa kể, đồ rẻ mà mua nhiều thì cũng tốn một khoản không nhỏ. Khoản tiền tôi dành ra để mua mớ trang sức mỹ ký này có lẽ đủ để mua một chiếc vòng cổ bằng bạc thật. 

9 - Không mua các khóa học

Việc này nghe có vẻ tiêu cực, như thể tôi đang chặn đứng sự phát triển trí tuệ của mình. Đầu tư cho việc học là điều không bao giờ thừa nhưng tôi nhận ra rằng không phải khóa học nào cũng đáng để mình chi tiền.

Nếu chịu mày mò trên mạng và theo dõi những kênh chia sẻ kiến thức về lĩnh vực bạn đang muốn học thêm, bạn sẽ nhận ra có những kiến thức là miễn phí nhưng người khác lại đang mở khóa học và thu tiền. Tại sao mình phải bỏ tiền ra để mua những thứ miễn phí nhỉ?

Với thắc mắc này, khi muốn học một kỹ năng mới, tôi sẽ lên mạng tìm hiểu và chỉ chi tiền đi học khi không thể tìm được bất kỳ website hay video nào dạy mình miễn phí. 

Danh sách “9 thứ không mua” này đã giúp tôi tiết kiệm được nhiều tiền hơn

Ngọc Linh

“Quý Mão thật chẳng nhẹ nhàng”: Sống nhờ trợ cấp thất nghiệp, bị bạn lừa hết tiền tiết kiệm hay vừa ăn Tết vừa rải CV tìm việc

“Quý Mão thật chẳng nhẹ nhàng”: Sống nhờ trợ cấp thất nghiệp, bị bạn lừa hết tiền tiết kiệm hay vừa ăn Tết vừa rải CV tìm việc

Cùng lắng nghe những người trẻ dưới đây kể về trải nghiệm tồi tệ liên quan tài chính trong năm cũ, cũng như cách giải quyết của họ.