“Quý Mão thật chẳng nhẹ nhàng”: Sống nhờ trợ cấp thất nghiệp, bị bạn lừa hết tiền tiết kiệm hay vừa ăn Tết vừa rải CV tìm việc

Cùng lắng nghe những người trẻ dưới đây kể về trải nghiệm tồi tệ liên quan tài chính trong năm cũ, cũng như cách giải quyết của họ.

 Bị sa thải trước Tết, trang trải chi phí bằng tiền trợ cấp thất nghiệp

“Hiện tại, không khí ngày Tết Nguyên đán cận kề, nhà nhà người người đều dọn dẹp và trang trí Tết. Hơn nữa, đây cũng là dịp để tặng quà cho gia đình, cấp trên, bạn bè. Thế nhưng, đối với tình trạng hiện tại, mình lại không thể làm được điều đó…”, đó là điều Mỹ Linh (26 tuổi, TP.HCM) nói về tình hình chi tiêu Tết những ngày cuối năm.

Được biết, Mỹ Linh từng là phiên dịch cho một doanh nghiệp mảng IT của Nhật Bản trong 3 năm. Đó cũng là công ty đầu tiên cô gắn bó từ thời điểm mới ra trường. Tuy nhiên, sau đó cô đã chính thức rơi vào tình cảnh thất nghiệp vì bị layoff từ tháng 12/2023.

Mỹ Linh (Ảnh: NVCC)
Mỹ Linh (Ảnh: NVCC)

Cô gọi đó là tình huống “tồi tệ", bởi sau khi mất việc, nhiều kế hoạch của cô đã đổ bể. “Vị trí tưởng chừng như an toàn nhưng lại bị cho nghỉ việc. Điều mình tiếc nuối nhất là sự cố gắng trong gần một năm không nhận lại được thành quả là lương tháng 13. Đó là số tiền mình cần nhất ở thời điểm đó. Bởi vì lúc đó, mình vừa đi làm, đi học vừa hỗ trợ chăm lo gia đình", Mỹ Linh nói thêm.

Sau khi trải qua cú sốc tinh thần này, cô đã trở về quê nhà sống với bố mẹ một thời gian, vừa giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt mà cũng là để cải thiện tâm trạng. Còn về tài chính, cô từng dùng số tiền trợ cấp thất nghiệp để xoay xở cuộc sống, bên cạnh việc rải CV và đi phỏng vấn để tìm kiếm môi trường phù hợp hơn.

“Thật ra, khó khăn chính là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Mình rất biết ơn vì có những người bạn thân thiết. Bởi khi gặp khó khăn họ đã không ngần ngại giúp đỡ và cho mình mượn tiền”, Mỹ Linh nhớ lại.

Đến thời điểm hiện tại, Mỹ Linh đã tìm được công việc mới. Cô không có thưởng Tết và mức lương chỉ dừng ở mức thử việc. 

Mỹ Linh chụp hình ở công ty mới (Ảnh: NVCC)
Mỹ Linh chụp hình ở công ty mới (Ảnh: NVCC)

Với chi tiêu này, cô không đủ dư dả để mua quà tặng gia đình. Cô cũng từng khá chạnh lòng vì bên cạnh những người giúp đỡ thì còn có người vô tình hỏi câu làm cô buồn như: “Tết này có mua vàng tặng bố không?”, “Tết này biếu bố mẹ bao nhiêu tháng lương?”, “Sao không mua vài chậu hoa chưng ngày Tết cho đẹp?”...

Nhưng khoảng thời gian thất nghiệp không hoàn toàn vô dụng với Linh. Cô đúc rút được một số kinh nghiệm cho bản thân và chẳng may nếu ai rơi vào hoàn cảnh như Linh cần làm theo nhằm xoay sở tình thế.

“Đầu tiên bạn nên xem xét và giải quyết để nhận hết các khoản mà công ty cũ cần chi trả cho mình. Tiếp theo, phòng trường hợp thất nghiệp dài lâu thì có thể đi đăng ký để hưởng trợ cấp thất nghiệp”.

Chuyện gì xui rủi cũng đã xảy ra. Thời gian thì vẫn trôi không ngừng nghỉ, năm mới cũng đến gần. Linh giờ đây tích cực hơn nhiều, vui vẻ bày tỏ: “Mình nhận ra mất sức khỏe thể chất và tinh thần mới đáng lo, còn mất việc không có gì to tát. Vì có suy nghĩ như vậy nên tinh thần của mình cũng dần ổn định lại. Thế nên dù có chuyện gì khó khăn mình nghĩ hãy bình tĩnh suy xét phương án giải quyết và đừng ngại nhờ sự giúp đỡ. 

Về tài chính, dù không quá sung túc nhưng mình vẫn không ở mức thiếu thốn. Trong năm tới, mình sẽ học cách tiết kiệm hơn để có thể xoay xở cho những thử thách ập tới. Chúc mọi người luôn mạnh mẽ và sống vui khỏe nhé!”.

Thu nhập bị giảm nửa, vừa ăn Tết vừa gấp rút tìm việc

Đó là câu chuyện của Đặng Hương (23 tuổi, Bình Dương) - một nhân viên truyền thông, có job tay trái là chạy event và chụp ảnh. Chỉ cách đây hơn nửa năm, Đặng Hương còn tự tin với mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng từ các công việc của mình. 

Tuy nhiên, bão sa thải kéo đến khiến tiền lương của Hương giảm 2/3 so với trước đây, trong khi công việc freelancer trong ngành Truyền thông không còn thuận lợi như trước. Hiện mức thu nhập hàng tháng của Đặng Hương chỉ còn bằng một nửa so với trước đây.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tiền lương giảm mạnh khiến Đặng Hương cũng không quá vui vẻ khi Tết đến. “Chi tiêu cho Tết của mình không còn dư dả như trước, trong khi bản thân vẫn cần biếu bố mẹ nhiều tiền. Thêm nữa, mình vừa ăn Tết vừa lo lắng sẽ phải tìm việc luôn. Bởi mình có nghe đồn sau Tết lương còn giảm nữa và mình có thể rơi vào danh sách bị sa thải của công ty", Đặng Hương tâm sự.

Nhìn lại một năm cũ, có nhiều dự định và mong muốn của Đặng Hương đã phải gác lại vì tình hình công việc không thuận lợi. Cô tâm sự: “Đầu tiên về tài chính, có những bộ quần áo tính mua cho bố mẹ, các bữa ăn, những chuyến du lịch… mình đã phải nhấc lên đặt xuống, sau cùng lại chọn cách ‘nói không' với chúng. Mình không dám sống kiểu sang chảnh như trước vì không biết một ngày nào đấy, thu nhập có thể bị giảm tiếp.

Tiếp theo là công việc, mình đã muốn nghỉ văn phòng từ lâu. Nhưng câu hỏi: “Nghỉ xong rồi thu nhập từ freelancer không thuận lợi thì tính sao?”. Sau cùng, mình vẫn phải tiếp tục làm công việc văn phòng mà mình không đam mê, môi trường không phù hợp tính cách".

Đặng Hương nói thêm, tài chính là một trong những thách thức lớn nhất của cô nàng trong năm cũ. Cô hy vọng sang năm mới, mọi thứ sẽ diễn ra thuận lợi và tốt đẹp hơn.

“Hiện tại, mình vẫn chưa lên kế hoạch tài chính gì cho năm mới. Vì trong năm cũ, dự định nghỉ công việc văn phòng của mình không thuận lợi. Trước mắt, mình cứ lo chuyện ăn Tết đã. Qua Tết, mình sẽ kiếm việc làm mới và tiết kiệm hơn, nhằm có thể mua được nhiều món quà cho bản thân và gia đình".

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

 Mất sạch tiền tiết kiệm 80 triệu đồng

Đó là câu chuyện của Đỗ Thắng (24 tuổi, Hà Nội). Cụ thể hơn, anh bị một người bạn cũ từng học chung lớp Đại học lừa tiền chỉ trong một buổi sáng. Cho đến hiện tại, chàng trai vẫn chưa đòi được hết tiền từ người bạn. Tuy nhiên, anh cho rằng đây là sẽ là “bài học" nhớ đời của mình khi vô tư cung cấp thông tin cho người lại.

Cụ thể, vào tháng 4 năm nay, Đỗ Thắng đang ngồi ở nhà thì người bạn nhắn tin xin vay 2 triệu đồng. Mục đích của đối phương là đăng ký khóa học ngắn hạn. Người bạn nói thêm, do tài khoản ngân hàng của anh ta đang bị khoá, do đó muốn nhờ Đỗ Thắng chuyển khoản luôn cho đơn vị cung cấp khóa học.

“Ban đầu, mình đã thấy có điều gì đó bất thường. Để chắc chắn hơn, mình đã gọi điện cho người bạn, và xác nhận giọng nói của người nhắn tin ở đầu dây bên kia là bạn mình chứ không phải kẻ lừa đảo. Bạn mình nói là: ‘Thao tác nhanh lắm’. Và đối phương cũng cần đăng ký khoá học gấp nên mình cũng ok, chuyển khoản cho bạn".

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Sau đó, bạn của Đỗ Thắng gửi cho anh 1 đường link và hướng dẫn anh các thao tác nhập dữ liệu tài khoản. Cuối cùng đến bước thanh toán, Đỗ Thắng quét mã QR hiển thị trên màn hình thì máy tính báo không thành công. Sau đó, bạn của Đỗ Thắng tiếp tục gọi điện và kêu anh cho xin mã OTP cá nhân.

“Thú thật, đến lúc này là mình muốn giải quyết nhanh cho xong. Thêm nữa, vì là bạn cùng lớp nên mình ít nhiều có sự tin tưởng vào anh ta. Cũng vì thế, mình đã cấp mã OTP dù nghĩ ít nhiều cũng có rủi ro ở đây", Đỗ Thắng nói.

Chỉ vài ngày sau, khi Đỗ Thắng vào lại tài khoản ngân hàng thì mới phát hiện tổng tiền tiết kiệm hơn 80 triệu đồng đã biến mất hoàn toàn. Lúc này, chàng trai mới phát hiện mình bị người bạn lừa tiền. 

Đỗ Thắng tâm sự thêm: “Sau đó, mình mới biết trong lớp Đại học cũ cũng có một vài bạn bị lừa đảo vì chiêu thức này. Sau đó, mình cũng tìm lại được anh bạn kia. Tuy nhiên, mình mới chỉ lấy lại được 20 triệu đồng. Còn số tiền còn lại, dù anh ta có hứa trả lại nhưng mình vẫn chưa biết ngày nào có thể cầm được đủ tiền". 

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bị bạn cùng lớp lừa hết tiền vào năm ngoái cũng là một trong những dịp hiếm hoi Đỗ Thắng rơi vào cảnh “không còn xu dính túi". Thời điểm đó, anh vừa mất hết tiền tiết kiệm, vừa không dám tâm sự cùng ai vì sợ những lời trách móc quá tin tưởng vào kẻ khác.

Số tiền tiết kiệm này là khoản để dành của Đỗ Thắng cho nhiều dự định cá nhân như đi du lịch, hay chuẩn bị nếu có bị công ty sa thải… Thế nhưng, khoản tiền không còn khiến anh chật vật một thời gian.

Đỗ Thắng cho hay: “Cũng may số tiền này chỉ mới tiền tiết kiệm, tức tiền chưa cần dùng đến ngay lập tức. Những tháng sau đó, mình vẫn dùng tiền lương từ công việc văn phòng để trang trải cuộc sống. Mình không rơi vào cảnh quá túng thiếu, phải vay mượn người khác để sống, nhưng nói chi tiêu thoải mái thì không còn được như trước".

Cho đến hiện tại, Đỗ Thắng đã xác định được tinh thần: “Tiền đã mất rồi, dù có tiếc cũng không lấy lại được". Cũng vì thế, anh hy vọng lần mất tiền này chỉ là một bài học nhớ đời và sẽ không bao giờ lặp lại nữa. Về cách giải quyết, Đỗ Thắng nhận định từ sau trải nghiệm đó, anh sẽ cố gắng chăm chỉ làm việc để lấy lại số tiền đã mất.

Đỗ Thắng bày tỏ: “Sau sự cố này, mình tự nhủ bản thân chỉ mất tiền tiết kiệm đầu đời thôi. Còn nhiều người làm ăn kinh doanh cùng bạn bè, bị họ lấy mất tiền vốn và lời thì sao? Chúc mọi người trong năm mới cảnh giác hơn về tiền bạc, đừng dễ dàng tin người lạ mà mất tiền oan uổng như mình”.

Tạm kết

3 bạn trẻ, mỗi người một câu chuyện tài chính khác nhau. Năm cũ khép lại, họ đã nhận được những bài học khác nhau và tự mình xoay xở để vượt qua khó khăn. Dù năm trước có khó khăn đến đâu, họ vẫn hướng đến một năm mới với hy vọng tài chính dư dả, gặp được nhiều may mắn trên hành trình kiếm tiền.

Vân Anh - Design: Ngô Hoàng Sơn

4 kênh podcast cho bạn nền tảng cơ bản nhất về tài chính: Tết này nhất định phải nghe!

4 kênh podcast cho bạn nền tảng cơ bản nhất về tài chính: Tết này nhất định phải nghe!

Tết này thay vì “cày phim”, hãy dành chút thời gian “bổ túc” kiến thức quản lý tài chính cá nhân vì mục tiêu năm mới bớt nghèo.