Đâu là những thay đổi lớn nhất khi một cặp đôi quyết định chuyển từ trạng thái "hẹn hò" sang "đã kết hôn"? Tài chính chắc chắn là một trong những đáp án không thể thiếu.
Cũng dễ hiểu thôi, là vợ chồng rồi mà tiền ai nấy giữ hoặc vẫn chi tiêu xả láng, chẳng có kế hoạch tiết kiệm rõ ràng thì dễ là "toang", đặc biệt là sau khi có con.
Mang câu hỏi "Bạn đã chuẩn bị tài chính trước hôn nhân như thế nào?" đi hỏi những cặp đôi trẻ quanh mình, ngoài những cái lắc đầu từ chối hoặc lời thú nhận "chưa nghĩ tới chuyện đó", chúng tôi đã gặp được Ngọc Sâm (27 tuổi) và Ngọc Hân (29 tuổi) - 2 bạn trẻ đã lên kế hoạch tài chính rõ ràng với người sắp trở thành người bạn đời của mình.
"Lên kế hoạch tiết kiệm chung là việc đầu tiên chúng mình làm sau khi cầu hôn nhau"
Ngọc Hân nhận được lời cầu hôn của bạn trai vào đúng ngày sinh nhật (8/4/2022). Tuy nhiên tháng 10 năm nay, cả hai mới quyết định tổ chức hôn lễ.
Ngọc Hân và chồng tương lai |
"Cả mình và anh ấy đều không phải người thích rình rang, thậm chí nếu bố mẹ 2 bên không nằng nặng đòi tổ chức đám cưới thì chúng mình còn định chỉ đi đăng ký hôn và làm lễ nho nhỏ, báo cáo gia tiên thôi ấy" - Ngọc Hân kể và khẳng định điều cô và chồng tương lai quan tâm nhất không phải là kế hoạch làm đám cưới, mà chính là lên kế hoạch tiết kiệm.
Sau đó, cô bạn 29 tuổi này cho biết ngay sau khi xác định sẽ trở thành vợ chồng của nhau, việc đầu tiên mà cả hai làm chính là mở một tài khoản tiết kiệm chung.
"Chúng mình quyết định là các khoản tiết kiệm trước đó thì của ai người ấy giữ, còn tài khoản chung này thì hàng tháng, mỗi người sẽ chuyển vào 3 triệu, trước mắt là để lo chi phí đi khám tiền hôn nhân và hình thành thói quen tiết kiệm chung. Việc này được duy trì đến tháng 10/2022. Tháng 11/2022 thì chúng mình dọn về sống chung và quyết định mỗi tháng sẽ trích 50% thu nhập vào tài khoản tiết kiệm chung, 30% thu nhập dùng để trang trải chi phí sinh hoạt (tiền ăn, tiền thuê nhà), 20% còn lại thì chi tiêu cá nhân" - Ngọc Hân chia sẻ.
Khi được hỏi về chi phí tổ chức đám cưới sẽ được phân chia như thế nào, Ngọc Hân cười và cho biết chồng tương lai sẽ lo toàn bộ chi phí chụp ảnh cưới, nhẫn cưới và nhẫn cầu hôn. Còn những chi phí khác thì nhà nào, nhà ấy tự lo.
"Tuần trăng mật là thứ tốn kém một cách vô nghĩa"
Ngọc Sâm và bạn gái sẽ tổ chức hôn lễ vào ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay (20/3). Để có tiền cưới vợ, Ngọc Sâm cho biết suốt 2 năm qua, cậu bạn này đã làm việc hết công suất và luôn chi tiêu ở mức tối thiểu, ngoài tiền ăn, tiền thuê nhà và chi phí đi lại, gần như Ngọc Sâm không mua sắm hay chi tiêu gì cho riêng bản thân mình.
Ngọc Sâm và vợ tương lai |
"Mình quan niệm là đàn ông mà không tự lo được chi phí chụp ảnh cưới, nhẫn cầu hôn và nhẫn cưới thì coi như vứt. 2 năm vừa qua công việc của mình cũng có chút thay đổi, không đến mức thất nghiệp hay lương, thưởng bèo bọt nhưng không được như các năm trước. Thế nên muốn có tiền cưới vợ thì bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu thôi chứ không còn cách nào khác.
Về chi phí tổ chức hôn lễ thì thú thật là bố mẹ mình cũng có hỗ trợ khoảng 40% nên cũng đỡ áp lực hơn một chút" - Ngọc Sâm kể và cho biết thêm tổng chi phí cưới vợ rơi vào khoảng 280 triệu đồng.
Điều đặc mà cậu bạn 27 tuổi này đã chia sẻ với chúng tôi chính là sau khi cưới, Ngọc Sâm và vợ quyết định sẽ không đi tuần trăng mật.
"Không đi tuần trăng mật không phải vì chúng mình không có tiền, hay có tiền mà chi li quá nên không đi. Thực sự là trong suốt 4 năm hẹn hò yêu đương, chúng mình đã đi du lịch cùng nhau nhiều rồi nên việc đi tuần trăng mật thực sự không có ý nghĩa đặc biệt.
Chưa kể, chúng mình đều đang làm việc ở TP.HCM, còn gia đình 2 bên và phần lớn bạn bè thân thiết lại ở Hà Nội. Đám cưới của chúng mình cũng được tổ chức ở Hà Nội luôn. Riêng việc đi lại trước và sau đám cưới cũng đã đủ mệt rồi nên chúng mình quyết định không đi tuần trăng mật nữa. Cả hai đứa đều cảm thấy việc này vừa tốn kém, vừa vô nghĩa ấy" - Ngọc Sâm khẳng định.
Khi được hỏi về kế hoạch tiết kiệm chung, Ngọc Sâm cười xòa: "Ôi có vợ rồi thì mình xác định vợ cho cầm bao nhiêu tiền thì mình cầm chừng đó. Vợ mình làm kế toán nên mình càng yên tâm để vợ quản lý tài chính, chứ đàn ông con trai như mình mà không có vợ thì kiếm bao nhiêu tiêu hết từng ấy, tranh giữ tay hòm chìa khóa với vợ cũng chẳng để làm gì".
Đầu xuân “flex" chuyện tiền nong: Người thoát khỏi khoản nợ hơn trăm triệu đồng, người tiết kiệm được 15 triệu/tháng để đi đầu tư
Cùng lắng nghe hai người trẻ này "flex" về thành tựu tài chính trong ngày đầu năm mới.