Khi lướt mạng xã hội, không khó để bạn bắt gặp ai đó chia sẻ phương pháp quản lý tiền nong hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi học được cách quản lý tài chính, họ cũng từng có không ít những sai lầm tiêu tiền trong quá khứ. Dù ít hay nhiều, chúng cũng sẽ ảnh hưởng đến tư duy về tài chính của họ sau này. Thanh Loan (29 tuổi, TP.HCM) - nhân viên văn phòng trong lĩnh vực giáo dục, là một trong số đó.
Ảnh minh hoạ |
Hoang mang vì chi tiêu ít nhưng cuối tháng luôn hết tiền
Thời gian trước, dù không mua sắm nhiều quá nhiều hay chi tiêu phung phí, thế nhưng Thanh Loan cũng chưa biết kiểm soát chi tiêu một cách chặt chẽ và khoa học.
“Những đơn hàng mua online trên các sàn thương mại điện tử thì hầu như tháng nào cũng có. Mình cũng ít khi ghi lại các hạng mục mà bản thân hay chi tiêu. Sau một thời gian, mình cứ thấy mỗi tháng phần tiền còn lại rất ít, trong khi rõ ràng nhớ bản thân không mua đồ gì quá nhiều. Cũng vì thế, mình bắt đầu ghi ra các hạng mục, nội dung chi tiêu hàng tháng”, Thanh Loan nhớ lại.
Sau khi bắt đầu ghi chép từng khoản tiêu dùng hàng tháng thì đến cuối năm Thanh Loan đã ngồi xuống thống kê lại. Lúc này, Thanh Loan mới giật mình vì hóa ra cô không tiêu xài ít như bản thân vẫn nhầm tưởng.
“Mình đang sống cùng gia đình, còn đang độc thân nên hầu như các chi phí nhà cửa, điện nước, ăn uống là được người thân bao lo hết. Như vậy, những khoản chi hàng tháng đều là dành riêng cho cá nhân. Và mình cũng ngồi dò lại những thứ mình đã chi tiêu. Mình thấy có những món đồ bản thân đã mua về một cách vô ích, những thứ không quá cần thiết mà mình mua chỉ vì yêu thích tức thời, theo trend”, Thanh Loan nói.
Sau cùng, cô nhận thấy việc ghi chép lại các nội dung chi tiêu chỉ giúp Thanh Loan biết bản thân đã tiêu xài lương vào đâu. Tuy nhiên, về lâu dài chúng vẫn chưa thể khiến cô kiểm soát được số tiền cần tiêu và để dành được nhiều tiền tiết kiệm hơn. Đó cũng là lúc, cô bắt đầu nghĩ đến cần có một kế hoạch quản lý tài chính tốt và phù hợp.
Ảnh minh hoạ |
Làm sao để quản lý tài chính tốt?
Với Thanh Loan, ghi chép lại các khoản chi tiêu chỉ là bước đầu tiên trong hành trình quản lý tài chính. Hiện cô đang kiểm soát thu nhập bằng phương pháp 6 chiếc hũ. Tức thu nhập hàng tháng sẽ được phân bổ vào 6 chiếc hũ, hay 6 hạng mục chi tiêu. Khi tiêu dùng, Thanh Loan cần lưu ý chỉ dùng số tiền trong giới hạn cho phép của mỗi chiếc hũ.
Thanh Loan giải thích thêm: “Tùy vào từng người mà sự phân chia tiền vào các hũ có thể thay đổi. Lấy ví dụ với mức lương 10 triệu đồng thì mình sẽ phân chia như sau:
- Hũ 1: Chi phí sinh hoạt tối thiểu (ăn uống, điện nước, xăng xe, dầu gội,...): 55% thu nhập, tương ứng 5,5 triệu đồng.
- Hũ 2: Chi phí tiết kiệm: 15% thu nhập tương ứng 1,5 triệu đồng.
- Hũ 3: Chi phí hưởng thụ (du lịch, mua sắm quần áo,...): 15% thu nhập tương ứng 1,5 triệu đồng.
- Hũ 4: Chi phí học tập, phát triển cá nhân: 10% thu nhập tương ứng với 1 triệu đồng.
- Hũ 5: Chi phí từ thiện: 5% thu nhập tương ứng 500 ngàn đồng.
- Hũ 6: Chi phí đầu tư: 0% thu nhập. Do mình không biết đầu tư gì nên hũ này mình không sử dụng."
Bên cạnh để dành một khoản cố định hàng tháng, Thanh Loan còn thay đổi nhiều thói quen cá nhân để quỹ tiết kiệm ngày càng lớn hơn.
Cô chia sẻ: “Giờ mình ăn sáng và uống cafe pha gói tại nhà. Khi đi làm, mình cũng mang nước theo chứ không dễ dàng gọi mua thêm đồ uống từ bên ngoài như trước. Còn đồ online, mình vẫn mua nhưng sẽ để trong giỏ hàng và ít khi bấm liền nút thanh toán luôn. Sau đó, mình sẽ đợi thêm khoảng 2 tuần mới quyết định có mua chúng hay không”.
So với thời gian trước kia, giờ đây Thanh Loan tự thấy bản thân đã có sẵn một khoản tiết kiệm cố định hàng tháng mà trước đó thì không có. Cô cũng biết cách tự kiểm soát bản thân và cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định mua sắm một món đồ nào đó. Nhờ số tiền tiết kiệm, giờ Thanh Loan đã tự tin hơn và có thêm “nguồn vốn” để theo đuổi nhiều mục đích tài chính trong tương lai. Được biết, khoản tiền này đang được cô dùng để học thêm một tấm bằng Đại học, nếu còn thừa bao nhiêu sẽ cho lại vào quỹ tiết kiệm.
“Bắt đầu từ mốc số 0”: Phương pháp lập ngân sách và quản lý chi tiêu cho người lười ghi chép
Bạn đã bao giờ nghe tới phương pháp Zero-based Budgeting (ZBB) trong quản lý chi tiêu chưa?