Đầu tư vào đâu trong bối cảnh lạm phát tăng cao chưa bao giờ là câu hỏi dễ có lời giải

Đối mặt với nguy cơ lạm phát, đầu tư vào đâu để bảo toàn tài sản là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân, cũng như giới đầu tư.

Ở góc độ kinh tế vĩ mô cơ bản, lạm phát cao thì lãi suất phải cao hơn để hút tiền về. Trong giai đoạn năm 2012, lãi suất tiền gửi ở Việt Nam từng lên đến hơn 20%, nhiều người dân thời điểm đó đã bán hết tài sản là chứng khoán, bất động sản, để gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất cao. Dân đầu tư thường có câu lạm phát là kẻ thù của chứng khoán là vì vậy.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, Chính phủ ưu tiên phục hồi kinh tế khi tung ra gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước đến nay với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 114.000 tỷ đồng dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; gói hỗ trợ lãi suất quy mô khoảng 40.000 tỷ đồng... và tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phá cơ bản tháng 2/2022 tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng năm 2022 tăng 0,67% so với cùng kỳ. Dù vậy, lưu ý là rổ hàng hoá tính CPI không có đất đai, vốn tăng rất mạnh những năm qua.  Do đó, gửi ngân hàng vẫn không phải lựa chọn hấp dẫn khi lạm phát thực tế không hề nhỏ. Với giấy tờ có giá, trái phiếu chính phủ không mấy phổ biến với nhà đầu tư cá nhân, trong khi trái phiếu doanh nghiệp những tập đoàn lớn có nền tảng tài chính, tài sản đảm bảo tốt thì đi kèm với lãi suất không quá cao, chỉ từ 7-9%, trong khi các lô trái phiếu có lãi suất trên 11-12% đồng nghĩa với rủi ro cao hơn.

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, vàng là kênh đầu tư ưa thích, là tài sản trú ẩn khi lạm phát tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường vàng ở Việt Nam không có tính liên thông với thị trường thế giới. Bên cạnh đó, khoảng chênh giá trong nước - quốc tế, cũng như doãn chênh mua - bán lớn, là những rủi ro nhà đầu tư cần cân nhắc. Một yếu tố nữa là FED và các nước phát triển có chủ trương thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát cũng là một trở ngại với vàng trong trung, dài hạn.

Có thể thấy với nền lãi suất thấp, ít nhất là chưa tăng mạnh được, vẫn sẽ là động lực của thị trường bất động sản và chứng khoán. Bất động sản tăng không chỉ nhờ yếu tố tiền rẻ, mà còn được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng, đầu tư công. Cơ sở hạ tầng phát triển đến đâu, bất động sản sẽ tiềm năng đến đó. Cũng có một số lo ngại thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn, thậm chí lao dốc, đóng băng như giai đoạn 2012-2014, nếu Chính phủ đảo ngược chính sách tiền tệ, thắt chặt và hút tiền về. Dù vây, kịch bản này trước mắt vẫn chưa thể diễn ra.

Tương tự với chứng khoán, sau làn sóng phổ cập suốt 3 năm qua, chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư phổ thông, tiếp cận nhiều lớp nhà đầu tư mới, đặc biệt là thế hệ nhà đầu tư có tuổi đời trẻ, có khả năng học hỏi và tích luỹ kiến thức, tài chính. Đây là lớp nhà đầu tư bền vững, sẽ gắn bó lâu dài với thị trường, không hẳn chỉ phụ thuộc vào yếu tố cung tiền.

Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng nóng, các lớp cổ phiếu đã được nâng lên một mặt bằng giá mới, đầu tư chứng khoán đã không còn dễ “ăn”, mà cần phải có sự chọn lọc. Ví dụ rõ ràng nhất, dù giá dầu tăng cao nhưng không phải cổ phiếu ngành dầu khí nào cũng hưởng lợi. Đơn cử, POW và PVD trong tháng 2/2022 báo lỗ ròng lần lượt 118 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền thông minh liên tục luân chuyển tìm kiếm cơ hội giữa các nhóm ngành, trước là bất động sản, xây dựng, nay là cổ phiếu hàng hóa, logistics... Do vậy, nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận tốt, bền vững trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn này cần có kiến thức, kỹ năng, và chiến lược đầu tư hợp lý. Với những nhà đầu tư mới, khả năng thua lỗ là hoàn toàn xảy ra. Nhìn chung, nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể mua bất động sản, chứng khoán, nhưng cần có sự chọn lọc, kiến thức, kinh nghiệm, tránh FOMO, “đu” sóng. Với những ai ưu tiên sự an toàn, thì có thể gửi tiền vào ngân hàng, mua bảo hiểm, trái phiếu.

Xung đột chiến sự giữa Nga – Ukraine, cùng các chính sách cấm vận của Phương Tây với Nga đã đẩy giá dầu tăng rất mạnh. Theo dữ liệu từ marketwatch, dầu WTI giao sau hiện giao dịch quanh 108,7 USD/thùng, tăng 27% trong 1 tháng qua và tăng khoảng hơn 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là vùng giá kỷ lục của dầu WTI trong lịch sử, chỉ thấp hơn mức đỉnh 140 USD/ thùng năm 2008. Dầu là năng lượng quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu tăng nhanh gây áp lực lớn lên chi phí đầu vào của tất cả các loại hàng hoá, đẩy lạm phát gia tăng, đồng nghĩa với tiền bị mất giá.

Tổng Hợp