Từ báo cáo này của WB, tờ Nikkei (Nhật Bản) cùng ngày cho rằng Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu tăng trưởng châu Á trong khi kinh tế Trung Quốc chững lại.
Theo báo cáo của WB Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương tháng 10/2022, các động lực tăng trưởng của Việt Nam dự kiến xoay quanh nhu cầu ở cả trong và ngoài nước ở mức trung bình, từ ngành chế biến, chế tạo đến ngành dịch vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
WB nhận định, sau một thời gian "bị đình trệ" do cuộc khủng hoảng COVID-19, tốc độ giảm nghèo "dự kiến sẽ tăng lên", với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,7% vào năm 2021 xuống còn 3,3% vào năm 2022.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam "đang phải đối mặt với những rủi ro suy thoái ngày càng lớn" liên quan đến sự suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính, lạm phát cao hơn và rủi ro tài chính gia tăng.
Các rủi ro từ bên ngoài gồm "áp lực lạm phát toàn cầu dai dẳng và suy giảm kinh tế sâu hơn dự kiến" của các đối tác thương mại chính của Việt Nam và sự gián đoạn tiếp diễn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, rủi ro trong nước bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến, tình trạng thiếu lao động được ghi nhận trong các khu vực sản xuất và rủi ro tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng.
Trong ấn phẩm ra ngày 27/9, Nikkei nhận định dù đà tăng trưởng của Việt Nam đang nỗ lực kéo cả khu vực, nhưng vẫn không đủ mạnh để bù đắp cho nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.
Trong dự báo kinh tế mới nhất được công bố ngày 27/9, WB đã hạ mức tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 2,8% so với mức 5% trong tháng 4/2022, qua đó, hạ mức dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực xuống còn 3,2% trong năm 2022, giảm so với mức dự báo tăng trưởng 5% hồi tháng 4/2022.
Báo cáo của WB bao gồm khu vực Đông Á, Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương, nhưng không bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong khi Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu khu vực, thì triển vọng đối với Indonesia không đổi (ở mức 5,1%). Trừ Trung Quốc, khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5,3% trong năm 2022.
Chuyên gia kinh tế trưởng của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Aaditya Mattoo cho rằng động lực tăng trưởng lớn của khu vực hiện nay là nhờ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.
WB dự báo Philippines, Thái Lan và Campuchia sẽ trở lại mức sản lượng trước đại dịch vào cuối năm 2022. Sản lượng ở Trung Quốc trước đó đã phục hồi và vượt mức trước đại dịch, tiếp tục bỏ xa khu vực mặc dù tăng trưởng chậm lại.
Các khoản đầu tư hỗ trợ tăng trưởng dài hạn là cần thiết do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của khu vực có dấu hiệu suy yếu. WB ghi nhận các báo cáo hàng quý từ các nhà bán lẻ Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu thụ hàng điện tử đang chậm lại, nhiều mặt hàng trong số đó được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia.
Suy thoái ở các nền kinh tế lớn trong năm 2022 có thể làm thâm hụt hơn 1 điểm phần trăm tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Malaysia chịu thiệt hại lớn nhất, ở mức 0,8 điểm phần trăm.
Trước đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023, đồng thời khẳng định, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
(Nguồn: WB/Nikkei/VOA)