Theo quy định của Luật đầu tư về việc giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư, thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định giao cơ quan có thẩm quyền đầu tư, kinh doanh cảng hàng không mới là của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, chủ trương chung của Đảng trong phát triển kết cấu hạ tầng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và huy động tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước, theo Dân Việt.
"Bộ GTVT đang hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng càng hàng không để báo cáo cấp có thẩm quyền", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Bộ GTVT đã đề xuất định hướng huy động nguồn vốn đầu tư cảng hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư và kiến nghị một số cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, tài sản công… làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tại Nghị quyết số 154/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24/2022 của Bộ Chính trị đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện dự án nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã giao "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quy hoạch cảng hàng không mới bao gồm cả cảng hàng không Biên Hòa, Thành Sơn.
Qua đó, xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện đầu tư cảng hàng không theo phương thức PPP; triển khai đầu tư khi bảo đảm hiệu quả, an toàn, đánh giá đầy đủ tác động có liên quan.
Đối với sân bay Biên Hòa, Thành Sơn, Bộ GTVT cho rằng, việc UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án cảng hàng không Biên Hòa là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ.
Thời gian qua, một số địa phương đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư cảng hàng không mới theo phương thức đối tác công tư như Cảng hàng không quốc tế (Cảng HKQT) Vân Đồn, cảng hàng không Quảng Trị, Sa Pa.
Bộ GTVT đánh giá, các dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng miền, kết nối quốc tế. Trong đó, Cảng HKQT Vân Đồn đã đưa vào khai thác từ năm 2018, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và của quốc gia nói chung.
Cảng hàng không Quảng Trị đã lựa chọn nhà đầu tư và đang triển khai thực hiện. Cảng hàng không Sa Pa đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: "Việc triển khai các dự án nêu trên đã ghi nhận những thành công bước đầu trong việc áp dụng chủ trương, chính sách về phân cấp, phân quyền, huy động nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước đối với kết cấu hạ tầng cảng hàng không".
Bộ GTVT thống nhất chủ trương giao UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án cảng hàng không Biên Hòa.
Do sân bay Biên Hòa được hình thành trên cơ sở tận dụng quỹ đất, kết cấu hạ tầng của sân bay Biên Hòa do Bộ Quốc phòng quản lý nên phương án khai thác lưỡng dụng cần có sự thống nhất của Bộ Quốc phòng.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, phối hợp và hỗ trợ UBND tỉnh Đồng Nai trong quá trình thực hiện.
Sân bay Quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, thuộc địa phận thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), cách Sân bay Tân Sơn Nhất của TP.HCM khoảng 30km.
Sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM , có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động. Sân bay Biên Hòa đã có sẵn hai đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay…
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa được quy hoạch thành sân bay quốc nội để khai thác lưỡng dụng với công suất khai thác đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 đạt 10 triệu hành khách/năm, theo Chinhphu.vn.
Khi Sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác dân sự, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước sở hữu cùng lúc hai sân bay phục vụ dân sự-thương mại là sân bay Quốc tế Long Thành và sân bay lưỡng dụng Biên Hòa.