Dự thảo đang được lấy ý kiến, nhưng nhiều người đang có ý định mua nhà ở xã hội đã tỏ ra lo lắng. Đề xuất "siết" cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, người thu nhập thấp bấp bênh trước cảnh khó có nhà để ở tại đô thị...
Việc loại trừ hoàn toàn đối tượng người dân vay mua, thuê nhà ở xã hội khỏi nhóm ưu đãi lãi suất ở khối ngân hàng thương mại chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho những người thu nhập thấp.
Theo Bộ Xây dựng, nguồn vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách đang thiếu. Giai đoạn 2018-2020, vốn đã bố trí cho nhà ở xã hội mới đạt 1.261,208 tỷ đồng, chỉ bằng 12% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội mới chỉ được cấp 500 tỷ đồng. Hiện Bộ này vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ "nút thắt" vốn.
Đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ "tước bỏ" chính sách cốt lõi của nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Theo Chủ tịch HoREA, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các điều khoản khác của Luật Nhà ở 2014.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Điểm đáng chú ý là đối tượng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ. Với đề xuất quy định trên, người dân muốn mua nhà ở xã hội chỉ còn một phương án duy nhất là tới Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm. Thế nhưng, theo quy định hiện tại, người dân muốn được vay tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội phải chịu chi phối của nhiều quy định ngặt nghèo.
Các chính sách của nước ta tương đồng như chính sách nhà ở xã hội tại nhiều nước công nghiệp phát triển. Bên cạnh chính sách cho vay ưu đãi về tín dụng nêu trên thì nhà nước ta còn có thêm các chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Nếu theo dự thảo mới của Ngân hàng Nhà nước, từ nay sẽ chỉ có những người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại. Điều này khiến nhiều người lo lắng về cơ hội vay vốn ưu đãi để mua nhà của người thu nhập thấp ngày càng khó và sẽ dần bị thu hẹp.
Hiện nay, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội, một số ngân hàng thương mại khác cũng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… Mỗi năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội và huy động thêm 50% từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở. Còn các ngân hàng thương mại tự huy động 100% vốn để cho vay và được cấp bù một phần lãi suất.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)