Dịch tả heo châu Phi tái phát trở lại tại Quảng Bình

Hiện dịch tả heo châu Phi tái phát trở lại tại một số tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình, Nghệ An đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức tái đàn.

Địa bàn huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) có khoảng 23.000 con heo hơi tại các trang trại và hộ gia đình. Hiện đã có 26 con bị chết bởi dịch tả heo châu Phi .

Sau bão lũ, sinh kế của hàng ngàn hộ dân đã bị thiệt hại, nay những hy vọng về đàn heo hơi để khôi phục sản xuất, chuẩn bị Tết Nguyên Đán lại bị đe dọa bởi dịch bệnh tả heo châu Phi đang tái phát tại nhiều nơi, khiến người chăn nuôi hoang mang.

Các ban, ngành chức năng của tỉnh Quảng Bình đang nỗ lực phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại của các hộ chăn nuôi, đồng thời thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời để ngăn chặn dịch lây lan.

Dịch tả heo châu Phi tái phát trở lại tại Quảng Bình

Tương tự, trên địa bàn huyện Kì Sơn, tỉnh Nghệ An đã công bố dịch tả heo châu Phi tại 4 xã Na Loi, Bắc Lí, Phà Đánh và Mường Lống.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Kì Sơn cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát dịch tả heo châu Phi tại địa bàn huyện là do một số địa phương đã có dịch từ trước, sau một thời gian khống chế thì nay gặp thời tiết giao mùa, mầm bệnh gặp điều kiện thích hợp đã bùng phát trở lại.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát heo từ vùng xuôi lên còn gặp nhiều khó khăn, việc thả rông gia súc theo tập quán chăn nuôi của bà con vùng cao còn diễn ra phổ biến cũng là những nguyên nhân khiến dịch bệnh tái phát và lây lan nhanh.

Kì Sơn có tổng đàn heo khoảng 25.000 con, chính quyền các địa phương hiện đang chủ động các biện pháp phòng, chống dịch để giữ được tổng đàn, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, theo thông tin từ báo Nghệ An. 

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại hơn 1.500 xã của 50 tỉnh, thành phố. Virus DTHCP có khả năng còn lưu hành, tồn tại trong môi trường và đàn heo khá cao.

Bộ NN&PTNT nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 (vụ Đông Xuân) là rất cao do các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh để phục vụ nhu cầu trong thời gian trước, trong và sau Tết Tân Sửu. 

Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, công tác tổ chức tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ, tỷ lệ tiêm phòng thấp. Công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh còn rất hạn chế, nhiều nơi chưa nắm bắt kịp thời, chậm báo cáo tình hình dịch bệnh. 

Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện tại tuyến cơ sở dẫn đến dịch bệnh dây dưa kéo dài, nguy cơ lây lan ra diện rộng cao. 

(Tổng hợp).

P.P

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương