Diện mạo cá nhân của các hoạ sĩ Đa diện

Với gần 50 tác phẩm trưng bày, chúng ta có thể thấy sự thay đổi của mỗi hoạ sĩ cả về kỹ thuật thể hiện cũng như về nhận thức thẩm mỹ.

Sau thời gian bị trì hoãn vì đại dịch Covid, triển lãm mỹ thuật lần thứ tư của nhóm các hoạ sĩ Đa diện sẽ được khai mạc vào 18h ngày 16 tháng 7 năm 2020 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Tham gia triển lãm lần này, có các tên tuổi như Nguyễn Minh (Minh Phố), Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng rô), Chu Viết Cường, Dương Tuấn, Nguyễn Huân, Nguyễn Công Hoài, Nguyễn Minh (Minh béo), Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Khổng Đỗ Duy, Bùi Hoàng Dương, Phạm Tuấn Phong. Đặc biệt, với quan điểm về nghệ thuật không biên giới, bên cạnh thầy giáo, hoạ sĩ Trần Huy Oánh, khách mời lần này của Đa diện 4 còn có các nghệ sĩ quốc tế: Igors Gaivoronskis (Latvia), Helidon Haliti (Albania) và Besnik Xhemaili (Kosovo). Đây cũng là một nỗ lực đáng trân trọng của các nghệ sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng yêu nghệ thuật.

Có thể nói, thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã tác động rất nhiều đến đời sống và sáng tác của các nghệ sĩ. Các hoạ sĩ, vốn đã quen làm việc riêng lẻ, dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến thói quen làm việc của họ, nhưng cũng khiến họ có thời gian hơn, có quãng lùi, để nghiền ngẫm, suy tính nhiều hơn về việc thực hành hội hoạ. Đây cũng là quãng thời gian khám phá lại bản thân của các hoạ sĩ nhóm Đa diện.

Với gần 50 tác phẩm trưng bày, chúng ta có thể thấy sự thay đổi của mỗi hoạ sĩ cả về kỹ thuật thể hiện cũng như về nhận thức thẩm mỹ. Cũng có thể nói, đây là cuộc tìm kiếm diện mạo cá nhân của nhóm các nghệ sĩ trong một hành trình chung. Cá tính sáng tạo đã được xác lập và khẳng định qua chủ đề, phong cách cũng như ngôn ngữ tạo hình của mỗi hoạ sĩ được thể hiện qua từng tác phẩm. 

Sự đa dạng của Đa diện không chỉ ở số lượng và tên tuổi các hoạ sĩ tham gia mà còn được nhất quán thể hiện qua bút pháp, chủ đề của các tác phẩm; từ tranh phong cảnh với bút pháp hiện thực trong tranh sơn dầu của Dương Tuấn hay tranh sơn mài của Chu Viết Cường, lãng mạn, tình cảm với sinh hoạt, đời sống của Nguyễn Minh (béo) đến ngôn ngữ trừu tượng mơ hồ trong các tác phẩm của Phạm Tuấn Phong.

Từ những ý niệm đầy trăn trở về các ranh giới của đời sống, của cảm xúc trong tranh Nguyễn Huân đến các tác phẩm của Nguyễn Mạnh Hùng, Khổng Đỗ Duy, Nguyễn Minh (Minh Phố) với một bút lực chắc chắn và năng lực sáng tạo dồi dào theo xu hướng biểu hiện trừu tượng về một thế giới tinh thần đầy khác biệt. Các hoạ sĩ Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Công Hoài thì khai thác những góc nhìn riêng biệt về nhân sinh qua hình ảnh những dáng người, mặt người, trong cuộc độc thoại triền miên của người nghệ sĩ. 

Một số tác phẩm tham gia triển lãm:

  Dãn cách xã hội là một trải nghiệm thú vị, ta buộc phải đối mặt với bản thân nhiều hơn, và khi cuộc sống dường như chậm lại thì mọi khoảng cách dường như dãn ra. Dấu vết đó tạo nên những khoảng trống vô cùng trên mặt tranh như một ẩn dụ về nỗi cô đơn mơ hồ mà con người phải gánh chịu. (Tranh sơn dầu Độc Thoại của Tào Linh)

Dãn cách xã hội là một trải nghiệm thú vị, ta buộc phải đối mặt với bản thân nhiều hơn, và khi cuộc sống dường như chậm lại thì mọi khoảng cách dường như dãn ra. Dấu vết đó tạo nên những khoảng trống vô cùng trên mặt tranh như một ẩn dụ về nỗi cô đơn mơ hồ mà con người phải gánh chịu. (Tranh sơn dầu Độc Thoại của Tào Linh)

Bức Thân thế - sơn dầu trên toan của Doãn Hoàng Lâm 
Bức Thân thế - sơn dầu trên toan của Doãn Hoàng Lâm 
"Giận hờn" của Bùi Hoàng Dương
  Phố #6 của Minh

Phố #6 của Minh "Phố". Anh chia sẻ: "Đến với Đa diện 4 tôi mang đến những tác phẩm mới nhất về những biểu đạt khác về Phố, lần đầu tiên Phố được biểu đạt với ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng. Phố lúc này có khi là hình ảnh đầy đủ của phố, có khi chỉ là nét khái quát, có khi chỉ là “ý niệm phố” ở các chấm, các ô. Thời kỳ này cũng là lần đầu tiên đưa khối lập phương vào tranh, nó có thể như khối đa diện, có thể như khối rubic. Nó chứa đựng bên trong các di sản, các dấu tích của văn hóa nói chung, tôi muốn người xem phải tự đặt những câu hỏi để tự vấn mình và rồi tự trả lời "đó là hóa thạch về nền văn hóa? hay hóa thạch về chứng tích của các di sản?...chúng ta cần làm gì? ..." và mỗi câu trả lời đều là những thông điệp gửi đến cho chúng ta".

"Thiên nhiên hoang dã" của Nguyễn Mạnh Hùng 
Sơn dầu
Sơn dầu "Đượm thu" của Khổng Đỗ Duy 

"Ranh giới cảm xúc" của Nguyễn Huân. Anh cho biết: "Ranh giới là giới hạn tư duy của con người với con người, là tâm lý cảm xúc. Là khoảng cách giữa văn hóa và chính trị hay tôn giáo, giữa cái sống và cái chết, giữa chiến tranh và hòa bình....Ranh giới cảm xúc là sự thăng hoa  hay bế tắc của nghệ sỹ, là sự gào thét hay dịu dàng, là điên loạn hay lãng mạn, vv... Tôi chọn Ranh giới làm đề tài xuyên suốt trong quá trình sáng tác. Nó cũng là sự so sánh giữa vật chất và tinh thần. Là mâu thuẫn so sánh tâm lý con người với con người , động vật với động vật, côn trùng với côn trùng, tế bào với tế bào,..Tất cả đều được thể hiện trên tranh với ngôn ngữ nghệ thuât mầu sắc, hình khối, đường nét hay những tín hiệu, ám hiệu chung hoặc riêng mà cá nhân mình muốn nói, muốn thể hiện...muốn nó trở thành thông điệp của cái tôi. Cái thông điệp chỉ mình có bằng tác phẩm nghệ thuật".

"Hoa của nắng" của Phạm Tuấn Phong. Anh chia sẻ: "Các bức tranh trừu tượng mà bạn đang xem đây thường được bắt đầu một cách vu vơ với việc chọn một ống sơn bất kỳ, vẽ một nét hay một mảng bất kỳ trên toan. Nhát bút đó, mảng màu đó sẽ dẫn dụ cảm xúc của tôi đi vào hành trình trừu tượng. Trên hành trình đó tôi thường bắt gặp những náo động ,khi đó tôi trấn tĩnh để chọn lọc, cùng lục lọi trong ký ức của mình một hình tượng ngõ hầu có thể cộng hưởng với những trải nghiệm của hội hoạ để chưng cất cho được một cảm xúc. Cảm xúc đó sẽ khiến tôi hoàn thành bức tranh. Bức tranh có thể nguệch ngoạc ,ngu ngơ hay gọn gàng, nhưng đó là dòng nhật ký ghi lại những cảm giác của tôi trong không gian đó, với thực tại đó-và giờ đã là quá khứ"

 
 "Chai sạn" của Nguyễn Công Hoài

"Trong vườn" của Minh "Béo". Bộ tranh thể hiện đời sống gần gũi xung quanh. Vẽ cái bình yên lấp đi vẻ hoạt náo nhanh vội hàng ngày. Ở đó con người được nghỉ ngơi giữa thiên nhiên hoa lá. Lấy tinh thần sát với cuộc sống để cách diễn tả được nhẹ nhàng và đơn giản hơn .  

"Phong cảnh Mộc Châu" của Dương Tuấn. Họa sỹ chia sẻ: "Đến với triển lãm ĐA DIỆN lần này, tôi vẽ những bức tranh sơn dầu khổ lớn về phong cảnh Mộc Châu, nơi có những bản làng của đồng bào dân tộc sinh sống , ở đây cảnh vật , không gian .thời gian như trôi chậm lạiđể tạo cho con người có không gian thư thái, thanh bình và thấy đc hơi thở của chính mình.Tôi muốn chuyền tải tất cả những điều ấy một cách mộc mạc và chân thành nhất đến với công chúng yêu hội họa."

 Sơn mài
 Sơn mài "Xuân trên đá" của chu Viết Cương

Triển lãm mỹ thuật Đa diện 4 mở cửa đón tiếp anh em, bạn bè đồng nghiệp, các nhà sưu tập và công chúng yêu nghệ thuật từ 9h đến 18h các ngày từ 16 đến 21 tháng Bảy năm 2020.

Thanh Mai

Các bộ truyện tranh kinh điển Slam Dunk, Yaiba.... sẽ quay lại Việt Nam vào 2020

Các bộ truyện tranh kinh điển Slam Dunk, Yaiba.... sẽ quay lại Việt Nam vào 2020

"Từ giờ đến cuối năm NXB sẽ phát hành rất nhiều tựa sách, cả sách kinh điển lẫn sách mới", đại diện NXB Kim Đồng cho biết.