H&M và Zara đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng trong những năm gần đây để cắt giảm chi phí khi ngày càng nhiều người mua sắm chuyển sang thương mại điện tử. Bây giờ họ đang đầu tư vào những thứ còn lại để thu hút khách hàng chuyển sang trải nghiệm trực tiếp tại cửa hàng.
Không gian mua sắm mới mẻ với thiết kế hiện đại và tối giản, hứa hẹn mang đến những khoảng thời gian mua sắm tuyệt vời.
Các cửa hàng mới cung cấp thêm các dịch vụ thẩm mỹ viện, trạm sửa chữa và quán cà phê, đồng thời kích hoạt các tính năng kỹ thuật số mới như ứng dụng cho phép người mua sắm có thể xem hàng trực tiếp trong kho của nhãn hàng.
Henrik Nordvall, giám đốc kinh doanh của H&M tại Vương quốc Anh cho biết: "Bây giờ vấn đề là tương tác với người tiêu dùng và mang lại cho họ trải nghiệm".
Nordvall cho biết tại cửa hàng được thiết kế lại gần đây trên Phố Regent ở London, lượng người qua lại quan trọng hơn số liệu bán hàng. Trong khi doanh số bán hàng tại cửa hàng vẫn tăng cao, nhiều khách hàng dành thời gian ở đó để thử đồ và sau đó mua quần áo trực tuyến.
Cửa hàng đã được tân trang lại này có màn hình TV cao từ trần đến sàn, lớn nhất so với bất kỳ cửa hàng nào ở Châu Âu. Một quầy làm đẹp để khách hàng đặt dịch vụ chăm sóc nails và khu vực cho thuê đồ - đặc biệt là những bộ quần áo tương đối đắt tiền từ sự hợp tác của các nhà thiết kế H&M.
Nordvall cho biết kể từ khi thay đổi, thời gian trung bình của một chuyến ghé thăm của khách hàng đã tăng lên đáng kể.
Bằng cách biến các cửa hàng của họ thành điểm đến mà người mua sắm tích cực tìm kiếm và dành thời gian, các nhà bán lẻ thời trang đang định nghĩa lại cửa hàng quần áo cho thời đại kỹ thuật số.
Patricia Cifuentes, nhà phân tích tại công ty quản lý tài sản Bestinver, cho biết các nhà bán lẻ từng cần một mạng lưới cửa hàng lớn "để tiếp cận mọi người, nhưng giờ họ đã có Internet để làm điều đó". Bây giờ các cửa hàng quan tâm đến hình ảnh thương hiệu, chúng giống như những địa điểm du lịch.
Không phải nhà bán lẻ nào cũng đi theo cách tiếp cận của các thương hiệu thời trang lớn toàn cầu. Ví dụ, Macy's đang mở các cửa hàng nhỏ hơn như một cách đưa thương hiệu của mình đến những nơi mà khách hàng thực hiện công việc vặt hàng ngày của họ.
Đối với những ông lớn thời trang toàn cầu, sự chuyển đổi sang số lượng cửa hàng ít nhưng chú trọng chất lượng hơn đang diễn ra. Mặc dù khoản đầu tư có thể phản tác dụng nếu các cửa hàng không thu hút được lượng khách ghé thăm bền vững nhưng hiện tại, chiến lược này dường như đang phát huy tác dụng.
Inditex - công ty mẹ của Zara đã loại bỏ 1/4 số cửa hàng của mình kể từ năm 2018 và hiện có 5.745 địa điểm trên toàn bộ thương hiệu của mình, bao gồm cả Bershka và Massimo Dutti. Tuy nhiên, tổng doanh thu từ các cửa hàng của tập đoàn Tây Ban Nha đã tăng 8% vào năm 2022 so với 4 năm trước đó, với trung bình mỗi cửa hàng bán được nhiều hơn 30%.
Giám đốc điều hành Oscar Garcia Maceiras cho biết, sau khi đóng cửa các địa điểm yếu hơn và nâng cấp các địa điểm còn lại, họ đã có lại một mạng lưới các cửa hàng lớn hơn, tốt hơn và đẹp hơn ở những điểm bán lẻ tốt nhất trên toàn cầu.
Mặc dù nhìn chung vận hành ít cửa hàng hơn nhưng Inditex đã tăng ngân sách chi tiêu vốn cho năm 2023 thêm 14%, lên 1,6 tỷ euro (1,7 tỷ USD), một nửa trong số đó được dành để cải thiện các cửa hàng.
Phần lớn số tiền đó được chi cho việc triển khai thiết kế cửa hàng Zara mới ở Mỹ, Baton Rouge và San Antonio, để làm cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên thú vị hơn. Các cửa hàng có nhiều không gian rộng mở hơn, nổi bật các bộ sưu tập riêng lẻ.
Zara có một đội ngũ kiến trúc sư nội bộ thiết kế các cửa hàng của mình và sử dụng các cửa hàng thí điểm tại trụ sở chính ở Tây Ban Nha để thử nghiệm các cách bố trí mới.
Garcia, người thường xuyên ghé thăm các cửa hàng Zara trên khắp thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng các quản lý cửa hàng thường xuyên nói với anh rằng họ muốn mở rộng vì chỉ những cửa hàng lớn hơn mới có thể đáp ứng hầu hết hoặc toàn bộ nhu cầu của Zara.
Cửa hàng Zara ở Miami là một trong những cửa hàng được hưởng lợi từ động thái hướng tới quy mô lớn hơn và tốt hơn. Theo Garcia, cửa hàng này được tăng gấp đôi quy mô để mang lại trải nghiệm rộng rãi hơn mà công ty muốn mang lại.
Zara đã nhận thấy rằng các cửa hàng lớn hơn sẽ có năng suất cao hơn. Garcia cho biết, mặc dù các cửa hàng ngày càng lớn hơn nhưng doanh số bán hàng trên mỗi foot vuông hiện tăng 16% so với năm 2019.
Zara đang thí điểm các cửa hàng của mình với công nghệ mới như các điểm nhận hàng và trả hàng cũng như các khu vực tự thanh toán hoàn toàn tự động. Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng Zara để kiểm tra trong kho xem liệu mặt hàng đó có đủ kích cỡ của họ hay không.
H&M đã giảm số lượng cửa hàng của mình xuống 14% so với mức đỉnh năm 2019, hiện chỉ còn 4.375 cửa hàng. Công ty không chia doanh thu giữa doanh thu thực tế và trực tuyến vì cho biết hai bộ phận kinh doanh này bổ sung cho nhau.
H&M đã tăng ngân sách chi tiêu vốn 43% cho năm 2023 lên khoảng 1 tỷ USD, một phần là để thúc đẩy quá trình hiện đại hóa cửa hàng.
Nordvall, giám đốc người Anh cho biết, ngay cả trước đại dịch Covid-19, các lãnh đạo của H&M đã nhận ra rằng đã đến lúc phải cập nhật cửa hàng thực tế để mang lại trải nghiệm hấp dẫn hơn. Khi đại dịch dẫn đến doanh số bán hàng trực tuyến tăng vọt, công ty đã tranh thủ tăng tốc nỗ lực thiết kế lại các cửa hàng của mình.
Việc cải tạo cửa hàng của thương hiệu Thụy Điển trên Phố Regent ở London nhằm mục đích khuyến khích khách hàng dành nhiều thời gian hơn ở đó. Nó có một khu vực đồ cũ, các tác phẩm điêu khắc Lego trong khu vực dành cho trẻ em và các phòng thử đồ được tích hợp chức năng selfie.
H&M cũng sử dụng cửa hàng này để tổ chức các sự kiện dành cho những người mua hàng đăng ký chương trình thành viên của mình. Vào tháng 11, hãng đã tổ chức một bữa tiệc đánh dấu sự ra mắt hợp tác với nhà mốt Rabanne.
Thương hiệu Nhật Bản Uniqlo vẫn đang mở rộng sang các thị trường phương Tây, nơi dấu ấn của nó nhỏ hơn đáng kể so với H&M và Zara, nhưng hãng cũng đang mở các cửa hàng được gọi là điểm đến.
Cửa hàng mới khai trương gần đây của chuỗi tại Covent Garden, London, nằm trong một tòa nhà từ thời Victoria. Cửa hàng đã được cải tạo lại với khoảng sân ngập nắng rực rỡ bên dưới mái vòm bằng kính. Có một quán trà Nhật Bản ở tầng trên ban công và một cửa hàng hoa nhỏ ở tầng dưới.
Du khách có thể sử dụng máy để in các thiết kế áo phông của riêng mình, thay hoặc sửa quần áo tại trạm sửa chữa của cửa hàng và nằm dài trên những chiếc ghế thoải mái trong khi xem sách trên bàn cà phê.
Taku Morikawa, Giám đốc điều hành của Uniqlo Châu Âu, cho biết trong buổi thuyết trình gần đây, trong khi doanh số bán hàng trực tuyến đang tăng lên, các cửa hàng điểm đến "đã trở thành động lực mang lại thu nhập ở châu Âu", cũng như những nơi mà thương hiệu truyền đạt những gì họ đại diện.
Ông cho biết, chỉ có trải nghiệm đáng nhớ tại cửa hàng mới khiến khách hàng tin tưởng và nâng cao danh tiếng thương hiệu.
(Nguồn: WSJ)