Doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khi siết huy động trái phiếu

Một chuyên gia tài chính độc lập cho rằng, không ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết có điểm xếp hạng sơ bộ chất lượng tín dụng ở mức thấp và khoản đầu tư trái phiếu được xem là “có yếu tố đầu cơ”. Mặt khác, việc nợ trái phiếu chiếm một phần lớn trên tổng nợ vay của các doanh nghiệp bất động sản nên chất lượng tín dụng không chỉ là vấn đề của thị trường trái phiếu, mà còn ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Chưa bao giờ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng như thời gian qua, nên việc Ngân hàng Nhà nước siết lại là điều dễ hiểu. Có thể nhìn nhận thế này, khi việc siết tín dụng địa ốc được đưa ra thì các ngân hàng lách bằng việc mua trái phiếu của doanh nghiệp, sau đó cho thế chấp trái phiếu, cổ phiếu nên rủi ro về nguồn vốn là rất lớn. Thực ra, đây là một hình thức đảo nợ, cho nên việc yêu cầu các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu địa ốc từ ngày 15/1/2022 sẽ khiến dòng vốn vào doanh nghiệp địa ốc bị thắt lại

Từ ngày 15/1/2022, Thông tư số 16/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực. Theo đó, các tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Còn theo báo cáo của FiinRating, trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết vốn có sức khỏe tài chính yếu, thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) ở mức rất cao, lên tới 8,1 lần, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp niêm yết chỉ là 2,5 lần.

Động thái này của Ngân hàng Nhà nước, cùng với lộ trình siết tín dụng bất động sản đang được các thành viên thị trường rất quan tâm. Trong đó, nhiều quan điểm cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để tránh “bong bóng”, sàng lọc các doanh nghiệp yếu, giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững hơn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong 2 năm 2020 và 2021, số tiền đầu tư vào trái phiếu địa ốc rất lớn, nếu doanh nghiệp phát hành không đủ nguồn lực trả nợ sẽ dễ dẫn đến rủi ro vỡ nợ. Theo ông Hiếu, các trái phiếu địa ốc phát hành năm 2021 đến nay do thời gian còn ngắn nên sẽ chưa đối mặt với rủi ro vỡ nợ, đơn vị phát hành vẫn có dòng tiền để trả cho nhà đầu tư, nhất là với các chủ đầu tư đang có dự án triển khai và tạo được dòng tiền. Tuy nhiên, nếu hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trong năm 2022 thì những yếu kém sẽ bộc lộ rõ hơn và khi đó, nguy cơ mất khả năng thanh toán dẫn đến vỡ nợ cũng rõ ràng hơn.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã ban hành quyết định xử phạt hành chính hai tổ chức phát hành và một công ty chứng khoán vì vi phạm các quy định liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trước đó, trên cơ sở những phản ánh của báo chí và cảnh báo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu bộ này thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản.

Theo Bộ Tài chính, 11 tháng đầu năm nay, có 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng khối lượng phát hành trên 495.000 tỷ đồng. Trong đó, có tới 803 đợt phát hành riêng lẻ, chiếm 94,5%. Đáng lưu ý, một nửa số trái phiếu doanh nghiệp nói trên không có tài sản đảm bảo, số còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và khó định giá chính xác.

Thậm chí, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành riêng lẻ đầu năm 2021, có tới 26 doanh nghiệp thua lỗ trong 6 tháng đầu năm. Luật Chứng khoán và Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ quy định, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP yêu cầu đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (có chứng chỉ hành nghề, nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng). Tuy vậy, nhiều công ty chứng khoán sẵn sàng nhận một khoản phí để “phù phép” biến nhà đầu tư cá nhân thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hậu quả là thời gian qua, trái phiếu “3 không” (không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán) xuất hiện tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư và cho cả hệ thống tài chính.

Tổng Hợp