Doanh nhiệp đầu tiên tại Nhật Bản nộp đơn xin phá sản do COVID-19

Một khách sạn ở tỉnh Aichi, Nhật Bản cho biết sẽ nộp đơn xin phá sản do lượng khách hàng giảm mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19, theo Japan Times.

Sau nhiều ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) mới được phát hiện, Chính phủ Nhật Bản hiện đang gia tăng nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của loại virus nguy hiểm này. 

Vào thứ Hai vừa qua, Bộ Y tế Nhật Bản ban hành những hướng dẫn cho những người dân hiện đang gặp phải những triệu chứng giống dịch bệnh Covid-19. Với những hướng dẫn này, Chính phủ Nhật Bản hy vọng người dân sẽ không ồ ạt đến khám ở các bệnh viện và trung tâm y tế.

Bộ hướng dẫn được ban hành sau cuộc họp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các chuyên gia y tế vào cuối tuần qua. Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato cảnh báo rằng nước này sắp “bước vào một giai đoạn mới” trong đợt bùng phát dịch Covid-19.

“Chúng tôi yêu cầu người dân tránh những cuộc gặp đông người không cần thiết. Chúng tôi khuyến khích người cao tuổi và những người có tiểu sử bệnh mãn tính tránh những nơi đông người,” Bộ trưởng Katsunobu Kato phát biểu ngay sau cuộc họp.

Do sự khó khăn trong việc tìm ra nguồn lây nhiễm, Nhật Bản có thể sẽ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới trong tương lai. Vì thế, ông Katsunobu Kato nhấn mạnh các cơ quan y tế cần tự chuẩn bị để phòng chống sự lây lan của virus Covid-19 trong thời gian tới.

Với sự bùng phát của dịch Covid-19, rất nhiều người dự đoán ngành công nghiệp du lịch và kinh tế của Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trong năm nay, các địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản ghi nhận lượng khách giảm sút do trước đó Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm người dân du lịch nước ngoài theo nhóm nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến Nhật Bản khi đất nước này đón khoảng 9,6 triệu du khách từ Trung Quốc vào năm 2019.

Trong vòng 8 năm qua, Nhật Bản đã và đang cố gắng vượt qua 3 cuộc khủng hoảng kinh tế. Và nhiều người lo ngại rằng dịch Covid-19 có thể sẽ đẩy nền kinh tế này vào một cuộc suy thoái tiếp theo.

  Khách du lịch đeo khẩu trang bảo vệ khi đến thăm đền Sensoji ở quận Asakusa của Tokyo vào tuần trước. Ảnh: REUTERS.

Khách du lịch đeo khẩu trang bảo vệ khi đến thăm đền Sensoji ở quận Asakusa của Tokyo vào tuần trước. Ảnh: REUTERS.

Trong một diễn biến khác, liên quan đến dịch bệnh COVID-19, mới đây, khách sạn Fujimiso ở thành phố Gamagori thông báo sẽ nộp đơn lên chi nhánh của Tòa án quận Nagoya ở Toyohashi, tỉnh Aichi, xin phá sản với lý do là lượng khách giảm mạnh trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia của công ty tín dụng Tokyo Shoko Research thì đây là sự đánh dấu thất bại kinh doanh đầu tiên ở Nhật Bản liên quan đến vụ dịch COVID-19.

Theo Japan Times, khách sạn Fujimiso, trong những năm gần đây đã tập trung chủ yếu vào việc thu hút khách du lịch đến từ Trung Quốc. Do tình hình dịch bệnh COVID-19, bắt đầu từ đầu năm 2020, họ nhận thấy những cuộc điện thoại thông báo hủy bỏ đặt phòng từ các nhóm du lịch Trung Quốc.

Khách sạn Fujimiso được thành lập vào tháng 2/1956 với vôn điều lệ ban đầu là 96 triệu yen. Hiện Công ty tín dụng Tokyo Shoko Research cho biết vẫn đang điều tra về số tiền nợ hiện tại.

Trong tháng 2/2020, Hiệp hội Đại lý Du lịch Nhật Bản đã công bố số lượng du khách Trung Quốc hủy các chuyến đi đến Nhật Bản dự kiến ​​sẽ đạt 400.000 vào cuối tháng 3 do sự bùng phát của COVID-19.

Hiệp hội đã đưa ra dự báo dựa trên số lượng thư bảo lãnh, một lại giấy tờ cần thiết để có được thị thực du lịch cho Nhật Bản. Số lượng hủy thực tế có khả năng tăng cao hơn nữa vì ước tính không bao gồm khách du lịch là giới kinh doanh đi công tác.

Nếu tình hình dịch bệnh do COVID-19 kéo dài trong thời gian tới, không chỉ có khách sạn Fujimiso nộp đơn phá sản, mà còn có nhiều công ty khác của Nhật Bản có thể sẽ cùng cảnh ngộ. 

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến trên 12.348 công ty được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến 16/2 bởi Tokyo Shoko Research, 66% cho biết họ đã thấy hoặc sẽ thấy tác động từ vụ dịch, như hủy bỏ các chuyến công tác, gián đoạn chuỗi cung ứng và suy giảm bán hàng.

Khi được hỏi về cách họ đối phó với tình hình dịch COVID-19, 974 công ty cho biết họ đang nỗ lực mở rộng chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc trong khi 200 công ty khác cho biết họ đang xem xét lại hoặc đóng băng các kế hoạch thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Hơn 5,800 công ty cũng bày tỏ lo ngại rằng COVID-19 sẽ làm suy yếu tiêu dùng ở Trung Quốc, cho thấy mức độ thăng trầm trong nền kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty Nhật Bản.

Nguồn: Japan Times

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương