Dồn tiền cho ZaloPay và Tiki, VNG sẽ lỗ gần 250 tỷ đồng trong năm nay?

Năm nay, lợi nhuận sau thuế của VNG sẽ ghi nhận âm gần 250 tỷ đồng. Nguyên nhân được HĐQT giải thích là do công ty dồn tiền tái đầu tư cho ví điện tử ZaloPay, chưa kể VNG còn muốn tiếp mối duyên với Tiki trong thời gian tới.

Công ty Cổ phần VNG đã tổ chức Đại hội cổ đông năm 2020 vào ngày 19/6 vừa qua. Có 69,75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự tính đến thời điểm kết thúc đăng ký.

Lợi nhuận âm vì rót tiền vào ZaloPay

Tại đây, 98,02% phiếu biểu quyết nhất trí với kế hoạch kinh doanh của VNG trong năm 2020. Cụ thể, doanh thu dự kiến của VNG trong năm nay là 6.714 tỷ đồng, tăng 29,7% so với doanh thu thực tế năm 2019. Tuy nhiên, công ty này lại xác định lợi nhuận sau thuế dự kiến âm 246 tỷ đồng, tức giảm 700 tỷ đồng so với mức lãi ròng năm ngoái.

Giải thích về mức lãi âm sau nhiều năm thu lời hàng trăm tỷ, ban lãnh đạo VNG cho biết: “Kế hoạch kinh doanh năm 2020 tập trung đầu tư nhiều cho các sản phẩm chiến lược dài hạn, trong đó có ZaloPay, song vẫn đảm bảo quyền lợi cho cổ đông”. Theo VNG, con số âm 246 tỷ đồng chỉ là ghi nhận theo nguyên tắc kế toán trên các báo cáo hợp nhất. Thực tế, lợi nhuận dự kiến cho các cổ đông của VNG lên đến 299 tỷ đồng.

Như vậy, theo lời giải trình của ban lãnh đạo, có thể hiểu tình hình kinh doanh của VNG không thụt lùi mà công ty chủ động đưa dòng tiền tái đầu tư cho “các sản phẩm chiến lược dài hạn”.

Doanh thu và lợi nhuận của VNG qua các năm. Đồ hoạ: Tất Đạt
Doanh thu và lợi nhuận của VNG qua các năm. Đồ hoạ: Tất Đạt

Thực tế, theo báo cáo tài chính quý I/2020, VNG là một trong những doanh nghiệp không hề hấn gì khi đại dịch COVID-19 hoành hành lúc cao điểm. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận con số 1.303 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của VNG lại giảm gần một nửa so với 3 tháng đầu năm 2019, về mức 85,6 tỷ đồng. Nguyên nhân có thể đến từ việc cân đối tài chính không tối ưu của công ty này. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều đội lên từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Ngoài ra, giá vốn hàng bán tăng tới 23,7% cũng là nguyên nhân chính.

Ngoài ra, Đại hội cổ đông vừa qua còn thông qua quyết định không chia cổ tức cho năm 2019. Theo tờ trình của ban lãnh đạo công ty, do nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chiến lược và đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, HĐQT đề nghị giữ lại nguồn tiền để tái đầu tư cho các hoạt động kinh doanh. Nguồn tiền này sẽ được phân bổ cho các mảng như ví điện tử và cổng thanh toán, sở hữu trí tuệ trò chơi, dịch vụ đám mây, dịch vụ trí tuệ nhân tạo, sản phẩm di động,…

Quyết “chơi lớn” về ví điện tử

Năm nay, VNG quyết “chơi lớn” với ví điện tử ZaloPay . Công ty cổ phần Zion, đơn vị chủ quản ZaloPay , trở thành mấu chốt quan trọng trong hệ sinh thái của VNG từ năm 2016 sau khi nền tảng này được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán.

Sở dĩ HĐQT VNG xác định ví điện tử sản phẩm chiến lược dài hạn vì ZaloPay là một cách “moi thêm tiền” từ tệp khách hàng lên tới 100 triệu người sử dụng Zalo, bên cạnh các khách hàng mảng game và các sản phẩm di động khác như Zing MP3, Zing TV,…

Dù để lại nhiều con số ấn tượng về thị phần, đơn vị vận hành ZaloPay là CTCP Zion (Zion) vẫn đang chìm trong thua lỗ.

ZaloPay đang muốn 100 triệu tài khoản Zalo sử dụng ví điện tử của mình. Ảnh: VNG
ZaloPay đang muốn 100 triệu tài khoản Zalo sử dụng ví điện tử của mình. Ảnh: VNG

Theo cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo vào quý IV/2019, ZaloPay cùng Momo và Moca là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở TP.HCM và Hà Nội. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm COVID-19, ZaloPay ghi nhận sự tăng trưởng đột biến với mức tăng ước đạt 36%.

Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ sở hữu tại Zion của VNG giảm xuống chỉ còn 60%. Việc giảm tỷ lệ sở hữu là do Zion đã thực hiện gọi vốn bên ngoài. Như vậy, ZaloPay đã và đang phình to về nguồn lực tài chính với xúc tua hai đầu, một đầu được VNG bơm vốn cật lực, một đầu miệt mài gọi vốn bên thứ ba.

Tuy nhiên, ZaloPay vẫn là một mối làm ăn đang thua lỗ. Năm 2017, Zion báo lỗ hơn 21 tỷ đồng. Năm 2018, khoản lỗ của ví điện tử này gấp gần 7 lần, tăng lên 133,4 tỷ đồng. Khoản lỗ của Zion trong năm 2019 đã gấp 3 lần số lỗ năm 2018 và 18 lần so với số lỗ năm 2017, lên mức 376,9 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2019, VNG đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào Zion lên tới 143,92 tỷ đồng. Tuy nhiên, ZaloPay không phải là ví điện tử duy nhất lỗ đậm, các đối thủ khác cũng rất chật vật trong việc khấu hao tài chính. Khoản lỗ trên được xem là lỗ theo kế hoạch trong lĩnh vực trung gian thanh toán.

Chưa dứt tình với Tiki

Không chỉ nuôi mỗi “đứa con chưa chịu lớn” ZaloPay, VNG vẫn còn “đút cơm” cho Tiki sau bao năm gồng gánh khoản lỗ khổng lồ.

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, khi được hỏi liệu VNG có bỏ khoản đầu tư tại Tiki để nhảy sang lĩnh vực khác hay không, ban lãnh đạo bỏ ngỏ câu trả lời. Thay vào đó, đại diện công ty này chỉ phát biểu: “VNG liên tục cập nhật những cơ hội đầu tư trên thị trường và sẽ thông báo đến cổ đông khi có cơ hội đầu tư triển vọng”.

Lần đầu tiên Tiki nhận khoản đầu tư từ VNG là vào tháng 5/2016 với 17 triệu USD và cho đi 38% cổ phần. Đến đầu năm 2018, VNG tham gia thêm một lần rót vốn trong đợt chào bán riêng lẻ của Tiki, rót thêm 120 tỷ đồng.

“Đốt tiền như giấy”, Tiki liên tiếp báo lỗ đậm. Theo báo cáo tài chính của VNG, Tiki lỗ 1.395 tỷ đồng trong năm 2018. Năm sau đó, con số này tăng lên tròn 1.800 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính bán niên 2019, giá trị khoản đầu tư vào Tiki của VNG là hơn 506 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị còn lại của khoản đầu tư đã về 0, do VNG chịu phần lỗ từ công ty liên kết tương ứng với tỷ lệ sở hữu trong Tiki.

VNG vẫn là cổ đông lớn nhất tại Tiki sau nhiều lần không rót vốn. Đồ hoạ: Tất Đạt
VNG vẫn là cổ đông lớn nhất tại Tiki sau nhiều lần không rót vốn. Đồ hoạ: Tất Đạt

Thế nhưng suốt 4 năm qua, VNG vẫn luôn giữ vững vị trí cổ đông lớn nhất tại sàn thương mại điện tử này. Đến nay, dù không rót thêm vốn, VNG vẫn giữ 24,25% quyền sở hữu và quyền biểu quyết tương ứng của Tiki.

Nguyên nhân VNG không chịu “dứt tình” với Tiki có thể là do thương vụ sáp nhật giữa sàn thương mại điện tử này với Sen Đỏ. Nếu thương vụ hoàn tất, sàn thương mại điện tử mới của Tiki và Sen Đỏ sẽ là một đối trọng thật sự đối với hai kẻ ngoại quốc “bạo vì tiền” như Lazada và Shopee. Theo thống kê từ iPrice, thị phần thương mại điện tử Việt Nam dành đến 65% cho Tiki, Sen Đỏ, Thế Giới Di Động.

Trong quý I/2020, tình hình tài chính của VNG cũng ghi nhận điểm sáng đáng kể từ hoạt động đầu tư liên kết. Công ty này ghi nhận khoản lãi từ đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết gần 2,6 tỷ đồng thay vì lỗ 31 tỷ đồng của 3 tháng đầu năm 2019.
Một số người cho rằng, đây là quý thứ hai liên tiếp sau hơn 4 năm rót vốn vào startup thương mại điện tử, VNG ghi nhận lợi nhuận trong khoản mục này. Trong khi có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là Tiki đã “tiêu” hết vốn mà VNG thực góp, do đó việc công ty liên kết này lỗ thêm không còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VNG. Như vậy, khoản lời trên có thể đến từ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn, đơn vị độc quyền phân phối thẻ game của công ty Cổ phần VNG.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương