Dòng vốn FDI chất lượng cao đang tiếp tục đến Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục "rót" vốn mạnh, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Những dự án có quy mô hàng tỷ USD cũng đã xuất hiện.

Đầu năm 2023, hơn 200 doanh nghiệp Hà Lan đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh thông qua 30 hội thảo xúc tiến đầu tư. Trung tuần tháng 6, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc sang Việt Nam, hơn 200 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc đã tiếp cận thị trường

Điểm nhấn tại thành phố Hải Phòng khi ghi nhận dự án LG Innotek của Hàn Quốc điều chỉnh bổ sung thêm 1 tỷ USD trong tháng 7, nâng tổng vốn đầu tư lên 2,051 tỷ USD. Đồng thời, nhiều đơn vị đã trao từ 80 đến 90 cam kết để mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Hàng loạt biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Hàn Quốc đã được ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeo tới Việt Nam.

Với sự tham gia của 205 doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung, LG, SK, Hyundai Motor, Lotte…, một tương lai rộng mở trong hợp tác đầu tư Việt-Hàn đang được thúc đẩy.

Dòng vốn FDI chất lượng cao đang tiếp tục đến Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến cuối tháng 7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 8,8 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm.

7 tháng năm 2023, vốn đầu tư mới các dự án FDI tăng 38,6%, vốn đăng ký mới tăng 4,5%, số dự án tăng 75,5%. Trong đó, Singapore và Hàn Quốc là hai nhà đầu tư FDI lớn nhất rót vốn vào Việt Nam 7 tháng qua. Vốn bổ sung của nhiều đơn vị được tiếp tục rót vào Việt Nam cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư lớn dành cho nước ta tiếp tục gia tăng.

Hàng loạt chuyến thăm cấp cao của nhiều lãnh đạo các quốc gia, tập đoàn quy mô quốc tế tới Việt Nam trong nửa đầu năm nay cũng động lực thôi thúc dòng vốn FDI những quý tiếp theo. Điểm qua đó là Boeing với văn phòng mới thành lập tại Hà Nội, tập đoàn Intel với chiến lược rót thêm hàng tỷ USD đang trong quá trình đàm phán hay P&G tiếp tục mở rộng nhà máy ở Bình Dương.

Những con số thống kê của 7 tháng năm 2023 cho thấy việc thu hút dòng vốn FDI đã khởi sắc trở lại, kỳ vọng bứt phá trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, tăng trở lại cũng là thách thức khi dòng đầu tư luôn có sự thay đổi, phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh như thế nào để sự tăng trưởng này là bền vững, theo Báo Nhân Dân.

Đặc biệt trong bối cảnh việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc.

Chia sẻ về triển vọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam, bà Dorsati Madani - chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Trong suốt thời gian dài vừa qua, Việt Nam được công nhận là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Ngay trong thời kỳ phòng chống dịch COVID-19, sản xuất công nghiệp được duy trì và đảm bảo hàng hóa xuất khẩu. Khi điều kiện thay đổi, theo bà Dorsati Madani, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn dành sự quan tâm và đưa tiền đến Việt Nam đầu tư chính là nhờ sự quyết tâm của Chính phủ, môi trường kinh tế chính trị ổn định so với các nền kinh tế khác.

Việt Nam cũng là nền kinh tế mở, đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa chất lượng cao. Điều này tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư tiềm năng. Vì vậy, sự hiện diện của vốn FDI tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định.

Tại diễn đàn về thu hút dòng vốn đầu tư mới vừa được tổ chức, ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng nhiều chuyên gia, CEO các tập đoàn lớn đã đề cập làm rõ hơn những xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI trên toàn cầu mang lại cơ hội mới cho Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo ông Đỗ Văn Sử, một trong những xu hướng nổi bật là sự dịch chuyển dòng vốn FDI xuất phát từ chiến lược Trung Quốc + 1 của nhiều công ty đa quốc gia để không muốn "bỏ trứng vào một giỏ", hướng đến chia sẻ rủi ro. Chiến lược Trung Quốc + 1 có 3 làn sóng, khởi nguồn từ các nhà đầu tư Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác như việc một số quốc gia xuất khẩu nguồn vốn lớn tái định vị điển hình là Mỹ và chính sách này tác động đến các nhà đầu tư tìm cách tận dụng cơ hội. Xung đột Nga - Ukraine cũng khiến cho các nhà đầu tư tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, khu vực Đông Nam Á nổi lên như một bệ đỡ trong sự đứt gãy hoặc giãn đoạn chuỗi cung ứng, trong đó Việt Nam được quan tâm nhất.

Nhìn trên bản đồ đầu tư và số liệu thống kê, trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Trong đó, hơn 60% số vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, thời gian gần đây dòng vốn đầu tư có dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ cũng đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều doanh nghiệp mới đây đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư và xem Việt Nam như một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip, theo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Phát triển năng lượng sạch, các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những định hướng quan trọng trong Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thực hiện chiến lược trên, nhất là sau khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có rất nhiều tập đoàn năng lượng quốc tế đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo. Kéo theo đó, nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng muốn đầu tư sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo.

(Tổng hợp)

AN LY