Dự báo lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm

Cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại tiếp tục nóng lên khi đã có một số ngân hàng quy mô nhỏ nâng mức lãi suất huy động dài hạn lên mức 8,0% rồi 8,4%/năm.

Số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng 2022 cho thấy, áp lực huy động tiền gửi của các TCTD là rất lớn. Tính đến thời điểm 20/9/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), còn tăng trưởng tín dụng đã lên tới 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%). Cách đơn giản và hiệu quả nhất để các ngân hàng hút tiền gửi là tăng lãi suất huy động.

Chia sẻ về động thái tăng lãi suất của NHNN gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, việc tăng lãi suất huy động tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV dự báo, trong các tháng còn lại của năm 2022 lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng khi xu hướng điều hành của NHNN vẫn thận trọng trong kiểm soát cung tiền nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định vĩ mô.

Sang năm 2023, đà tăng lãi suất huy động có thể vẫn duy trì do: Chính sách tiền tệ thận trọng vẫn được áp dụng trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá vẫn còn chịu áp lực gia tăng; các TCTD tăng cường huy động nguồn vốn để cho vay nền kinh tế khi đà hồi phục kinh tế dự báo tiếp tục được duy trì.

Cùng với đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất cho vay dự báo sẽ tăng nhẹ ở một số đối tượng, phân khúc và khách hàng, nhưng về cơ bản sẽ tiếp tục được duy trì ổn định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng đánh giá với mức lãi suất điều hành tăng 1%, lãi suất cho vay trên thị trường cũng sẽ điều chỉnh thêm từ 1-1,5% từ nay tới cuối năm. Lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo việc tăng lãi suất cho vay ở mức gần như tương ứng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất trong bối cảnh hiện tại là cần thiết để cân bằng với việc tăng lãi suất của hàng loạt các đồng tiền trên thế giới.

"Việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng, tác động lên hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng phân tích trên tổng thể, tác động của tăng lãi suất cơ bản là tích cực nhiều hơn tiêu cực", ông Hiếu nói.

Chia sẻ về giải pháp bình ổn lãi suất cho vay những tháng cuối năm, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, NHNN khi điều chỉnh lãi suất cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay, thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

"Đồng thời NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới", Phó Thống đốc NHNN nói.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa phát đi thông báo ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm kỳ hạn 18 tháng. Đây là mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay.

Bên cạnh sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi, Bản Việt có sản phẩm tiết kiệm online với mức lãi suất khá cao, lên tới 7,5%/năm.

MSB trước đó cũng đã đẩy lãi suất tiền gửi lên 8%/năm cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Các kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng có mức lãi suất là 7,7%/năm.

Ngân hàng số Cake by VPBank thì niêm yết mức lãi suất cao nhất là 8,2%/năm đối với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng, kỳ hạn gửi 36 tháng.

Cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại diễn ra sau khi NHNN tăng thêm 1% trần lãi suất huy động dưới 6 tháng. Tuy nhiên, cuộc đua tăng lãi suất dường như mới chỉ bắt đầu.

Tổng Hợp