EVFTA - Chất xúc tác cho dư địa tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau một năm thực thi, hiệp định đã tạo ra một hành lang thuận lợi cho giao thương giữa hai bên và mang lại động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm Đại công quốc Luxembourg, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Nguyễn Văn Thảo đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels về những triển vọng tiếp tục thúc đẩy EVFTA trong thời gian tới.

Nhìn lại một năm thực thi EVFTA, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, đây là thời điểm vô cùng khó khăn khi trong nửa cuối năm 2020, các nước EU chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19. Đến năm 2021, làn sóng dịch bệnh tiếp tục bùng phát ở các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam cũng bị tác động khá lớn.

Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU trong năm ngoái vẫn đạt 50 tỷ USD, trong đó thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD.

evfta-viet-nam-31721.jpg
Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang hiện đang xuất khẩu sang nhiều nước như: Trung Quốc, Nga, Singapore… không bỏ lỡ cơ hội đã có kế hoạch đầu tư thêm nhiều dây chuyền mới trong đầu năm 2021. Ảnh (minh họa): Danh Lam/TTXVN

Mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng thương mại hai chiều Việt Nam-EU trong 5 tháng cuối năm 2020 vẫn  tăng trưởng 4,5%. Con số tuy khiêm tốn nhưng đặt trong bối cảnh năm 2020, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU suy giảm 6,2% thì đây là một kết quả đáng khích lệ. Hơn nữa, trong quý I/2021, mức suy giảm kinh tế của EU 0,4%, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều tăng 15%. Điều này khẳng định tác dụng mạnh mẽ của EVFTA.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, kết quả khả quan này còn có ý nghĩa lớn hơn, khẳng định sản phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của thị trường EU. Vào thời điểm EU chịu nhiều khó khăn, hàng hóa Việt Nam vẫn vào được thị trường này, góp phần duy trì, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh dư địa giữa Việt Nam và EU còn rất lớn. Các nước EU có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy- hải sản ngoài khối ở mức hơn 150 tỷ USD/năm, trong khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang EU mới ở mức khoảng 5 tỷ USD. Thêm vào đó, những ưu đãi từ EVFTA, với thuế suất bằng 0%, cùng những điều kiện thương mại hài hòa, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng hơn nữa.     

Nhận định EVFTA tạo ra một hành lang hết sức thuận lợi cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo lưu ý, hiệp định này không phải "là đôi đũa thần" và vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng chính phủ cần tiếp tục trao đổi, đàm phán với EU để hoàn thiện những tiêu chuẩn, quy định, công nhận lẫn nhau giúp cho hàng hóa hai bên thâm nhập hơn nữa thị trường của nhau.

Không chỉ thuế suất mà rào cản thương mại, kỹ thuật cũng cần được dỡ bỏ.

Phía Việt Nam cũng cần thúc đẩy tiến tới Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vì thương mại và đầu tư có mối quan hệ rất chặt chẽ. Hiệp định này hiện nay đã được ký kết và chờ nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn. EVIPA cũng sẽ thúc đẩy đầu tư hai chiều với dịch vụ công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.

Ứng dụng công nghệ mới của châu Âu sẽ giúp các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tăng tính cạnh tranh, đóng góp vào tăng trưởng thương mại. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự tin đầu tư vào thị trường châu Âu với thế mạnh của mình để đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng bền vững tại thị trường EU.

Đề cập đến những kỹ năng mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiếp tục bổ sung để vững bước ở "sân chơi" EU trong thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh các doanh nghiệp cần đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm cả về chất lượng và quy mô để đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường châu Âu, đồng thời đảm bảo nguồn cung ứng bền vững cho khách hàng châu Âu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư hơn nữa để tìm hiểu cơ hội kinh doanh cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của EU, tìm hiểu phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng của người dân châu Âu, những vấn đề mà doanh nghiệp cần phải tránh để không liên quan đến pháp lý.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giữa các doanh nghiệp Việt Nam vì đây là một "cuộc chơi" đòi hỏi tính tập thể. Nếu các doanh nghiệp phối hợp với nhau thì sẽ tạo ra năng lực cạnh tranh cao hơn về số lượng, chất lượng,  đàm phán, xây dựng mạng lưới quan hệ ở châu Âu.     

Ví von EVFTA như một một trận bóng đá, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng lãnh đạo Việt Nam và EU đã tạo ra sân bóng với chất lượng tốt, có quy định rõ ràng, nhưng để có được trận cầu hay thì các cầu thủ phải có kỹ thuật cá nhân và thể lực tốt, phải biết quan sát trận đấu, tránh va chạm.

Trong cuộc chơi này, họ phải biết chuyền bóng cho ai và phải phối hợp theo chiến thuật của huấn luyện viên. Đại sứ nhấn mạnh có như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam mới thành công trong thời gian tới và tận dụng một cách có hiệu quả những gì EVFTA mang lại.

TTXVN