Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2022, số liệu đã được Deloitte kiểm toán. Theo đó, báo cáo ghi nhận doanh thu hợp nhất của tập đoàn năm ngoái đạt 463.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ bán điện chiếm tới 98%, đạt trên 456.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng cao, chiếm hơn 452.000 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của EVN giảm mạnh còn 10.580 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với năm 2021.
EVN lỗ hơn 20.000 tỷ đồng trong năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ) |
Năm 2022, tập đoàn này cũng ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm xuống 7.382 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với năm 2021. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 24% lên 18.192 tỷ đồng (chủ yếu do chênh lệch tỷ giá); chi phí bán hàng giảm 17% xuống còn 6.172 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng nhẹ khoảng 1,2% lên mức 14.380 tỷ đồng.
Năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463.000 tỷ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%, với trên 456.000 tỷ đồng.
Doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn điện lại lên tới hơn 402.600 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29.700 tỷ đồng. Trong khi năm 2021, giá vốn điện của EVN chỉ là 331.600 tỷ đồng.
Như vậy năm 2022, EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra. Lý do chủ yếu bởi giá than tăng cao. Điều này không xảy ra trong năm 2021.
Trước đó, kết quả kiểm tra của Bộ Công thương về chi phí giá thành sản xuất điện cho thấy: tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.031,80 tỷ đồng, năm 2022 là 493.265,30 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Năm 2021, giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Còn giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Các khoản thu của EVN và các đơn vị thành viên từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được giảm trừ vào chi phí sản xuất kinh doanh của EVN và các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 là 1.854,44 đồng/kWh. Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 cao hơn giá bán lẻ điện bình quân ngưỡng 177,82 đồng/kWh.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5, EVN cũng giải trình rõ lý do năm ngoái tập đoàn này thua lỗ. Năm 2022, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%.
Các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống, với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh.
Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, EVN cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện. Giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, với với bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.
Room tín dụng toàn hệ thống ngân hàng được chỉnh lên 14%
Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.