Theo một danh sách mới được công bố bởi Hurun Report, Trung Quốc có 229 doanh nhân Trung Quốc trượt khỏi danh sách người giàu nhất toàn cầu trong năm 2022 do nền kinh tế lao dốc, chứng khoán sụt giảm và đồng nhân dân tệ mất giá đã ảnh hưởng nặng nề đến giới siêu giàu nước này hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Theo SCMP) doanh nhân Trung Quốc chiếm hơn một nửa trong số 445 cá nhân trên toàn cầu không còn được xếp hạng là doanh nhân tỷ đô và bị loại khỏi danh sách người giàu nhất toàn cầu năm 2022 của Hurun Report. Đây là lần sụt giảm số lượng tỷ phú Trung Quốc nhiều nhất kể từ khi bảng xếp hạng được công bố lần đầu năm 2013.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2022, Trung Quốc cũng là quốc gia có số lượng tỷ phú mới xuất hiện trong danh sách nhiều nhất, với tổng số 69 doanh nhân. Danh sách của Hurun Report xếp hạng những người giàu nhất toàn cầu dựa trên giá trị tài sản ròng tính tới ngày 16/1.
Ông Zhong Shanshan, 69 tuổi, người sáng lập thương hiệu nước đóng chai Nongfu Spring, vẫn giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc với khối tài sản trị giá 69 tỷ USD, giảm 4% so với năm ngoái. Ông Zhong cũng đồng thời là người giàu thứ 15 trên thế giới.
Ngoài ra, tổng giá trị tài sản ròng của các tỷ phú Trung Quốc trong bảng xếp hạng (bao gồm 77 doanh nhân Hong Kong và 46 doanh nhân Đài Loan) giảm 15%, trong khi tổng tài sản của tất cả tỷ phú toàn cầu giảm 10% trong năm qua.
Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu của Hurun Report cho biết: "Lãi suất tăng, đồng USD cũng tăng giá, biến cố trong ngành công nghệ do COVID-19 và tác động liên tục của cuộc chiến Nga-Ukraina, đã khiến thị trường chứng khoán gặp khó khăn".
Người sáng lập Tencent, Pony Ma, 52 tuổi, đứng ở vị trí thứ hai trong số các tỷ phú Trung Quốc. Ông đã tăng hai bậc so với một năm trước mặc dù đã mất 25% giá trị tài sản ròng của mình xuống còn 39 tỷ USD. Ông là người giàu thứ 31 trên toàn thế giới.
Người sáng lập ByteDance, Zhang Yiming, 40 tuổi đã tụt một bậc xuống vị trí thứ ba khi tài sản của ông giảm 31% xuống còn 37 tỷ USD.
Jack Ma, người sáng lập Alibaba đã tụt từ vị trí thứ 5 xuống thứ 9 trong số các tỷ phú Trung Quốc. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 32% xuống còn 25 tỷ USD, tương đương với vị trí thứ 52 trên toàn thế giới.
Li Ka-shing vẫn là người giàu nhất Hồng Kông (Trung Quốc) và là người giàu thứ 39 trên thế giới khi tài sản của ông giảm 6% xuống còn 31 tỷ USD.
Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2022, một trong những mức tăng trưởng thấp nhất trong hàng thập kỷ.
Trong năm qua, thị trường chứng khoán thế giới cũng khá ảm đạm khi trong vòng 12 tháng tính tới ngày 16/1, các chỉ số chứng khoán tại Mỹ như Nasdaq giảm 26%, chỉ số S&P 500 giảm 14%, NYSE Composite giảm 8%, các chỉ số tại sàn giao dịch ở Thượng Hải và Thâm Quyến cũng giảm lần lượt 8% và 17%.
Lý giải cho tình trạng trên, ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty tư vấn Hurun Report, cho rằng: "Lãi suất cao, đồng USD tăng giá, xuất hiện tình trạng bong bóng công nghệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tác động kéo dài của chiến sự tại Ukraine đều gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường cổ phiếu".
Trong cùng giai đoạn trên, việc đồng Nhân dân tệ mất gần 6% giá trị so với đồng USD cũng khiến giá trị tài sản ròng của các doanh nhân Trung Quốc sụt giảm bởi Hurun Report thống kê giá trị tài sản ròng của các thương nhân dựa trên đồng USD.
Ông Wang Feng, Chủ tịch công ty tài chính Ye Lang Capital có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng năm 2022 là một năm khó khăn với doanh nhân Trung Quốc do dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và khiến nhu cầu của người tiêu dùng với các loại hàng hóa, dịch vụ suy giảm.
Tuy nhiên, quy mô thị trường rộng lớn của Trung Quốc và việc quốc gia này điều chỉnh chính sách phòng dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho việc xuất hiện nhiều doanh nhân Trung Quốc có giá trị tài sản ròng cao trong những năm tới.
Trên toàn cầu, có 3.112 tỷ phú đứng trong danh sách mới nhất, giảm so với con số 3.381 của năm ngoái. Tổng tài sản của họ giảm 10% so với năm ngoái.
Xét về ngành nghề, năm 2022 là một năm tồi tệ đối với các ông lớn công nghệ, ô tô điện và chất bán dẫn, nhưng lại là một năm thuận lợi đối với các doanh nhân trong lĩnh vực phân bón, dầu khí, sắt, nước giải khát, bánh kẹo, sòng bạc, khách sạn, câu lạc bộ thể thao và hàng xa xỉ.
Ông chủ LVMH Bernard Arnault với giá trị tài sản ròng 202 tỷ USD là người giàu nhất thế giới, tiếp theo là CEO Tesla Elon Musk với 157 tỷ USD, theo báo cáo của Hurun
(Nguồn: SCMP/Global Times)