Ghế nóng ngân hàng "hot" trước thềm ĐHĐCĐ

Câu chuyện nhân sự cấp cao tại các ngân hàng luôn được hâm nóng khi hàng loạt ngân hàng công bố các quyết định bổ nhiệm mới.

Bên cạnh làn sóng bổ nhiệm ghế nóng trước thềm ĐHĐCĐ, "tay chơi mới" tại một số cũng dần lộ diện tại một số ngân hàng trước thềm ĐHĐCĐ. Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, mã chứng khoán KLB), ông Đỗ Anh Tuấn vừa được đề cử vào danh sách bầu cử bổ sung thành viên HĐQT Ngân hàng Kiên Long nhiệm kỳ 2018-2022.

Tại LienVietPostBank, có thể sẽ có những biến động nhân sự cấp cao mới trong thời gian tới với sự góp mặt của "đại diện nhóm cổ đông lớn" là ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy). Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng cho thấy, trong kỳ đại hội lần này, các cổ đông sẽ thực hiện thông qua tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Mặc dù thông tin cụ thể về số lượng và nhân sự đề cử hiện chưa được công bố, nhưng theo một số nguồn tin, hiện ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thuỵ)  - cựu Chủ tịch Thaiholdings hiện đã sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu LPB của LienVietPostBank và có thể được đề cử vào HĐQT ngân hàng này tại ĐHĐCĐ sắp tới.

[caption id="attachment_18813" align="alignnone" width="637"] Nguyễn Đức Thụy[/caption]

Trong làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp trong những ngày đầu năm 2021 còn có Ngân hàng Standard Chartered. Nhà băng này phát đi thông báo bổ nhiệm bà Michele Wee làm Tổng giám đốc thị trường Việt Nam. Bà Michele Wee sẽ báo cáo ông Patrick Lee, Tổng giám đốc khu vực phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN khác, bao gồm Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và các văn phòng đại diện trong khu vực.

Hội đồng quản trị VietABank cũng quyết định bổ nhiệm ông Phương Thành Long giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc ngân hàng này. Ông Phương Thành Long cũng có kinh nghiệm gần 15 năm làm việc tại các Tổ chức tài chính và ngân hàng như Techcombank, VPBank, VietABank. Việc bổ nhiệm lần này nhằm chuẩn bị nguồn lực nhân sự quản lý cho các bước phát triển của ngân hàng giai đoạn tiếp theo.

Vào cuối tháng 2/2021, VietBank thông báo về việc ông Bùi Xuân Khu, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietBank, thay thế ông Dương Ngọc Hòa kể từ ngày 23/2/2021. Việc thay đổi nhân sự giữ chức danh Chủ tịch HĐQT để phù hợp với tình hình hoạt động của Hội đồng Quản trị VietBank nói riêng và VietBank nói chung trong giai đoạn mới cũng như trong điều kiện thị trường hiện nay chịu các tác động của Covid-19.

Chuyện vừa xảy ra ở Eximbank, cũng đang đón những xáo trộn tiền ĐHĐCĐ. Điều đáng nói, nhà băng này đã khiến cho thị trường "bất ngờ" khi bổ nhiệm tới 2 Chủ tịch HĐQT chỉ trong vòng 1 giờ. Cụ thể, trong ngày 13/4/2021, Eximbank đã liên tiếp có 2 Nghị quyết số 156 và số 157/2021 của HĐQT miễn nhiệm và bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT.

Trong đó, Nghị quyết số 156 của Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh và thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông - từ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, tạm thời giữ chức danh chủ tịch HĐQT cho đến khi HĐQT bầu nhân sự giữ chức danh chủ tịch HĐQT mới. HĐQT Eximbank cũng giao ông Thông thay mặt HĐQT ký Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh theo đơn từ nhiệm của ông Yasuhiro Saitoh ngày 6/4/2021.

Tuy nhiên ngay sau đó, tại Nghị quyết 157, được ký bởi ông Yasuhiro Saitoh - người vừa bị miễn nhiệm theo Nghị quyết số 156 - HĐQT Eximbank lại thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Hai Nghị quyết này được biết cùng căn cứ theo kết quả biểu quyết tại cuộc họp HĐQT và chỉ cách nhau 55 phút.

Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - TCB) đã quyết định bổ nhiệm ông Kalyanaraman Sivaramakrishnan giữ vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của ngân hàng. Trước đó, ông từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc tại Siam Commercial Bank (Thái Lan) và Phó Tổng giám đốc Quản trị rủi ro tại Scotiabank (Thái Lan).

ĐHĐCĐ các ngân hàng năm nay không chỉ nhiều tình tiết bất ngờ mà còn lộ diện nhiều “tay chơi” mới nắm giữ vị trí quan trọng tại các ngân hàng. Quan trọng hơn, bóng dáng của các ông chủ tập đoàn tư nhân "chi phối" trở nên rõ ràng hơn.

Kiên Cương